49 người vào chung kết Olympia, chỉ có 12 cô gái: Mỗi năm, 144 học sinh dự thi Olympia nhưng chỉ có 4 người tranh tài ở trận chung kết (năm thứ 9 là ngoại lệ khi có 5 thí sinh). Do vậy, tính đến năm 22, có 49 người đạt thành tích này, trong đó có 12 cô gái. Tỷ lệ nhà vô địch nữ là 4/22 (chung kết O22 chưa diễn ra nhưng 4 nhà leo núi đều là nam). Trong lịch sử, chưa có trận chung kết nào có toàn nữ góp mặt. Ảnh: Quỳnh Trang. |
3 trường có nhiều hơn một quán quân: Tính đến Olympia 2022, 59 trường THPT trên toàn quốc có thí sinh tham dự chung kết năm. Trong đó, 18 trường có nhà vô địch. THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), THPT chuyên Quốc Học - Huế (Thừa Thiên - Huế) và THPT Hòn Gai (Quảng Ninh) là các trường có 2 quán quân. Tính về số lượng học sinh vào chung kết đông nhất, THPT chuyên Quốc học Huế (2 quán quân, 2 á quân, một hạng 3) và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (một quán quân, một á quân, 2 hạng 3, một chưa thi) cùng dẫn đầu với 5 người. Ảnh: THPT chuyên Quốc học Huế. |
3 nhà vô địch cùng tên Hoàng: Đó là Đỗ Lâm Hoàng (O5), Lê Vũ Hoàng (O6) và Đặng Thái Hoàng (O12, trong ảnh). Ngoài ra, có 2 người cùng tên Minh là Trần Ngọc Minh (O1), Phan Đăng Nhật Minh (O17); 2 người tên Đức gồm Phan Minh Đức (O10), Văn Viết Đức (O15). Ảnh: Thai Dang. |
Ít quán quân về nước làm việc: Đến nay, có ít nhất 4 nhà vô địch được xác nhận về nước làm việc là Lương Phương Thảo (O3), Lê Vũ Hoàng (O6) và Lê Viết Hà (O7) và Nguyễn Trọng Nhân (O14). Trong đó, Lê Vũ Hoàng được biết đến là “quán quân Olympia thành đạt nhất” với khối tài sản ước tính 1 triệu đô ở Australia. Tháng 3 năm nay, thông tin nhà vô địch năm 6 trở về nước lập nghiệp khiến nhiều người bất ngờ. Theo đó, anh có mặt ở Lam Kinh (Thanh Hóa) để hợp tác xây dựng trung tâm nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Ảnh: Lê Vũ Hoàng. |
Nhà vô địch duy nhất không đi du học: Sau Olympia, hầu hết quán quân đều sang Australia học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne. Trần Thế Trung (O19) là nhà vô địch duy nhất chọn học trong nước. Trước đó, khi không thể đi du học như dự định ban đầu, nam sinh có khoảng 3 tháng học online theo chương trình của Swinburne nhưng dừng lại vì cảm thấy không phù hợp. Thế Trung hiện theo học chuyên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại Đại học RMIT Việt Nam (Hà Nội). Ảnh: Duy Hiệu. |
MC mát tay nhất: Bên cạnh người dẫn chương trình chính tại trường quay, MC tại 4 điểm cầu truyền hình mỗi năm cũng được khán giả yêu mến. Trần Ngọc được mệnh danh là “MC mát tay nhất lịch sử Olympia” khi trong 9 lần dẫn điểm cầu đến nay, anh có 3 năm liên tiếp dẫn ở nơi có nhà vô địch (O13, O14, O15). Bên cạnh đó, Trần Ngọc cũng dẫn ở điểm cầu có á quân vào 4 năm (O16, O19, O20, O21), còn lại là thí sinh giành hạng 3 (O17, O18). Ảnh: Trần Ngọc. |
Không kém cạnh đồng nghiệp, trong 6 lần dẫn điểm cầu đến nay, MC Mai Trang có 2 năm liên tiếp dẫn ở nơi có thí sinh vô địch (O20, O21). Trước đó, tại O18, cô cũng dẫn ở điểm cầu Quảng Ninh của quán quân năm đó. Còn lại, Mai Trang từng dẫn ở điểm cầu có á quân (O17) và 2 người giành hạng 3 (O16, O19). Ngoài ra, MC Lưu Minh Vũ cũng tỏ ra có duyên với điểm cầu có nhà vô địch với 2/4 lần dẫn (O1, O11), còn lại là 2 lần có á quân (O16, O18). Ảnh: Mai-Trang Bui. |