Theo Glamour, trong vài năm gần đây, những video chia sẻ về cách phối đồ của giới trẻ trở thành xu hướng chung trên mạng xã hội. Trung bình, các đoạn clip dài khoảng vài phút, sẽ được người mặc thay đổi từ 8-10 bộ trang phục, nhằm thể hiện gu thời trang cá nhân trước sự quan tâm của dân mạng.
Bởi, người dùng thường khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin, kiến thức về phong cách thời trang trên các tạp chí hơn là những hình ảnh được truyền tải dưới dạng video. Cách thức này trở nên dễ tiếp cận và truyền cảm hứng đến người xem.
Những video chia sẻ về cách phối đồ trở thành xu hướng chung trên mạng xã hội. Ảnh: Glamour. |
Mặt trái của những đoạn video
Nội dung trên các nền tảng mạng xã hội lại mang đến những tác động tiêu cực đến giới trẻ liên quan đến nhận thức về thời trang, cũng như mối quan hệ với tủ quần áo hiện đại.
Thực tế, đa số người sáng tạo nội dung đều dựa trên một công thức chung khi chia sẻ hình ảnh bộ sưu tập quần áo và bắt đầu sự chuyển đổi phong cách liên tục trong vài giây. Các chuyên gia lo lắng cách họ gửi những thông điệp thời trang sẽ gây ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng và giá trị thật sự của quần áo.
"Nhìn thấy một người dùng chuyển đổi giữa 15 bộ trang phục trong vài phút sẽ dễ hình thành tư duy thay đổi và mong muốn liên tục cập nhật xu hướng của một bộ phận người xem. Sự thay đổi này sẽ khiến tiềm thức của con người suy nghĩ về những bộ quần áo là ngắn hạn, đi ngược với giá trị bền vững của thời trang trong xã hội", tờ Glamour nhận định.
Thậm chí, các video "đập hộp" sản phẩm quần áo từ các hãng thời trang nhanh, cũng khiến nhu cầu mua sắm của người xem tăng cao, tạo nên sự khao khát trên toàn cầu và tốc độ tiêu thụ sản phẩm tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Trong thời đại 4.0, nhiều chuyên gia đã đưa ra các nhận thức về mặt trái của ngành công nghiệp thời trang nhanh, thì xu hướng này của giới trẻ lại trở thành một bước đi sai lầm về cách nhìn nhận giá trị bền vững, cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và xã hội.
Các Influencer có tác động mạnh mẽ đến câu chuyện mua sắm thời trang của giới trẻ. Ảnh: Glamour. |
Mandy Lee - chuyên gia về lĩnh vực thời trang bền vững - chia sẻ với Glamour: "Mạng xã hội đã ảnh hưởng nhiều đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Instagram đã biến thành nơi quảng cáo hữu hiệu cho các sản phẩm thời trang của thương hiệu, cũng như những người có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng".
Cô cũng cho biết thêm các xu hướng thời trang di chuyển nhanh chóng chỉ vài giây trong các đoạn clip và gây ra tình trạng tiêu thụ, tăng tốc quá trình sản xuất quần áo trong khoảng thời gian ngắn.
"Thật khó để xác định nguyên nhân các xu hướng thời trang có dấu hiệu tăng tốc trong thời gian gần đây, nhưng mạng xã hội là thủ phạm rất lớn. Những phương tiện truyền thông, các bạn Influencer đã kéo thời trang vào nhịp độ nhanh theo thị hiếu, nhưng không nghĩ đến hậu quả", Mandy nói.
Một bộ phận thuộc Gen Z có nhiều ý thức về tác động xấu của thời trang nhanh và dùng tiếng nói để chia sẻ về hệ lụy đằng sau việc mua sắm trang phục, thì mạng xã hội đang làm suy yếu điều đó, chống lại sự bền vững trong thời trang.
Thậm chí, Mandy còn nhận định sự ảnh hưởng của các đoạn clip trên mạng xã hội, làm người xem không thể định hình phong cách cho chính mình, chỉ mặc đồ để trông hợp thời trang và giống với thần tượng. Thậm chí, điều này còn khiến người dùng tự tin với bản thân, cũng như luôn có sự so sánh với người xung quanh.
Những hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội khiến một bộ phận người xem cảm thấy tự ti về bản thân. Ảnh: WWD. |
Bãi rác thời trang
Những thương hiệu thời trang nhanh thúc đẩy mọi người mua quần áo nhiều hơn. Số lượng trang phục của người mua tăng gấp 5 lần trong vòng 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, mỗi món đồ chỉ được mặc trung bình 7 lần. Điều này dẫn đến số lượng quần áo cũ bị loại bỏ ngày càng nhiều.
Nhu cầu mua sắm thời trang nhanh của người tiêu dùng khiến ngành nghề này phát triển với tốc độ kinh ngạc, kéo theo sự sụt giảm về chất lượng của vải, quần áo. Ngày càng ít trang phục cũ có thể được bán lại. Thay vào đó, hàng triệu sản phẩm may mặc đã qua sử dụng được vận chuyển đến các quốc gia nghèo mỗi năm, hay vứt bỏ ở những bãi rác.
Theo ABC News, trên bờ đầm phá Korle ở thủ đô Accra, có một bãi rác khổng lồ cao khoảng 20 m, trong số đó là quần áo cũ. Ước tính khoảng 60% đồ cũ không thể tái sử dụng tạo nên bãi rác. Những sản phẩm này không bao giờ được mặc lại vì chất lượng kém.
Khi trời mưa, quần áo sẽ theo dòng chảy trôi ra biển, tạo nên những "mạng nhện" khổng lồ, đe dọa sự sống của sinh vật và môi trường biển. Bão nhiệt đới cuốn quần áo vào mạng lưới cống rãnh. Vải dệt tổng hợp có thể mất hàng trăm năm để phân hủy. Chúng gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước của thành phố, dẫn đến ngập lụt, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Để khắc phục tình trạng đó, Mandy cũng đưa ra giải pháp: "Nhiều người trẻ đang tiếp cận thời trang một cách khác biệt và mới mẻ. Họ tự tay thiết kế quần áo, thể hiện sự sáng tạo và cá tính riêng. Nhưng, đó chỉ là một phần nhỏ trong cộng đồng và để điều này được lan tỏa cần sự chung tay, hành động của bộ phận giới trẻ thuộc Gen Z từ bỏ thói quen mua sắm cũ, trân trọng giá trị thời trang bền vững".
Thời trang nhanh gây ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: Grazia. |