Tháng 11/2020, thông tin Tony Hsieh, cựu giám đốc điều hành trang bán lẻ giày dép trực tuyến Zappos, qua đời ở tuổi 46 vì bị thương trong vụ cháy nhà gây chấn động.
Tạp chí Vanity Fair nhận định điều này khá khó hiểu vì các nhân vật giàu có gần như không chết vì hỏa hoạn, đặc biệt là còn ở một mình như Hsieh.
Trong thập kỷ qua, giới công nghệ giàu có ở Thung lũng Silicon được xem như những vị thần. Họ chiếm gần một nửa trong số 20 người giàu nhất hành tinh, theo Forbes.
Khi những người này im lặng trong nhiều ngày liên tục, đó được coi là bằng chứng họ đang ấp ủ ý tưởng siêu việt nào đấy. Và khi trở lại cuộc sống bình thường, họ tuyên bố có thể cải tiến nền văn minh nhân loại.
Để kiểm soát cuộc sống, nhiều người thực tế đã tự đẩy mình đến cực đoan bằng cách “hack” cơ thể, chỉ dùng thực phẩm chức năng hoặc từ bỏ hẳn đồ ăn.
Cái chết bi thảm của “triệu phú bán giày” Tony Hsieh hé lộ mặt tối bên trong cuộc sống của các tỷ phú ở Thung lũng Silicon. |
Ám ảnh bởi sự thành công
Tony Hsieh, giống như nhiều doanh nhân công nghệ thành đạt, thành công khi còn trẻ. Năm 24 tuổi, anh bán công ty đầu tiên của mình cho Microsoft với giá 265 triệu USD. Sau đó, Hsieh đồng sáng lập Zappos, công ty anh bán cho Amazon với giá 1,2 tỷ USD vào năm 2009.
Hsieh đã áp dụng phong cách làm việc khác biệt, nơi nhân viên không có chức danh và tự tổ chức để hoàn thành nhiệm vụ của công ty.
Triệu phú gốc Á này được biết đến là người “ghẻ lạnh” số tiền khổng lồ mình kiếm được. Anh từng sống trong chiếc caravan ở bãi đậu xe và chỉ muốn khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, Hsieh bị ám ảnh bởi thành công của mình và cũng đã áp dụng vài biện pháp cực đoan.
Vài tháng trước khi qua đời, Hsieh chỉ nặng 45 kg và bị thiếu chất dinh dưỡng. Có lần anh tự đặt mình vào chế độ ăn kiêng khắc nghiệt theo kiểu “bảng chữ cái” trong 26 ngày, tức mỗi hôm chỉ ăn đồ bắt đầu bằng một chữ cái.
Theo lời người bạn lâu năm của Hsieh, ca sĩ Jewel, anh lo lắng, trầm cảm, tự hủy hoại bản thân và nghiện tình trạng thiếu oxy.
Một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon từng nói: “Một số nhà sáng lập sẽ tạo ra con người hoàn hảo. Sau đó, tất cả những người khác trong lĩnh vực công nghệ đều muốn mô phỏng nó”.
Các cuộc thăm dò, nghiên cứu không ngừng cho thấy sự giàu có và danh tiếng đã trở nên quan trọng như thế nào trong cuộc sống hiện đại của nước Mỹ. Đứng đầu là Mark Zuckerberg, Jack Dorsey và Elon Musk - những người giàu có và quyền lực nhất hành tinh.
Tuy nhiên, cho dù nhóm này kiếm được bao nhiêu tiền, có bao nhiêu người sử dụng nền tảng hoặc mua sản phẩm của họ... điều đó không bao giờ là đủ.
Mỗi sáng thức dậy, Mark Zuckerberg không tự nói với chính mình rằng “2,8 tỷ người sử dụng Facebook!”. Thay vào đó, vị tỷ phú trăn trở: “Tại sao nửa còn lại của hành tinh không sử dụng Facebook?”.
Các tỷ phú công nghệ ám ảnh về sự thành công và liên tục sợ đánh mất vị thế. |
Theo lời một nhà sáng lập công nghệ, Jeff Bezos cũng không khác. Gần đây, ông từ chức giám đốc điều hành của Amazon không phải để nghỉ hưu với tư cách là người giàu nhất thế giới hay dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, theo Washington Post.
Bezos đang cố gắng đánh bại Elon Musk trong cuộc đua không gian, giúp thúc đẩy Amazon đổi mới hơn nữa. Các doanh nhân công nghệ thành đạt như Hsieh, Giám đốc điều hành Snapchat Evan Spiegel hay Giám đốc điều hành Spotify Daniel Ek cũng liên tục sợ rằng họ đánh mất vị thế.
Theo những người thân cận với Tony Hsieh, một số tin rằng áp lực tài chính và duy trì danh tiếng với anh là quá lớn.
Thể hiện phiên bản không thật
Không có gì ngạc nhiên khi Thung lũng Silicon bước vào kỷ nguyên mới với giới thượng lưu công nghệ có quan hệ tình dục, sử dụng ma túy và trải nghiệm nhạc rock and roll - những điều không phổ biến trước đây.
Năm ngoái, một số nhà sáng lập giàu có bắt đầu thử nghiệm các loại thuốc microdosing (vi liều lượng) để sống qua ngày, bằng cách dùng lượng nhỏ MDMA, LSD và danh sách dài các loại nấm psilocybin.
Đối với Elon Musk, áp lực của việc đứng đầu đã khiến hội đồng quản trị Tesla lo lắng về việc tỷ phú này dùng thuốc để có thể ngủ mỗi đêm sau khi Tesla phải gánh chịu “những khoản phí khủng khiếp”.
Một số thậm chí bắt đầu xây dựng phòng thí nghiệm định lượng vi mô của riêng họ, thuê các nhà hóa học và nhà khoa học dược phẩm để tạo ra các lô thuốc gây ảo giác theo yêu cầu.
Trong đại dịch Covid-19, một số tỷ phú công nghệ được cho là đi đến những nơi xa xôi để thử nghiệm ayahuasca, peyote và loại ma túy tổng hợp “làm liệu pháp tâm lý trong 5 phút”. Họ cũng áp dụng chế độ nhịn ăn không liên tục hay cấy ghép nam châm, vi mạch vào cơ thể.
“Tôi nghĩ rằng các tỷ phú công nghệ luôn thể hiện phiên bản không có thật của bản thân ra bên ngoài. Sau đó, khi nhìn vào gương, họ thấy mình không chân thực và cách duy nhất để có thể xử lý ảo ảnh mà họ tự tạo ra là dùng ma túy”.
Vì áp lực công việc, Elon Musk phải dùng thuốc để có thể ngủ mỗi đêm. |
Một người ở Thung lũng Silicon, thường dành thời gian cho giới siêu giàu bị ám ảnh bởi “hack” cơ thể, nói: “Tất cả chỉ là ảo ảnh. Đại dịch chỉ khiến mọi người càng lao vào các hoạt động cực đoan hơn để tìm kiếm sự kiểm soát bản thân”.
Một người khác, từng bán công ty của mình cho Google, nói rằng nhiều năm sau thương vụ này - khi anh ta từ một người Mỹ lo lắng về việc phải trả tiền thuê nhà mỗi tháng bỗng thấy 7 số 0 ở cuối tài khoản ngân hàng của mình - là một trong những khoảng thời gian khốn khổ nhất trong cuộc đời.
“Tôi cứ nghĩ việc này sẽ giải quyết được tất cả, nhưng thực tế chỉ tạo ra rất nhiều vấn đề khác, cả về mặt tâm lý lẫn thể chất. Tôi không biết phải làm gì với chính mình nữa”.
Đối với Tony Hsieh, theo Vanity Fair, có lẽ điều duy nhất anh có thể làm là chạy trốn khỏi thực tại mà anh thấy mình bị giam cầm.