Khi Cambria Hauck, ở miền Nam Utah, Mỹ, phải phẫu thuật cắt tử cung nạo nhau thai sau khi sinh cặp song sinh thứ 2, cô biết là mình sẽ không thể có con thêm lần nữa. Nhưng cô chưa từng nghĩ mẹ chồng sẽ là người chắp cánh, biến ước mơ nuôi dạy con cái của cô thành hiện thực.
Chia sẻ với Today, Hauck cho biết ngay sau lần sinh thứ 2, cô bị băng huyết và phải cắt bỏ tử cung. Bà mẹ 30 tuổi nhớ lại: “Các bác sĩ không biết máu chảy từ đâu và không thể ngăn máu chảy nên chỉ có cách cắt bỏ hết tử cung để giữ lại mạng sống cho tôi”.
Đây cũng là quyết định mà cô và chồng, Jeff, phải đấu tranh vì họ đã trải qua các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác, vẫn còn phôi thai chưa sử dụng.
"Chúng tôi thực sự rất buồn, nhưng vẫn tin vào Chúa và tiếp tục mong đợi”, bà mẹ 4 con nói thêm.
Mẹ của Jeff, bà Nancy Hauck, lo lắng cho sức khỏe của con dâu và cảm nhận được mong muốn họ có thêm con bồng bế. Người phụ nữ 56 tuổi quyết định làm điều mà theo bà là với tư cách nhà giáo dục khoa học thường không lựa chọn như vậy.
Tháng 10/2021, người phụ nữ 56 tuổi đưa ra đề nghị này với con trai và con dâu, mong muốn làm người mang thai hộ cho cặp đôi.
"Tôi biết mình đã quá già, điều này có thể không thực hiện được. Nhưng tôi chỉ muốn làm gì đó để cho các con biết mình sẵn sàng làm điều đó", bà Nancy chia sẻ thêm. Bà đã có 5 lần mang thai thành công nhưng là 20 năm trước. Do đó, lần này, dù có thế nào, cơ hội cũng khá mong manh.
Về phần Cambria, cô ngay lập tức cảm thấy yên tâm với lời đề nghị. “Chúng tôi biết cách duy nhất để có thể sử dụng phôi là nhờ ai đó mang thai hộ. Vì vậy, khi mẹ chồng nói ra điều này, hầu hết người khác sẽ thốt lên 'Ôi! Thật điên rồ!', nhưng chúng tôi chỉ cảm thấy thật yên tâm và bình yên", Cambria nói thêm.
Dù vậy, đây không phải là kế hoạch đơn giản. Bà Nancy trải qua nhiều cuộc đánh giá kỹ lưỡng từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe vì tuổi khá lớn. Các bác sĩ đánh giá đây là "ứng cử viên" rất sáng giá, khiến họ rất bất ngờ.
Sau 6 ngày chuyển phôi, bà Nancy đã mang thai. Bà tâm sự giai đoạn này giúp mẹ chồng đồng cảm rất nhiều với con dâu.
“Tôi đã nghiên cứu về thụ tinh trong ống nghiệm khi học thạc sĩ. Vào thời điểm đó, nó chỉ là một thử nghiệm rất hiếm người có thể tiếp cận. Vì vậy, tôi chưa từng tưởng tượng mình sẽ ra sao trong tình huống này", bà nói thêm.
Khi chia sẻ câu chuyện này công khai, Cambria cho biết gia đình cũng nhận nhiều ý kiến chỉ trích, nhưng điều đó không khiến họ phân tâm. Tất cả đều suy nghĩ tích cực, sống theo mong muốn cá nhân, không phải để hài lòng người khác.
Tháng 11 tới, bà Nancy sẽ lâm bồn. Họ định đặt tên đứa trẻ là Hannah. Cambria tâm sự: "Tôi hy vọng câu chuyện của chúng tôi có thể giúp những người đang trải qua giai đoạn vô sinh hoặc cảm thấy vô vọng trong chuyện con cái được tiếp thêm sức mạnh và họ không đơn độc".