Hụt hẫng tâm lý
Các chuyên gia đầu ngành về tội phạm học cho rằng, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự hạn chế và lệch lạc nhận thức về các giá trị cuộc sống, thiếu sự quan tâm, săn sóc của gia đình, ảnh hưởng game bạo lực… là những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm trẻ diễn biến ngày một phức tạp và manh động hơn.
Nghi phạm, thủ phạm ba vụ trọng án chấn động dư luận thời gian qua. |
TS Dương Thị Loan, phụ trách bộ môn Tâm lý (Đại học Luật Hà Nội) cho biết, những diễn biến đột ngột trong cuộc sống dễ đẩy con người đến những hành vi mất kiểm soát.
Theo TS. Loan, vụ thảm sát tại Bình Phước là vụ án quá dã man và vô cùng đau thương. Dễ dàng nhận ra, nghi can Nguyễn Hải D. đang có sự hụt hẫng vô cùng lớn về tâm lý. Thanh niên này gây án trong tình trạng bị mất mát, vô vọng.
“Hẳn là, D. đã có một kế hoạch trong tương lai với sự no đủ về vật chất, sảng khoái về tinh thần khi kết thân với gia đình đại gia đó. Nhưng nay, vì một lý do nào đó, khi bị chối tình, nghĩa là mọi suy nghĩ tốt đẹp cho tương lai bị đóng sập trước mắt. Thanh niên này rơi vào tình trạng tuyệt vọng, thê thảm, từ đó dễ dàng dẫn đến những mục đích đen tối, xấu xa”, TS. Loan nói.
Quay lại chuyện công tác truyền thông, TS. Loan cho rằng, đang có những “hố đen” vô cùng tai hại. Đó là sự mất kiểm soát của quá nhiều trang tin, trang mạng và các trang thông tin cá nhân.
Nhằm câu “view”, câu “like”, họ sẵn sàng chia sẻ cho độc giả những màn phạm tội kỳ dị, thậm chí là kinh hoàng của tội phạm đối với các nạn nhân. Họ sẵn sàng chia sẻ các thủ đoạn, cách thức phạm tội dã man nhất trong các vụ trọng án.
Tội phạm trẻ ngày càng gia tăng cả về số lượng và hành vi phạm tội (số liệu được tổng hợp vào những năm trước 2013). Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) . |
“Đơn cử như một vụ án giết người. Nếu một phóng viên mất định hướng, sẽ sa đà vào những tình tiết man rợ, như việc mô tả tỉ mỉ những hành vi phạm tội, công cụ phạm tội, các cách thức, phương án tạo hiện trường giả, rồi né tránh cơ quan công an, thậm chí là tạo ra những bằng chứng ngoại phạm cũng là ví dụ điển hình.
Với cách thông tin như vậy, chẳng khác gì chúng ta đang cung cấp cho những kẻ đang có ý định phạm tội một kỹ năng sát thủ, giúp thôi thúc họ phạm tội theo một khuôn mẫu do chính giáo trình đen kia tạo ra”, bà Loan nói.
Gia đình “có vấn đề”
TS Dương Thị Loan cho biết, bà và đồng nghiệp vừa nghiên cứu xong một hiện tượng “Bạo lực hóa trong giới trẻ”. Cụ thể, sau khi tìm hiểu nguyên nhân phạm tội của 110 bị can trong các vụ án tiêu biểu, thấy rằng, có đến 70% trường hợp phạm tội là thành viên trong các gia đình “có vấn đề”.
Trong số này, hoặc họ rơi vào tình huống bố mẹ ly tán hoặc trong gia đình có người thân là anh, chị, em ruột từng vào vòng lao lý. Từ đó, dễ dàng nhận ra, những thanh niên này đã mất đi điều kiện giáo dục cao nhất, đó là gia đình.
“Khi sống trong một gia đình bị tổn thương, tội phạm thường rơi vào trạng thái cô đơn, thậm chí cô độc. Từ đó sẽ sản sinh những hành vi tiêu cực vô cùng khó kiểm soát. Bởi, giữa họ và gia đình thiếu đi sự chia sẻ hằng ngày, thiếu đi sự gần gũi, hòa hợp cần thiết”, TS. Loan nói.
Chuyên gia tâm lý, BS Nguyễn Trọng cho biết, gia đình luôn giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Vì vậy, nếu một đứa trẻ sống trong một gia đình thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, gia đình không hòa thuận, cha mẹ sống buông thả, rượu chè, cờ bạc, nói bậy… sẽ tác động xấu đến nhận thức và hành động.
Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân), cho rằng, sự tan vỡ gia đình dẫn đến các em ít được quan tâm nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm tội. Bên cạnh đó, nhiều gia đình quá nuông chiều con cái chúng “muốn gì được nấy”, dẫn đến đua đòi.
Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm cho thấy, có 46% người phạm tội xuất thân từ những gia đình phức tạp, có bố mẹ, hoặc anh chị em là những người có tiền án tiền sự, làm nghề phi pháp; 18% gia đình bố mẹ ly hôn và 14% sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp.
PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân), cho biết, điều đáng lo lắng là tình trạng giới trẻ phạm tội đang có xu hướng gia tăng về số vụ cũng như mức độ tàn bạo, máu lạnh của hành vi.
Theo ông Đức, điều tra xã hội học (được một tổ chức nước ngoài tài trợ và Bộ Tư pháp công bố năm 2013) cho thấy, độ tuổi từ 18 đến dưới 30 có tỷ lệ phạm tội cao nhất (chiếm 41%); độ tuổi 30 đến dưới 45 (34%); độ tuổi 14 đến dưới 18 (17%) và các độ tuổi còn lại là 8%.