Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mặt tối sau ánh hào quang Kpop

Bị công ty quản lý bóc lột, làm việc quần quật ngày đêm, chịu sự ghẻ lạnh của các thành viên còn lại trong ban nhạc, rất nhiều ngôi sao xứ Hàn đã phải ngậm đắng nuốt cay nếu muốn được nổi tiếng.

Mặt tối sau ánh hào quang Kpop

Bị công ty quản lý bóc lột, làm việc quần quật ngày đêm, chịu sự ghẻ lạnh của các thành viên còn lại trong ban nhạc, rất nhiều ngôi sao xứ Hàn đã phải ngậm đắng nuốt cay nếu muốn được nổi tiếng.

Kpop có thể xem là nơi sản sinh đông nghệ sĩ, nhóm nhạc thần tượng nhất thế giới. Không chỉ áp đảo về số ban, nhóm, làng nhạc xứ kim chi còn dẫn đầu về những vấn đề tiêu cực. Những năm gần đây, đối với các fan yêu nhạc Kpop thì những câu chuyện về "bắt nạt", "bản hợp đồng nô lệ", "tình ái"… chắc đã trở nên rất quen thuộc. Dù đã được nhắc đi nhắc lại không ít lần tại cả Hàn Quốc lẫn các nước khác trên thế giới, nhưng những vấn nạn này vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí là đang tăng lên.

Gồng mình để chiến đấu với công ty quản lý

Đối với người hâm mộ, có lẽ các công ty quản lý luôn là mái nhà chở che cho mỗi nghệ sĩ. Thậm chí, công ty còn được ví von như một đại gia đình. Thế nhưng, thời gian gần đây, với sự xuất hiện của hàng loạt bằng chứng cho thấy tình trạng bóc lột ở các công ty quản lý thì hình ảnh tốt đẹp đó đã dần mai một và không còn toàn vẹn dưới con mắt của khán giả yêu nhạc.

Sau những vụ kiện đình đám giữa SM Entertainment với JYJ, Hankyung, DSP Entertainment với Kara hay Stardom với Block B thì có thể thấy, để được bước lên sân khấu, thực hiện ước mơ ca hát, các thần tượng phải ký kết với công ty những bản hợp đồng nặng tính bóc lột.

JYJ.

Theo quy định của SM Entertainment, nếu Hankyung đi muộn hoặc vắng mặt trong các buổi tập, anh sẽ bị phạt 10 nghìn won trong lần vi phạm đầu tiên và 20 nghìn won trong lần vi phạm thứ hai. Trong các hoạt động của Super Junior, nếu Hankyung vắng mặt thì anh sẽ phải chi trả toàn bộ khoản thiệt hại. Do vậy, anh chàng này đã không dám vắng mặt trong các buổi làm việc của nhóm dù bị ốm hay có công việc cá nhân.

Không chỉ phải ký hợp đồng với công ty quản lý trong 5 đến 20 năm, các ngôi sao còn bị buộc phải làm việc cật lực suốt 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ngoài việc ghi âm, tập luyện, biểu diễn, đóng phim… họ còn phải tham gia các chương trình giải trí trên sóng phát thanh, truyền hình.

Làm việc không được nghỉ ngơi bất chấp thời gian và sức khỏe nhưng số tiền lương mà các nghệ sĩ nhận được lại chẳng đáng là bao. Theo đó, thu nhập của các nghệ sĩ đều phải chia phần trăm với công ty, thường là 7-3 hoặc 8-2. Thậm chí, còn có trường hợp nghệ sĩ ra nghề mấy năm mà vẫn không được lĩnh một đồng tiền lương nào. Điển hình như trường hợp của nhóm nhạc Block B.

Ra mắt vào tháng 4/2011, nhưng cho đến tận cuối năm 2012, Block B vẫn không nhận được khoản lương hàng tháng. Thêm vào đó, nhóm còn bị công ty quản lý Stardom "đút túi" mọi khoản thù lao từ việc tham gia các sự kiện, hát nhạc phim, nguồn thu từ fanclub của nhóm cùng 70 triệu won (khoảng 1,4 tỷ đồng) thu được từ các bậc phụ huynh.

Block B.

Các nghệ sĩ sẽ phải chịu những điều luật hà khắc trong suốt nhiều năm liền, còn nếu muốn phá bỏ hợp đồng hoặc chuyển sang công ty khác, họ sẽ phải trả cho công ty quản lý một khoản chi phí lớn gấp ba lần so với số tiền mà họ được đầu tư. Thậm chí, họ còn bị công ty quản lý cũ sử dụng thế lực để chơi xấu và ngăn chặn mọi hoạt động.

Dù đã rời khỏi SM từ năm 2009 nhưng đến nay JYJ vẫn không được xuất hiện trên sóng truyền hình và bị cầm chừng trong mọi hoạt động ca hát. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do SM luôn gây sức ép để các đài truyền hình, trung tâm âm nhạc, nhà phân phối album và các trang nhạc điện tử không phát sản phẩm của JYJ. Dù cả JYJ lẫn SM đều đưa ra thảo luận chung là sẽ không can thiệp vào công việc của nhau nhưng thực tế SM vẫn tạo ra một thế lực vô hình để gây cản trở các hoạt động âm nhạc của JYJ.

Thao túng bảng xếp hạng, giải thưởng âm nhạc

Từ trước đến nay, vị trí trên các bảng xếp hạng như Bugs, Mnet, Olleh Music, Soribada, Monkey3… luôn là một trong những yếu tố quan trọng cho thấy sự thành công của một sản phẩm âm nhạc. Thế nhưng với thông tin được đưa ra bởi tờ Ilgan Sports cách đây vài ngày thì thứ hạng trên các bảng xếp hạng trên đã không còn chính xác và trung thực.

Thông qua những nhà môi giới, các công ty quản lý sẽ chi ra một khoản tiền lớn nhằm tăng lượng người nghe cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Theo đó, để trụ vững trong top 20 từ 4-5 ngày, các nghệ sĩ có tiếng sẽ phải chi ra 300.000 đô la Mỹ (khoảng 6 tỷ đồng) còn đối với các "ma mới", cái giá đó sẽ tăng thêm 200.000 đô la Mỹ. Những nhà môi giới hầu hết đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing nên việc giúp một ca khúc tăng lên tới hàng trăm, thậm chí là hàng chục ngàn lượt nghe chỉ trong một thời gian ngắn là điều không quá khó khăn. Theo nguồn tin này cho hay, một ca sĩ mới trở lại trong hè năm nay cũng đã gian lận theo cách này để tự tăng hạng.

Girl's Day bị đưa vào nghi vấn vì trong màn comeback gần đây, nhóm đã có lượt Digital lớn.

Vị trí trên các bảng xếp hạng có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của các chương trình âm nhạc như Music bank, Inkigayo, M!Countdown… Bởi vậy, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền là các nghệ sĩ có thể dễ dàng có được vị trí cao tại các trang web nổi tiếng, đồng thời họ còn có cơ hội nắm được cup tuần trong những chương trình kể trên. Ngoài ra, bản thân các chương trình âm nhạc này cũng tồn tại không ít bất cập, nhất là trong cách thức tính điểm.

Inkigayo là cái tên gây tranh cãi nhất trong số các chương trình âm nhạc, lý do là bởi Inkigayo không đưa ra điểm số cụ thể khi công bố người thắng cuộc. Điều này làm người xem không biết được cách tính điểm cũng như điểm số chính xác của mỗi ứng viên. Thời gian gần đây, Inkigayo đã quyết định thay đổi cách tính điểm và công bố kết quả. Tuy nhiên điều đó cũng không làm vừa lòng khán giả. Theo đó, có tới 35% tổng số điểm trong chương trình là dựa vào tiêu chí SNS (số lượt xem trên Youtube và mention trên Twitter). Công thức tính điểm này bị cho là không hợp lý, bởi nó khiến các nghệ sĩ bất chấp mọi giá để thu hút sự chú ý và tăng view cho sản phẩm của mình.

Cạnh tranh ngay trong một nhóm nhạc

Khi xuất hiện trước công chúng, các thành viên trong một nhóm nhạc luôn tỏ ra thân thiết và quan tâm đến nhau. Bởi vậy, có ít ai biết được rằng trong những tập thể tưởng như rất gắn bó đó đôi khi vẫn nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí là sự cạnh tranh khốc liệt. Điều này không hẳn chính xác với tất cả các nhóm nhạc tại Kpop nhưng nó vẫn là một thực tế và đang diễn ra tại làng nhạc nước này.

Người hâm mộ hẳn vẫn chưa quên scandal lục đục nội bộ của nhóm nhạc nữ đình đám T-ara diễn ra cách đây một năm. Theo lập luận và những hình ảnh của cư dân mạng thì Hwayoung đã bị các thành viên còn lại của T-ara (trừ Qri) cô lập và đối xử lạnh nhạt trong suốt một thời gian dài. Dù ngay sau đó, đã có nhiều fan đưa ra những chứng cứ nhằm cho thấy sự vô tội của các thành viên T-ara nhưng cho đến giờ, mỗi khi nhắc đến "bắt nạt" hay "lục đục nội bộ" là khán giả lại nghĩ ngay tới các cô gái nhà CCM Entertainment.

T-ara.

Đây không phải là trường hợp xích mích duy nhất trong các ban, nhóm Kpop. Nhiều cái tên khác như Super Junior, MBLAQ, Girls' Generation, Kara, Afterschool… cũng từng bị đồn thổi là có sự bất hòa giữa các thành viên.

Trong một tập của chương trình Night By Night, thành viên cũ của Jewelry là Seo In Young đã gây bất ngờ khi thổ lộ rằng: "Lúc đầu tôi đã bị tổn thương vì sự lạnh nhạt từ các thành viên trong nhóm", "Chúng tôi chào nhau nhưng lại không chấp nhận nhau. Sau đó họ tiếp tục chỉ trích tôi khi tôi không chào họ. Có những mâu thuẫn nhỏ trong nhóm", "Tôi là người bị tẩy chay trong Jewelry"…

Seo In Young.

Về kỷ niệm này, cựu thành viên Jewelry, Park Jung Ah chia sẻ: "Hiện tại, tình trạng các thành viên trong cùng một nhóm nhạc chèn ép nhau vẫn là vấn đề nhức nhối. Chuyện này có thế xảy ra với bất cứ nhóm nhạc nữ nào tại mọi thời điểm nhưng sớm hay muộn mọi việc cũng sẽ được giải quyết. Tôi mong rằng công chúng sẽ nhìn nhận việc này với trái tim bao dung hơn".

Nếu như các nhóm nhạc được thành lập một cách tự nhiên dựa trên tình cảm, lý tưởng âm nhạc, thị hiếu… thì có lẽ tình trạng lục đục nội bộ đã không xảy ra. Thế nhưng, các nhóm idol hiện nay lại đều là sản phẩm được "nhào nặn" toàn bộ từ công ty quản lý. Sự khác biệt trong tính cách, sở thích âm nhạc, phong cách cộng thêm sự cạnh tranh do yếu tố tâm lý của tuổi vị thành niên đã làm bùng phát những xích mích và sự căng thẳng trong mỗi nhóm nhạc.

Theo Đất Việt

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm