Mọi người cần xem xét và kiểm chứng trước khi áp dụng các trào lưu tài chính trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Anthonyshkraba Production/Pexels. |
Mạng xã hội là nơi giúp người dùng kết nối và lan truyền đa dạng các thể loại thông tin bao gồm cả tài chính. Thậm chí, trên Tiktok còn có hashtag #FinTok dành riêng cho các mẹo và lời khuyên về tiền bạc, đặc biệt hướng đến Gen Z.
Theo báo cáo của Viện CFA, vì có ít khả năng tiếp cận các chuyên gia, cố vấn chuyên nghiệp và ưu tiên tìm hiểu thông tin trực tuyến, Gen Z tiếp cận nội dung về tài chính qua mạng xã hội nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác.
Thực tế, khả năng Gen Z tiếp nhận lời khuyên chi tiêu từ mạng xã hội cao hơn gần gấp 5 lần so với người ở độ tuổi 40 trở lên, theo một báo cáo riêng của CreditCards.com, nền tảng so sánh thẻ tín dụng.
Dù vậy, không phải thông tin về tiền bạc nào cũng đáng để áp dụng. Dưới đây, CNBC phân tích những mặt trái của trào lưu tài chính lan truyền khắp các trang mạng xã hội.
Loud budgeting có thể gây áp lực lên tinh thần của người dùng. Ảnh minh họa: Shvetsa/Pexels. |
Tiết kiệm ồn ào
Loud budgeting (tiết kiệm ồn ào) khuyến khích mọi người ưu tiên các kế hoạch liên quan đến tiền bạc hơn là các hoạt động xã hội khác.
Đồng thời, trào lưu này khiến chúng ta cởi mở và sẵn sàng chia sẻ về các kế hoạch chi tiêu hay mục tiêu tài chính một cách công khai hơn. Cắt giảm chi tiêu không cần thiết theo loud budgeting là cần thiết để lập ngân sách tốt hơn.
Tuy nhiên, theo Paul Hoffman, nhà phân tích dữ liệu tại công ty đánh giá môi giới chứng khoán BestBrokers, đồng thời là người có báo cáo về các xu hướng tài chính có hại trên TikTok, luôn nói không với các hoạt động xã hội như xem phim hay ăn tối với bạn bè cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Kiểu quản lý tài chính này có thể làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như thất vọng hay đau khổ. Hoffman cho biết còn có nhiều cách tốt hơn để giảm bớt việc tiêu xài mà không phải hy sinh thời gian với người thân và bạn bè. Chìa khóa nằm ở việc học cách cân bằng giữa tiết kiệm và tham gia vào các hoạt động thú vị.
Bỏ tiền vào 100 phong bì chưa phải là cách tiết kiệm tiền tối ưu nhất. Ảnh minh họa: N Voitkevich/Pexels. |
100 phong bì
Ngày càng nhiều người trẻ đang theo đuổi trào lưu "100 envelopes" (100 phong bì) để tiết kiệm tiền. Cụ thể, vào ngày đầu tiên, mọi người sẽ bỏ 1 USD vào phong bì, ngày hôm sau sẽ là 2 USD.
Cứ như vậy đến hết 100 ngày chúng ta sẽ tiết kiệm được hơn 5.000 USD. Phương pháp này giúp xây dựng thói quen tiết kiệm và nhanh chóng tích lũy được một số tiền đáng kể.
Tuy nhiên, theo Matt Schulz, trưởng phòng phân tích tín dụng của LendingTree, công ty cho vay trực tuyến lớn tại Mỹ, thay vì sử dụng tiền mặt, đặt tiền vào tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao sẽ có lợi hơn.
Ví dụ, tiết kiệm 5.000 USD trong tài khoản tiết kiệm có lãi suất 5% mỗi năm sẽ kiếm được khoảng 250 USD tiền lãi trong một năm. Phương pháp này có lợi hơn về mặt an ninh, tính thanh khoản và bảo vệ chống lại lạm phát.
Cash Stuffing đối mặt nguy cơ tiền bị đánh cắp. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Nhồi tiền mặt
Khá giống trào lưu 100 phong bì, cash stuffing (nhồi tiền mặt) là phương pháp lập ngân sách mà mọi người phân tiền vào các phong bì cho từng loại chi phí khác nhau như ăn uống, đi lại hay du lịch.
Khi tiền trong phong bì hết, chúng ta phải ngừng chi tiêu vào danh mục đó hoặc lấy tiền từ một phong bì khác.
Dù giúp kiểm soát chi tiêu hiệu quả, cash stuffing khiến người dùng đánh mất cơ hội có thêm lợi nhuận tài chính (tiền lãi từ gửi tiết kiệm). Bên cạnh đó, tiền mặt cất giữ ở ngoài còn dễ dính phải rủi ro về trộm cắp.
Cắt giảm chi tiêu hoàn toàn cho một việc gì đó không hoàn toàn hiệu quả về lâu dài. Ảnh minh họa: cottobro/Pexels. |
Không tiêu tiền
No-spend là trào lưu hạn chế chi tiêu không cần thiết nhiều nhất có thể trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như một tuần, một tháng hoặc thậm chí một năm, để tiết kiệm tiền cho các mục tiêu tài chính dài hạn.
Thông thường, thử thách này bao gồm cắt giảm các chi phí như đi ăn ngoài hoặc mua quần áo mới.
Ted Rossman, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu tài chính tiêu dùng Bankrate, lưu ý rằng thử thách này ban đầu có thể mang lại cảm giác hào hứng. Tuy nhiên, duy trì biện pháp tiết kiệm có phần cực đoan như vậy không hề dễ dàng.
Thay vì dựa dẫm vào những trào lưu tài chính ngắn hạn, các chuyên gia khuyến khích mọi người tập trung thiết lập ngân sách thực tế và duy trì các thói quen tài chính lành mạnh. Kỷ luật thực thụ trong quản lý tài chính sẽ bao gồm khả năng tự chủ, chi tiêu hợp lý và giữ nợ nần ở mức thấp.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.