Nổi tiếng từ năm 1990, những kiểu giày cao gót với phần đế đỏ của Christian Louboutin luôn nhận được sự quan tâm của giới mộ điệu. Nguyện vọng của nhà thiết kế chính là làm cho phụ nữ đẹp hơn bằng cách kéo dài đôi chân quyến rũ với một đôi giày cao gót mũi nhọn.
Nhà thiết kế Christian Louboutin. Ảnh: WWD. |
Khởi điểm của nhà thiết kế Christian Louboutin
Christian Louboutin có niềm đam mê với những đôi giày cao gót từ năm 12 tuổi. Sở thích của ông bắt đầu vào năm 1976, sau chuyến thăm bảo tàng nghệ thuật Musée national des Arts d’Afrique et d’Océanie, Pháp.
Ông nhìn thấy tấm biển báo cấm phụ nữ mang giày cao gót, gây ảnh hưởng đến sàn nhà. "Tôi muốn tạo ra thứ gì đó phá vỡ quy tắc và giúp phụ nữ cảm thấy tự tin, được trao quyền lợi không khác gì đàn ông", nhà thiết kế nói.
Christian Louboutin bắt đầu phác thảo ý tưởng về những loại giày dành cho phái nữ, kết hợp cùng phần gót nhọn. Nhà thiết kế đã được đào tạo tại trường Académie d’Art Roederer. Đến năm 18 tuổi, ông tự thiết kế những đôi giày thủ công để bán cho các thương hiệu lớn như Chanel, Yves Saint Laurent...
Bước ngoặc mở ra sự thành công chính là cơ hội gặp gỡ huyền thoại Roger Vivier - người đầu tiên sử dụng nhựa trong suốt ứng dụng vào sản xuất giày dép năm 1945. Từ đó, Christian Louboutin trở thành học viên của Roger Vivier và học hỏi được kinh nghiệm trong suốt nhiều năm.
Mỗi người phụ nữ đều có một đôi giày Louboutin trong tủ quần áo. Ảnh: WWD. |
Đến năm 1991, Christian Louboutin mở cửa hàng đầu tiên tại Paris (Pháp) và gặp may mắn khi Công chúa Caroline của Monaco bước chân vào cửa hàng, từ đó trở thành khách hàng thân quen của thương hiệu.
Sau những lời khen ngợi của công chúa trước truyền thông, nhãn hàng nhanh chóng nổi tiếng trên thế giới và nhận đươc sự quan tâm của các ngôi sao tên tuổi như Diane von Fürstenberg, Christina Aguilera, Madonna, Tina Turner và Nicki Minaj, Kendall Jenner...
Một đôi giày có mức giá dao động 695-6.000 USD, cao hơn nhiều so với các nhãn hàng Dior, Chanel hay Gucci. Ông từng chia sẻ việc gia công giày tại châu Âu tốn kém nhiều chi phí.
Quá trình làm ra một đôi giày đế đỏ trải qua hơn 30 công đoạn từ lên bản vẽ, lựa chọn chất liệu, đánh bóng đến khâu đính kết pha lê, kim cương lên thân giày bằng thủ công.
Sao quốc tế chuộng giày Louboutin trên thảm đỏ. Ảnh: WWD. |
Đế giày màu đỏ
Vào năm 1993, Christian Louboutin làm một đôi giày lấy cảm hứng từ bức họa Flowers của nghệ sĩ Andy Warhol với tông hồng nữ tính, đính hoa nổi bật. Tuy nhiên, ông cảm thấy phần đế giày màu đen khiến sản phẩm trông tối hơn và mất đi tính thẩm mỹ.
Lúc đó, hình ảnh cô nhân viên với móng tay màu đỏ làm việc trong cửa hàng đã tạo nên cảm hứng sáng tạo cho nhà thiết kế. Ông dùng lọ sơn đỏ để tô điểm vào đế giày nhằm thử nghiệm hướng đi mới cho thương hiệu. Sau này những đôi giày gắn mác Christian Louboutin đều có phần đế đỏ đặc trưng.
"Đàn ông luôn bị thu hút với những thứ màu đỏ. Đôi giày đế đỏ chính là cách tăng thêm sự gợi cảm cho phụ nữ", nhà thiết kế chia sẻ.
Phần đế đỏ được làm thủ công, tạo nét đặc trưng cho đôi giày. Ảnh: Who What Wear. |
Ngoài thiết kế ở đế, tổng thể của một đôi giày còn đến từ phần khung, bởi đây chính là yếu tố mang tới chất lượng của một sản phẩm.
Khuôn giày làm từ nhiều loại gỗ cao cấp, trong đó có gỗ sồi lâu năm, đảm bảo kiểu dáng và kích cỡ của sản phẩm luôn bền vững theo thời gian. Thiết kế cũng có sự đối xứng và độ cân bằng, tỷ lệ khoa học nhằm tạo sự thoải mái cho người mang.
Yếu tố quyết định đến tính an toàn của đôi giày là bộ đỡ bằng kim loại, gắn ở bên trong gót giày. Cách làm giúp đảm bảo tính cân bằng trong việc phân tán trọng lực, tạo nên sự vững chắc ở gót, mang đến những bước đi uyển chuyển cho phái nữ.
Mỗi đôi giày của hãng luôn sử dụng những miếng da lớn hay mảnh vải liền được cắt theo mẫu trước rồi chèn vào khuôn giày nhằm đảm bảo độ thống nhất về chất liệu và giữ sự bền đẹp cho sản phẩm.
Điểm trừ của sản phẩm chính là khiến người dùng đau chân khi mang giày trong thời gian dài. Thậm chí, nhà thiết kế cũng thừa nhận bản thân chú trọng đến thiết kế và vẻ ngoài đôi giày, mà quên mất chi tiết thoải mái trong lúc di chuyển.
Mỗi đôi giày đều trải qua 30 công đoạn. Ảnh: Grazia. |