Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Màu đỏ bi hùng ở Vị Xuyên

Tháng 7/1984, trong trận chiến khốc liệt ở Vị Xuyên, nhiều chiến sĩ quân đội Việt Nam đã ngã xuống, máu và bùn trộn lẫn thành một màu đỏ bi hùng, ám ảnh.

Cựu binh Vị Xuyên kể chuyện tìm thi thể đồng đội trong đêm Những cựu binh Sư đoàn 356 không cầm được nước mắt khi kể về hành trình tìm và vận chuyển thương binh, thi thể đồng đội sau các trận đánh trên mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài một thập kỷ (1979-1989), hàng nghìn chiến sĩ quân đội Việt Nam đã hy sinh khi chiến đấu giành từng tấc đất biên cương trước sự xâm lấn của quân Trung Quốc.

Từ tháng 4/1984, Trung Quốc tập trung lực lượng tấn công chiếm các điểm cao ở biên giới Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang). Tháng 6 cùng năm, cuộc chiến đi vào giai đoạn ác liệt nhất khi Việt Nam quyết định phản công.

Trong 5 năm 1984-1989, hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên -Thanh Thủy. Chỉ riêng ngày 12/7/1984, ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, hơn 1.000 người lính đã ngã xuống. Họ đa phần mới 18-20, đầy nhiệt huyết và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.

Trong ký ức của những người còn sống, họ sống mãi trong hình hài tuổi trẻ. Hồi ức về họ luôn sống động, được đồng đội lưu giữ và trân trọng, để rồi mỗi khi nhớ và nhắc lại, những cựu binh luống tuổi, khuôn mặt đã bạc phai sương gió, lại khóc òa như đứa trẻ.

Màu đỏ bi thương của máu và bùn

Sau 3 thập kỷ, trở lại mặt trận Vị Xuyên, thắp hương cho đồng đội, y tá chiến trường Nguyễn Đình Thắng vẫn nhớ như in ký ức một thời máu lửa và mang nặng nỗi niềm về những đồng đội hy sinh mà hài cốt còn lưu lạc hay chưa biết tên.

Trong trận chiến khốc liệt trung tuần tháng 7/1984, ông Thắng mới 18 tuổi, được phân công đi cùng trung đội đánh cửa mở của đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876 thuộc sư đoàn 356. Trong ngày đánh cửa mở, nhiều đồng đội ngã xuống, máu và bùn trộn lẫn thành một màu đỏ bi hùng, ám ảnh.

Trước khi lên đường, quân số đơn vị ông Thắng là 104, nhưng chỉ có 39 người trở về. Người trung đội trưởng tên Ngọc hy sinh ngay khi dẫn trung đội xung phong làm nhiệm vụ cắm cờ quyết chiến quyết thắng trên đỉnh D1 do quân khu và sư đoàn giao phó.

Người y tá lớn tuổi chia sẻ ký ức ám ảnh nhất của ông trong trận chiến này là sự hy sinh của người đồng đội tên Trọng, nhập ngũ cùng đợt với ông. Hai người thường nói chuyện, tâm sự lúc nằm cùng nhau. Có lần, ông Trọng bảo nếu cả hai sống sót trở về, ông Thắng hãy tìm đến nhà ông ở phố Tuệ Tĩnh (Hà Nội). Hai người sẽ cùng nhau tìm việc làm...

Nhưng lời hẹn đó không bao giờ thành hiện thực. Sau trận chiến khốc liệt ngày 12/7/1984, trong lúc rút quân, ông Trọng làm rơi túi phòng hóa đựng phụ cấp và lương của đơn vị trên chiến hào.

Mặc mọi người can ngăn, người lính trẻ kiên quyết quay lại chiến hào tìm. Ông Trọng nói với đồng đội rằng chiếc túi đó như là cây súng của người lính, không thể vứt đi, ông càng không thể làm mất số phụ cấp và lương mà đồng đội giao ông giữ. Với quyết tâm như vậy, người lính trở lại chiến hào và bị pháo bắn hy sinh.

Tim tu si bang mui tu khi anh 1
Cựu binh Sư đoàn 356 tại đài tưởng niệm ngã ba Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) tưởng nhớ về đồng đội cũ hy sinh. Nơi đây được gọi là ngã ba tử thần vì các đợt pháo kích liên tục của quân Trung Quốc ngăn bộ đội ta chuyển quân lên trận địa trong thời điểm 1984-1985 tại mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Lê Hiếu.

Ông Thắng xót xa: “Đây là câu chuyện đau lòng, day dứt nhất đối với tôi. Trọng là một người đáng lẽ không phải hy sinh, nhưng lại ngã xuống vì quay lại tìm chiếc túi đựng lương và phụ cấp của đồng đội”.

“Khi đó, pháo bắn rất ác liệt, chúng tôi không đem được thi thể cậu ấy về. Những ngày sau, đơn vị tổ chức vào lấy thi thể anh em trong 6, 7 đêm liên tục. Không biết, Trọng có nằm trong số những người được đưa ra, giờ yên nghỉ trong các phần mộ chưa biết tên ở nghĩa trang hay còn nằm lại nơi chiến trường”, người cựu binh nghẹn ngào.   

Ký ức ám ảnh

Những người lính có mặt ở chiến trường Vị Xuyên hơn 30 năm về trước, khi trở về đời thường vẫn luôn mang những ký ức ám ảnh của chiến tranh. 

Cựu binh Trần Xuân Hòa (E153, F356) tâm sự bên cạnh những ký ức về đồng đội hy sinh khi chiến đấu, có những câu chuyện bên lề khiến ông day dứt khôn nguôi. 

Mùa mưa năm 1984, vùng đồi Vị Xuyên bị pháo bắn trơ trụi, không còn một ngọn cây nên việc sạt lở đất do đạn pháo hay mưa lũ xảy ra thường xuyên.

Ông Hòa kể câu chuyện bắt đầu khi một đồng chí trợ lý pháo binh ở sở chỉ huy trung đoàn 876, sư đoàn 356 bị kẹt chân khi đất đồi sạt lở. Đơn vị cứu hộ dự định phương án cứu đồng chí này bằng cách cưa chân, đưa ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tuy vậy, lệnh từ cấp trên yêu cầu phải cứu bằng được đồng chí ấy nguyên vẹn. Không may, trong lúc cứu hộ, một vùng đồi tiếp tục sạt lở, chôn vùi cả bộ phận cấp cứu gồm 7 người là y tá, bác sĩ và lính.

Tim tu si bang mui tu khi anh 2
Cựu binh Mai khóc nghẹn khi nhắc về quá khứ. Ảnh: Đức Phạm. 

Khác với ông Hòa, cựu binh Nguyễn Văn Mai (E153, F356) bị ám ảnh bởi ký ức đau thương khi chứng kiến đồng đội mình ngã xuống trong trận đánh ngày 12/7 ở Vị Xuyên 33 năm về trước. 

Ông kể tối 11/7, quân ta chiếm được cao điểm 685. Tuy nhiên, sáng sớm 12/7, quân Trung Quốc chiếm lại được cao điểm này. Khi đó, ông Mai từ trận địa trở xuống, thấy anh em đồng đội không còn ai, người đại đội phó ngồi dưới giao thông hào, 2 tay, 2 chân đều cụt cả.

Biết một mình không thể cứu người đồng đội, ông Mai vội xuống căn cứ, gọi người lên đưa ông Hoa xuống cứ điểm để phẫu thuật. Đến nay, ông Mai bặt tin người đại đội phó, không rõ sống chết ra sao.

“Anh em đồng đội hy sinh hết, gần như chẳng còn ai, đó là ngày ác chiến nhất trên điểm cao. Ngày đó, trung đoàn của tôi đi 20 xe, khi về chỉ còn 6 xe. Bộ phận hậu cần, y tá coi như mất hết, biết bao nhiêu cô gái trẻ trong đội cũng chẳng còn”, ông Mai chùng giọng.

Tìm chiến sĩ hy sinh trong đêm

Cựu binh Mai cho biết từ tháng 6/1984, ông quản lý một trung đội làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường.

Công việc của ông Mai và đồng đội được thực hiện trong đêm. Bắt đầu từ 6h tối, họ vận chuyển lương thực, đạn dược từ căn cứ lên các chốt ở điểm cao, đỉnh Cóc Nghè… Sau đó, khi quay xuống, những người lính thực hiện việc vận chuyển thương binh, đồng đội hy sinh về cứ điểm ở lèn đá ngã ba Thanh Thủy trước 6-7h sáng.

Ông Mai kể khi tìm thương binh, đồng đội hy sinh vào buổi đêm, các ông không thể dùng đèn soi đường, bởi khi có tín hiệu sáng, quân Trung Quốc sẽ bắn pháo sáng đánh động ngay.

Vì vậy, đối với thương binh, các ông sẽ tìm theo tiếng kêu la, thét vì đau. Còn với những người lính hy sinh, các ông chỉ có thể tìm được nếu vô tình chạm vào thi thể họ trên đường, bởi khi đó, việc thu dọn chiến trường được thực hiện sau mỗi trận đánh nên chưa có mùi tử khí.

Theo ông Mai, thương binh luôn được ưu tiên đưa xuống trước. Những ngày ấy, trời Vị Xuyên mưa gió tầm tã, đường trơn trượt, lầy lội, các tuyến đường bộ bị Trung Quốc khống chế nên các ông chỉ có thể bám theo vách đá, đèo dốc để đi.

Việc vận chuyển thương binh, thi hài liệt sĩ cũng vì thế mà thêm khó khăn, nhiều người lính đã thương vong khi làm nhiệm vụ, chiếm gần 1/3 tổng số thương binh của cuộc chiến. 

Tim tu si bang mui tu khi anh 3
Các cựu binh mong muốn tìm được hài cốt đồng đội còn thất lạc và tên các liệt sĩ chưa biết tên ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Ảnh: Hoàng Như. 

Cũng từng tham gia công tác thu dọn chiến trường, cựu binh Nguyễn Văn Phương (E149, F356) cho hay ông nhận nhiệm vụ này một tuần sau trận đánh ngày 12/7/1984. Lúc này, mùi tử khí đã ngập tràn trận địa. Khi xác định nơi có mùi nặng hơn, những người lính sẽ lần theo để tìm thi hài liệt sĩ và đưa về chôn cất.

Ông Phương bộc bạch: “Thời điểm đó, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao vận chuyển thi thể các đồng đội càng nhanh càng tốt. Lúc ấy, đi trên đá tai mèo, chúng tôi chỉ biết hô anh em đi nhanh kẻo trời sáng dễ bị lộ và phải an toàn, tránh để bị thương hay mất mạng”.

“Đến nay, tôi vẫn luôn cảm thấy day dứt với những người đã hy sinh, người mang được hài cốt về, người vẫn còn nằm lại chiến trường, người đã biết tên, người còn khuyết danh”, ông Phương nói, mắt đỏ hoe. 

Cựu binh tưởng niệm đồng đội ở chiến trường Vị Xuyên Vào dịp giỗ trận của sư đoàn 356, hàng trăm cựu binh lại vượt đường xa, mưa gió về thắp nén nhang, tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh bảo vệ biên cương tổ quốc.

Cuộc hành quân đặc biệt của nghìn cựu binh về chiến trường Vị Xuyên

Hàng nghìn cựu chiến binh đã thực hiện cuộc hành quân về chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) khốc liệt, nơi nổi danh với những "đồi thịt băm", “lò vôi thế kỷ”, “thung lũng gọi hồn”.


Hoàng Như

Bạn có thể quan tâm