Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mazda - Toyota so kè quyết liệt ở phân khúc sedan

Camry đối đầu Mazda6, Altis và Vios lần lượt phải cạnh tranh với Mazda3 và Mazda2, chưa bao giờ Toyota gặp phải những đối thủ "xương xẩu" và xứng tầm đến vậy tại thị trường VN.

Trong 20 năm có mặt tại Việt Nam, Toyota đã thiết lập vị thế hãng ôtô được người tiêu dùng ưa chuộng nhất. Những sản phẩm của họ được đánh giá cao về độ bền bỉ, độ "lành" và khả năng giữ giá. Trong số đó, 3 mẫu sedan Vios, Corolla Altis và Camry đều gây ấn tượng mạnh và chiếm thế độc tôn ở phân khúc của mình trong nhiều năm.

Trung thành với thiết kế theo phong cách trung tính, không nhiều phá cách, xe của Toyota thường được khách hàng là doanh nghiệp hoặc người dùng trung tuổi lựa chọn. Ở chiều ngược lại, nhóm khách hàng trẻ và mới nổi, thích sự cách tân, thường chê xe Toyota vì thiết kế nhàm chán, chậm thay đổi và trang thiết bị nội thất nghèo nàn.

Năm 2014, hãng xe Nhật Bản cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ và đột phá trong ngôn ngữ thiết kế, khi tung ra thị trường mẫu Vios thế hệ mới. Xe sở hữu kiểu dáng cứng cáp, trẻ trung và cá tính hơn hẳn thế hệ trước. Sau đó, lần lượt Corolla Altis và Camry thế hệ đột phá được trình làng, đi theo phong cách thiết kế mới mẻ và cải tiến mà Vios đã mở ra.

Camry 2015 trẻ hóa thiết kế, tăng thêm áp lực cho Mazda6.

Việc Toyota thay đổi phong cách thiết kế được cho là hệ lụy tất yếu, trước sự trỗi dậy của những mẫu xe Hàn Quốc và đặc biệt là đối thủ đồng hương Mazda. Năm 2010, ngôn ngữ thiết kế Kodo lần đầu tiên được Mazda giới thiệu trên bản concept Shinari, với triết lý hình tượng hóa sự chuyển động trên những sản phẩm cụ thể.

Sự thay đổi này giúp Mazda gặt hái thành công lớn vào năm 2013. Mẫu sedan Mazda6 thế hệ thứ 3, ứng dụng ngôn ngữ Kodo, lần đầu tiên giành được 30 giải thưởng về thiết kế sau hơn 10 năm có mặt trên thị trường.

Mazda3 là đối trọng của Corolla Altis ở phân khúc sedan hạng B.

Tại thị trường Việt Nam, thay đổi ở thiết kế mang đến những thành công nhất định cho Mazda. Trong 3 tháng đầu năm, mẫu sedan Mazda6 liên tiếp vượt qua đối thủ Toyota Camry về doanh số bán (587 xe so với 459). Tuy nhiên, đó là thời điểm Toyota rục rịch ra mắt Camry thế hệ mới.

Trong phân khúc sedan hạng D, Camry và Mazda6 là hai mẫu xe có doanh số bán sát nhau nhất. Ngay sau khi Camry thế hệ mới ra mắt, mẫu xe này đã lấy lại ngôi đầu phân khúc tháng 4, với doanh số 274 chiếc, trong khi Mazda6 bán được 190 xe.

Ở phân khúc thấp hơn, Mazda có Mazda3 để cạnh tranh cùng Corolla Altis của Toyota. Doanh số bán của 2 mẫu sedan hạng C này thường không chênh lệch quá nhiều. Thiết kế Kodo trên cả Mazda3 thế hệ mới, cũng như Mazda6, là một trong những lý do giúp người hàng xóm Nhật Bản của Toyota được người dùng đánh giá cao. Bên cạnh đó, trang bị, tiện ích trên 2 mẫu sedan của Mazda đều ở mức tương đương hoặc nhỉnh hơn so với sản phẩm của Toyota. Một yếu tố khác giúp nhiều người dùng Việt lựa chọn sản phẩm của Mazda là giá bán thấp hơn.

Mazda2 sedan sẽ cạnh tranh trực tiếp với Toyota Vios trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ở vị thế một hãng xe có truyền thống lâu hơn tại Việt Nam, Toyota hiện vẫn nắm phần thắng ở các phân khúc so với Mazda.

Cuộc cạnh tranh giữa những chiếc sedan của Mazda và Toyota sẽ trở nên thú vị hơn trong thời gian tới, với sự xuất hiện của Mazda2 sedan. Mẫu sedan ở phân khúc B sẽ cạnh tranh trực tiếp với Toyota Vios. Tuy nhiên, đây sẽ là cuộc đấu khó khăn hơn nhiều cho Mazda, bởi Vios liên tiếp là mẫu xe có doanh số bán tốt nhất trên thị trường, trong đó có tháng đạt hơn 1.000 chiếc.

Tuấn Anh

Bạn có thể quan tâm