Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẹ ám ảnh khi chứng kiến cảnh con bị chó cắn nát mặt

"Khi nghe thấy con la hét, tôi chạy đến, lúc này, con chó đang tấn công bé rất hung dữ. Tôi hét lên, con chó mới chịu buông ra", người mẹ vẫn chưa hết sợ hãi.

4 ngày sau khi chó cắn gây tổn thương nghiêm trọng, bé T.H.K. (4 tuổi, ở Hà Nam) vẫn chưa hết sợ hãi. Trước đó, bé bị chính con chó gia đình nuôi tấn công.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (mẹ bé K.) chia sẻ bản thân sợ hãi gấp bội khi trực tiếp chứng kiến cảnh con bị chó cắn. Khuôn mặt với một bên má dập nát, chảy máu của con khiến chị ám ảnh tới tận bây giờ.

Chị cho biết con chó tấn công bé K. được gia đình nuôi 3 năm. 2 tháng trước, con chó này đẻ. Gia đình làm trang trại ngoài đồng nên thả chó để trông nhà. Con chó tuy hung dữ nhưng chưa từng cắn ai.

Me am anh khi chung kien canh con bi cho can anh 1
Chị Tuyết vẫn chưa hết sợ hãi khi chứng kiến con bị chó cắn. Ảnh: PV.

Khi xảy ra sự việc, chị Tuyết đang ở nhà. Bé K. đi ra chuồng chó để chơi khi chị không để ý.

“Con bình thường rất thích chơi với chó, mèo nhưng chưa bao giờ bị cắn. Khi nghe thấy con la hét, tôi chạy đến, lúc này, con chó đang tấn công bé rất hung dữ. Tôi hét lên, con chó mới chịu buông ra. Tôi ôm vội cháu chạy đi nhờ người giúp đỡ”, người mẹ kể.

Chị cho biết để xảy ra sự việc là do sự chủ quan của gia đình. Chị vẫn nghĩ chó nuôi sẽ không cắn chủ. “Đây là lỗi của tôi, tôi sẽ day dứt, ân hận cả đời này mỗi khi nhìn vào vết thương trên má con. Có lẽ nhà tôi sẽ không dám nuôi chó. Con chó này, khi hết thời gian theo dõi bệnh dại tôi sẽ bán nó đi”, chị nói.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, cho biết ngày 21/4, bé K. được đưa vào viện trong tình trạng vết thương dập nát vùng má, từ góc mép đến sát tai, lộ tổ chức mỡ. May mắn vết thương chỉ ở phần da, không ảnh hưởng gân cơ, thần kinh và các tuyến nước bọt vùng mặt.

Bác sĩ đã vệ sinh sạch sẽ, cắt lọc và khâu đính lại các vạt da cho bé. Hôm sau, bệnh nhi được đưa đi tiêm phòng dại (con chó đẻ tấn công chưa được tiêm phòng). 

Theo bác sĩ Linh, hiện bé K. sức khoẻ đã ổn định. Tuy nhiên, vết thương ở vùng má bệnh nhi khá rộng cho nên sẽ để lại sẹo.

Từ đầu năm tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận 10 ca bị chó cắn. Đa phần trẻ nhỏ, trong đó có những bệnh nhi bị chó cắn rơi nhãn cầu ra ngoài, mất mũi, mất bộ phận sinh dục, thậm chí đã có trẻ bị tử vong do mất máu quá nhiều.

Để tránh những trường hợp chó cắn đáng tiếc tiếp tục xảy ra, bác sĩ khuyến cáo không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với chó lạ, đối với chó nhà đặc biệt là chó đẻ cần phải nhốt trong chuồng, khi thả phải rọ mõm.

Khi bị chó cắn, đối với vết thương nhỏ, cần phải rửa sạch bằng xà phòng để tránh vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, nếu chó chưa được tiêm phòng dại, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi tiêm phòng.

Trường hợp vết thương chó cắn chảy nhiều máu, phải dùng băng gạt vô khuẩn ép và băng chặt để máu dừng chảy. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Bạn cần làm gì khi bị chó tấn công? Khi bị chó cắn, điều bạn cần làm ngay lập tức là rửa sạch vết thương với xà phòng và nước, lau vết thương bằng cồn để tránh bị nhiễm trùng.

Lại một cháu bé bị chó nhà nuôi cắn dập nát cơ thể

Bé 4 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng vết thương dập nát vùng má, từ góc mép đến sát tai, sau khi bị con chó nhà nuôi tấn công.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm