"Tất cả nỗ lực làm việc chăm chỉ, chuẩn bị, tập luyện, thi đấu của tôi từ năm ngoái cho đến tháng này chẳng có nghĩa lý gì cả, bởi vì họ (ban huấn luyện) đã quyết định rằng 3 buổi tập huấn tôi bỏ lỡ quan trọng hơn rất nhiều so với cố gắng trước đó".
Đó là những lời của vận động viên đấu kiếm quốc gia Singapore Samson Lee vào tháng 4, trước thềm Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Anh bị loại khỏi đội tuyển SEA Games 2023 vì bỏ lỡ 3 buổi tập vì mới có con đầu lòng, cha của anh phải nhập viện và bận bịu công việc kinh doanh của mình tại SG Academy of Fencing.
Đại diện Fencing Singapore nói rằng các quy trình hợp pháp đã được tuân thủ và các yếu tố giảm nhẹ của Samson đều được xem xét đầy đủ trước khi đưa ra quyết định loại tên.
"Khi đọc tin tức về Samson, tôi đã suy ngẫm về những gì mình đã trải qua với tư cách là một vận động viên, và cả những điều cần có đối với một vận động viên đẳng cấp thế giới", Joscelin Yeo, cựu VĐV bơi lội quốc gia Singapore từng 4 lần tham dự Olympic, chia sẻ trong bài viết trên CNA.
Sự hy sinh vô hình
Joscelin Yeo đã đại diện cho Singapore ở môn bơi lội trong 17 năm. Trong khoảng thời gian đó, cô tham dự 4 kỳ Thế vận hội Olympic, phá kỷ lục thế giới ở nội dung chạy tiếp sức hỗn hợp và giành được 40 huy chương vàng tại SEA Games.
"Nói rằng sự hy sinh là cần thiết đối với một vận động viên để thi đấu trên đấu trường thế giới có vẻ nông cạn, vì không nhiều người biết và hiểu sự hy sinh đó thực sự là gì", Yeo nói.
Yeo bắt đầu sự nghiệp bơi lội từ năm 11 tuổi. Một ngày bình thường, cô thức dậy lúc 4h30. Đến 5h, cô phải có mặt ở hồ bơi để khởi động và chuẩn bị. Buổi tập kéo dài từ 5h15 đến 7h45. Lúc 8h30, cô vào lớp học đầu tiên. Buổi đào tạo tiếp theo của các VĐV bắt đầu lúc 14h30 và kéo dài đến 18h.
"Tôi mệt mỏi không? Có! Các vận động viên dành rất nhiều thời gian để mài giũa kỹ năng của họ. Trên thực tế, khi giải đấu đến gần, công việc của những tháng trước đó bao gồm chuẩn bị tinh thần, không ảnh hưởng đến số giờ thể chất mà chúng tôi bỏ ra", Yeo nói.
Cựu vận động viên bơi lội quốc gia Joscelin Yeo từng giành 40 HCV tại SEA Games. Ảnh: Team Singapore. |
Yeo đã tập luyện 6 ngày/tuần, 52 tuần/năm, trong 4 năm, để có cơ hội vàng thi đấu tại Thế vận hội Olympic - đỉnh cao nhất của môn thể thao bơi lội. Tất cả những cố gắng đó là để thể hiện trong cuộc đua kéo dài chưa đầy hai phút rưỡi, hoặc chưa đầy một phút đối với hạng mục ngắn hơn của cô.
Với tất cả thời gian dành cho việc đào tạo, các VĐV không còn nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè, đời sống xã hội hoặc các sở thích khác. Việc họ vắng mặt trong những dịp quan trọng của gia đình không phải là hiếm.
Thường xuyên đi thi đấu cũng đồng nghĩa với việc các VĐV như Yeo phải xa nhà trong thời gian dài. Nhưng họ chấp nhận những hy sinh đó bởi vì đó là những gì họ được yêu cầu.
Phía sau hào quang rực rỡ
Các VĐV được biết đến là những người không chỉ dẻo dai về thể chất mà còn dẻo dai về tinh thần.
Câu hỏi được Yeo đặt ra là: Liệu các vận động viên có nên đặt môn thể thao của họ lên trên những thứ khác, bao gồm cả sức khỏe tinh thần và cuộc sống cá nhân của họ? Đây có phải là một nhiệm vụ không công bằng hay nó là điều cần thiết để họ thể hiện ở mức cao nhất?
"Khi chủ đề trầm cảm và lo lắng trở nên bớt cấm kỵ hơn, tôi nhận ra rằng nhiều vận động viên cũng phải vật lộn với sức khỏe tinh thần của họ", nữ VĐV nói.
Khi Yeo còn là một VĐV quốc gia, người ta thường chỉ nhìn thấy ánh hào quang và sự hào nhoáng. "Nhưng với áp lực nặng nề mà quốc gia đã đặt lên tôi, và chính tôi đã đặt lên mình, cuối cùng tôi đã phải trả giá".
Khi Yeo bơi không tốt, hoặc cô không thể hiện được những gì người ta mong đợi, cô sẽ suy sụp. Ngôi sao làng bơi lội cảm thấy như mình đã làm mọi người thất vọng và sẽ tự dằn vặt mình.
"Áp lực lớn đến mức tôi rơi vào vòng xoáy trầm cảm. Tôi đã chìm vào những nơi tối tăm đến nỗi không còn thiết sống nữa", cô kể.
Yeo đã thay đổi quan điểm sống sau nhiều áp lực. Ảnh: Joscelin Yeo. |
Yeo không phải người duy nhất rơi vào cảnh đó.
Michael Phelps, VĐV Olympic vĩ đại nhất mọi thời đại, người đã giành được 28 huy chương (23 trong số đó là huy chương vàng), cũng từng chia sẻ thẳng thắn về cuộc đấu tranh sức khỏe tâm thần của mình.
Simone Biles, VĐV thể dục dụng cụ người Mỹ đoạt nhiều huy chương nhất Olympic hay Naomi Osaka, người 4 lần vô địch Grand Slam đơn môn quần vợt, cũng vậy.
"Tôi nghĩ rõ ràng là sức khỏe tinh thần là một yếu tố quan trọng ngay cả đối với một vận động viên đẳng cấp thế giới, người được cho là có tinh thần dẻo dai".
Câu hỏi tiếp theo mà Yeo muốn khám phá là: Liệu chúng ta có thể tách biệt sức khỏe tinh thần mà chúng ta cần để chơi thể thao với sức khỏe tinh thần mà chúng ta cần để sống? Chúng ta có nên tách biệt chúng?
"Thành thật mà nói, tôi đã cố gắng. Nhưng vấn đề xảy ra khi tất cả cảm xúc đó chất chồng lên cao đến mức tôi không thể cân bằng tất cả được nữa", nữ VĐV bày tỏ.
Khi còn là sinh viên, cô phải học cách trở nên xuất sắc trong cả thể thao và học tập. Nhưng đối với một VĐV chuyên nghiệp trưởng thành, động lực và nhu cầu của cô thay đổi khi các thứ bậc trong cuộc sống thay đổi.
"Ổn định tài chính không chỉ cho mình mà còn cho cả gia đình. Mối quan tâm về sức khỏe và hạnh phúc vượt ra ngoài chúng ta. Thời gian thậm chí còn bị kéo dài hơn khi ta gánh vác nhiều trách nhiệm khác nhau để khiến cuộc sống vận hành".
Yeo cho rằng một VĐV tham gia thi đấu là để giành chiến thắng - dù là vì quốc gia hay bản thân. Các cơ quan quản lý và các tổ chức cũng cần hỗ trợ để một VĐV thành công.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.