Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mật ong thô có thể cải thiện lượng đường và cholesterol trong máu

Sản phẩm mật ong chưa qua chế biến từ một nguồn hoa duy nhất có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu cũng như mức cholesterol.

Mật ong thô có thể giúp kiểm soát lượng đường và cholesterol trong máu. Ảnh: benyamin_bohlouli.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nutrition Reviews, mật ong thô chưa qua chế biến, đặc biệt từ một nguồn hoa duy nhất, có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và mức cholesterol .

Mặc dù thành phần của mật ong có khoảng 80% là đường, kết quả nghiên cứu trên vẫn khuyến cáo việc tiêu thụ khoảng 2 thìa mật ong thô mỗi ngày có thể làm giảm lượng đường trong máu và LDL - loại cholesterol “xấu”.

Thạc sĩ Amna Ahmed, đồng tác giả của nghiên cứu và là sinh viên y khoa tại Đại học Toronto (Canada), cho hay không giống đường ăn thông thường, mật ong có thành phần khá phức tạp gồm đường, vitamin, khoáng chất và các hoạt chất sinh học khác.

Nghiên cứu cho thấy men vi sinh và enzyme tăng cường sức khỏe trong mật ong thô có thể bị phá hủy trong quá trình chế biến. Do đó, các nhà khoa học cho rằng tốt nhất nên sử dụng mật ong thô, chưa qua chế biến.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm mật ong thô thực sự khá phức tạp. Cụm từ “mật ong thô” không được quản lý bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Vì vậy, chúng ta khó có thể xác định chính xác loại mật ong cần mua.

loi ich cua mat ong anh 1

Vẫn còn nhiều tranh cãi về mật ong thô gây khó khăn trong việc tìm mua. Ảnh minh họa: Bianca_ackermann.

TS Geb Bastian, trợ lý giáo sư về khoa học dinh dưỡng Đại học Bang Nam Dakota, cho biết: “Một số người cho rằng mật ong thô là sản phẩm hoàn toàn không qua xử lý. Trong khi đó, một số nhà sản xuất khác lại cho phép xử lý ở mức tối thiểu, như làm ấm nhẹ để đưa mật ong vào chai”.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng mật ong thô là loại được lấy từ một nguồn hoa duy nhất.

Về việc có nên sử dụng mật ong thay đường, TS Emma Laing, Giám đốc Dinh dưỡng tại Đại học Georgia, cho biết các khuyến cáo hiện nay về chế độ dinh dưỡng đều hướng dẫn hạn chế lượng đường ăn vào ở mức 10% lượng calo hàng ngày, bao gồm cả mật ong.

Vị chuyên gia khuyến cáo chúng ta chỉ nên sử dụng mật ong thay cho các chất làm ngọt khác nếu thích hương vị hoặc muốn có sự đa dạng trong chế độ ăn của mình. Trên thực tế, mật ong ngọt hơn đường nên chúng ta có thể tiêu thụ ít mật ong hơn nhưng vẫn được thưởng thức cùng một mức độ ngọt.

TS Laing cho biết thêm: “Các nguyên liệu mang tới vị ngọt thường bị mang tiếng xấu với những tác hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc tiêu thụ một lượng nhỏ đường hoặc mật ong sẽ không gây hại trong hầu hết trường hợp”.

Dù vậy, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận xem việc tiêu thụ một lượng nhỏ mật ong thay đường có mang lại lợi ích cho sức khỏe hay không. TS Laing cũng cảnh báo mật ong không phải một dạng thuốc hay thực phẩm quá kỳ diệu dù nó góp phần tạo ra một chế độ ăn lành mạnh khi kết hợp với trái cây, rau và ngũ cốc.

Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Điều quan trọng là để có sức khỏe tốt không chỉ phụ thuộc vào việc ăn một loại thực phẩm nhất định như mật ong. Thay vào đó là toàn bộ chế độ ăn uống, sinh hoạt”.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Cầu thủ Pháp uống trà gừng và mật ong chống cúm

Theo France 24, Liên đoàn bóng đá Pháp cho biết một số cầu thủ nước này bị cảm lạnh trong lúc chuẩn bị cho trận chung kết World Cup với Argentina.

Biện pháp loại bỏ chứng ho khan tự nhiên

Ho khan có thể khiến gây phiền toái cho bạn và cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể khắc phục tình trạng này tại nhà với những nguyên liệu đơn giản như mật ong, gừng, nghệ.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm