Jessica Sprengle, một nhà trị liệu tại Austin (bang Texas, Mỹ) chuyên về chứng rối loạn ăn uống và các vấn đề liên quan đến hình ảnh cơ thể, cảm thấy bản thân ngày càng trao đổi nhiều hơn về mạng xã hội với bệnh nhân.
Chia sẻ với VICE về video mới nhất mà một bệnh nhân gửi cho cô, Jessica cho biết: “Nội dung đoạn clip nói về một cô gái khoe thân hình có sự thay đổi trước và sau khi ăn uống. Khi gửi cho tôi, bệnh nhân thừa nhận bản thân bị kích động”.
Những bài đăng về thân hình tưởng chừng vô hại lại gây nên mặt trái khó lường. Ảnh: Whatever Your Dose. |
“Đương nhiên, người tạo ra video đó chỉ muốn truyền tải thông điệp rằng cơ thể con người không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Thế nhưng, đứng trên khía cạnh của một người mắc chứng rối loạn ăn uống, họ sẽ phản ứng tiêu cực, chẳng hạn ‘Tôi sẽ không ăn nữa đâu nếu sau bữa ăn trông tôi phì ra thế kia’”, nhà trị liệu nói.
Dạng video mà Jessica đề cập bên trên vốn dĩ dùng để thúc đẩy cái nhìn tích cực hơn về cơ thể, tiếp thêm sự tự tin cho nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, nó lại gây phản tác dụng đối với những bệnh nhân mắc chứng mặc cảm ngoại hình.
Vô tình gây phản tác dụng
Mặc cảm ngoại hình (BDD) là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần. Những bệnh nhân mắc chứng này có xu hướng nhìn, chạm, bóp nắn để kiểm tra cơ thể do luôn lo lắng, có suy nghĩ tiêu cực về ngoại hình.
Họ cũng thường so sánh từng điểm nhỏ một trên cơ thể mình với người khác, từ đó dẫn đến chứng rối loạn thói quen ăn uống.
Bất chấp những mặt trái chúng có thể đem lại, xu hướng khoe khuyết điểm cơ thể vẫn tràn lan khắp các nền tảng mạng xã hội - nơi việc chia sẻ ảnh, video cá nhân là chuyện thông thường.
Chúng thường được đính kèm hashtag #bodypositivity (Sự lạc quan về cơ thể) nhằm tôn vinh tinh thần “Mọi cơ thể đều đẹp”.
Những bức ảnh, video cho thấy cơ thể thay đổi do cách tạo dáng trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Ảnh: Sara Puhto. |
Bên cạnh đó, xu hướng thể hiện cơ thể trông khác nhau tùy thuộc vào cách tạo dáng và vị trí đứng cũng trở nên phổ biến trên mạng xã hội.
Dù cách thức khác nhau, thông điệp và cả mặt trái của hai xu hướng này đem lại giống nhau, theo nhà trị liệu Jessica.
“Đương nhiên, người đăng bài không chịu trách nhiệm về những phản ứng của bệnh nhân BDD. Thế nhưng, những hình ảnh đoạn clip chỉ giới hạn ngoại hình của người xem ở một số dáng đứng nhất định. Và nếu khán giả làm vậy mà không ra kết quả tương tự, điều gì đó không ổn sẽ xảy ra”, cô cho biết.
Tránh hiểu sai thông điệp
Cô cũng nhấn mạnh về sự khác biệt giữa việc “chấp nhận cơ thể của bản thân” và “sự lạc quan về cơ thể”.
Một bên là học cách yêu thương, tôn trọng cơ thể chính bạn. Bên còn lại là phong trào cổ vũ dành cho những người bị ra rìa xã hội vì ngoại hình, chẳng hạn như người ngoại cỡ hoặc quá gầy, người da màu, người khuyết tật...
Tuy nhiên, trên các nền tảng truyền thông, xu hướng #bodypositivity lại bị chi phối bởi người da trắng với kích thước cơ thể bình thường - một nhân khẩu học được thuật toán của TikTok và Instagram đặc biệt thiên vị.
Đầu tháng 4, nữ nghệ sĩ Lizzo đã lên án những người có kích cỡ cơ thể bình thường lại đi chiếm dụng phong trào vốn được tạo ra cho người béo.
Phong trào dành cho người ngoại cỡ lại bị chiếm dụng bởi những người có kích thước bình thường. Ảnh: @carisadarlingg, @selflove. |
Theo nhà trị liệu Jessica, người dùng mạng xã hội, đặc biệt là bệnh nhân BDD, nên chọn lựa cẩn thận các tài khoản họ muốn theo dõi - những ai không lạm dụng hoặc hiểu sai về tinh thần #bodypositivity.
Sadi Fox, nhà trị liệu chuyên về rối loạn ăn uống và các vấn đề về hình ảnh cơ thể tại ở Brooklyn (thành phố New York, Mỹ), cho biết gần đây, các bệnh nhân của cô cũng thường cảm thấy nhạy cảm, khó chịu khi thấy các bài đăng về #bodypositivity trên Internet.
“Cá nhân tôi vẫn thường yêu cầu bệnh nhân đăng xuất khỏi mạng xã hội trong thời gian chữa trị chứng bệnh. Bởi dù có cố gắng thế nào, bệnh nhân vẫn sẽ có xu hướng tự kiểm tra cơ thể rồi so sánh bản thân với người khác”, cô cho biết.