Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mẹ chồng': Nàng dâu, mẹ chồng lộng lẫy như minh tinh giữa làng quê

"Mẹ chồng" rất đẹp nếu xét về ngoại hình diễn viên, hình thức trang phục (chứ chưa tính đến độ chân thực) nhưng cũng vì quá hào nhoáng, phim tự tạo ra khoảng cách với khán giả.

Teaser cảnh nóng của Thanh Hằng cùng trai lạ trong 'Mẹ chồng' Phim "Mẹ chồng" vừa tung teaser lôi kéo khán giả bằng cảnh ân ái giường chiếu của siêu mẫu Thanh Hằng trong phim.

Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Lý Minh Thắng
Diễn viên chính: Thanh Hằng, Diễm My 6X, Lan Khuê, Midu, Lâm Vinh Hải, Song Luân
Zing.vn đánh giá: 6/10

me chong anh 1
Mẹ chồng khai thác chủ đề quen thuộc theo hình thức lạ nhưng nội dung không kết nối được với khán giả.

Thanh Hằng lần đầu đăng ảnh kịch bản Mẹ chồng lên Facebook cá nhân từ tháng 5/2017. Lúc đó, Sống chung với mẹ chồng, bộ phim truyền hình cùng chủ đề, đang làm mưa làm gió màn ảnh nhỏ và mạng xã hội.

Hai tiếng "mẹ chồng" gợi một trời tâm tư của hàng triệu khán giả nữ, nhất là những ai vừa là nàng dâu vừa đã, đang và sẽ là mẹ chồng.

Bẵng đi nhiều tháng, chủ đề này đã nguội, nhưng nhà làm phim Mẹ chồng vẫn tin rằng mẹ chồng - nàng dâu là chủ đề muôn thuở, có thể gợi đồng cảm.

Vấn đề là mẹ chồng trên màn ảnh lớn xa lạ với khán giả hơn nhiều so với mẹ chồng trên màn ảnh nhỏ.

Giữa làng quê, mẹ chồng nàng dâu đều như người mẫu, minh tinh

Mẹ chồng được tạo nên từ một ê-kíp duy mỹ đến cực đoan. Nguyên dàn diễn viên đều là những mỹ nữ nổi tiếng của làng giải trí Việt.

Từ Diễm My 6X - nữ hoàng ảnh lịch một thời, đến Thanh Hằng - siêu mẫu hàng đầu vẫn chưa ai vượt qua được, với nhan sắc đang vào thời mặn mà nhất, rồi Ngọc Quyên - từng là người mẫu nổi tiếng trước khi kết hôn và sang Mỹ định cư, và người mẫu thế hệ sau Lan Khuê - top 11 Hoa hậu Thế giới, cùng Midu - một diễn viên kiêm hot girl nổi nhất của thế hệ đầu (có cả My Vân, Chi Pu...) luôn giữ được gương mặt trẻ thơ.

me chong anh 2
Trang phục đời thường của mẹ chồng và những cô con dâu nhà Hội đồng Lịnh.

Diễn viên thường đẹp, đó là chân lý, vì nghề nghiệp này đòi hỏi điều đó. Nhưng không có nghĩa là các diễn viên phải bê nguyên vẻ đẹp ngoài đời của mình vào phim.

Lần lượt các người đẹp kể trên hóa thân vào 5 người đàn bà cùng làm dâu nhà Hội đồng Lịnh: bà Hai Lịnh (Diễm My 6X), một phu nhân quyền quý, cùng hai cô con dâu Ba Trân (Thanh Hằng), Bảy Loan (Ngọc Quyên); đến thế hệ sau, Ba Trân lại trở thành mẹ chồng của hai cô con dâu Tư Thì (Lan Khuê) và Tuyết Mai (Midu).

Trong dàn mỹ nhân lộng lẫy trên, Diễm My 6X và Thanh Hằng diễn xuất chín nhất, nhưng trong khi Diễm My dạn dày kinh nghiệm hóa thân thành một quý bà cao sang, ở Thanh Hằng vẫn còn rơi rớt khí chất người mẫu không lẫn đi đâu được.

Mái tóc đen dài suôn thẳng, thân hình cao mảnh khảnh, cô Ba Trân bước đi giữa dàn gia nhân một cách quyền lực như vedette đi trên sàn catwalk trong phần kết buổi trình diễn thời trang.

Là diễn viên chính của phim, Thanh Hằng được đầu tư nhất về trang phục, trang điểm và những góc máy. Nhưng hình ảnh của cô Ba Trân từ khi còn đôi mươi, mặc áo dài bước đi giữa con đường quê vắt ngang hai cánh đồng, ghé vào chợ quê, hay khi lộng lẫy trong ngày cưới, khi nóng bỏng bên chồng trên giường ái ân và cả khi bị mẹ chồng đánh mắng, bị chồng bỏ rơi phải lủi thủi trong nhà ngang... đều không có dáng vẻ gì của một cô gái quê.

me chong anh 3
Trang phục của Thanh Hằng được đầu tư cầu kỳ nhất phim.

Trang điểm đậm và hiện đại, nhân vật của Thanh Hằng có ngoại hình của một siêu mẫu nhưng hóa thân vào một cô gái quê.

Sau Thanh Hằng, đến các nhân vật của Ngọc Quyên, Lan Khuê, Midu lần lượt xuất hiện, khán giả nhận ra rằng tất cả nhân vật nữ trong phim đều sẽ lộng lẫy như chính họ ngoài đời, chỉ có chăng là mặc đồ cổ trang mà thôi.

Khi mợ Tư Thì của Lan Khuê trò chuyện với hai người họ hàng nghèo khổ, khán giả có thể đoán rằng cô cũng xuất thân nghèo khổ. Đoán, vì trang phục cầu kỳ, vóc dáng và gương mặt rất Tây của cô không thể hiện được điều đó.

Midu, dù có vẻ ngoài không giống người mẫu, vẫn không tránh khỏi việc "trình diễn thời trang" trong phim khi diện những bộ bà ba cách tân bằng vải voan mỏng vừa ngây thơ vừa gợi cảm. 

me chong anh 4
Diễn xuất của Thanh Hằng khá nhưng chưa đủ sức "cân phim".

Ngọc Quyên không có nhiều đất diễn trong phim ngoài việc thể hiện vẻ hiền lành nhẫn nhục, nhưng ngoại hình cô Bảy Loan khi vào tuổi trung niên trông vẫn không khác gì khi cô mới về nhà chồng.

Tương tự, nhân vật của Thanh Hằng được tăng tuổi trong những phân cảnh vấn tóc, trang điểm đậm, diện đồ phong cách phụ nữ trung niên... nhưng mỗi khi xõa tóc và ăn mặc gợi cảm, cô Ba Trân lại như trở về tuổi đôi mươi.

Điều này dễ khiến khán giả cho rằng phim không đầu tư vào tạo hình chân thực cho nhân vật: gái quê đúng chất gái quê, phụ nữ trung niên đúng chất phụ nữ trung niên. Thay vào đó, những người đàn bà nhà Hội đồng Lịnh lúc nào cũng rực rỡ như đôi mươi và xúng xính xiêm áo như dự tiệc.

Điểm nổi bật, dễ nhận thấy lớn nhất của Mẹ chồng - vẻ đẹp về hình thức đến hoa mắt - cũng có thể là điểm yếu. 

Câu chuyện tưởng như quen nhưng lại xa lạ

Những nàng dâu rồi sẽ trở thành mẹ chồng và lại trở nên độc ác như chính người mẹ chồng đã hành hạ họ. Phần thông điệp gửi gắm của cô Ba Trân ở cuối phim là điều mà nhà làm phim muốn khán giả cảm nhận được.

Nhưng có lẽ, khán giả nên cảm nhận được điều đó qua các tình tiết phim, thay vì cần một nhân vật trực tiếp nói ra.

me chong anh 5
Bộ phim như diễn ra ở một cung vua phủ chúa chứ không phải là câu chuyện của những người đàn bà ở làng quê.

Đặt bối cảnh vào một không gian và thời đại không rõ ràng - làng quê trong phim không có tên và không có niên đại, cũng không có nhiều cảnh ngoại mà chỉ xoay quanh căn biệt thự của gia đình Hội đồng Lịnh - bộ phim cũng tự làm nó khó kết nối với người xem. Điều này khiến chất giả tưởng, xa lạ của Mẹ chồng càng đậm nét hơn.

Dù nhà làm phim nhắc đi nhắc lại các chủ đề "mẹ chồng nàng dâu" và "tư tưởng phải sinh con nối dõi tông đường, kìm kẹp người phụ nữ" để tạo đồng cảm với khán giả, việc không gian - thời gian không xác định của phim khiến người xem khó có thể đặt mình vào nhân vật.

Không thể không so sánh, Sống chung với mẹ chồng, khi đặt bối cảnh vào một thời đại cụ thể - thời hiện tại - và trong không gian thành thị, giúp khán giả dễ kết nối hơn với nhân vật.

Sống chung với mẹ chồng Mẹ chồng thuộc hai lĩnh vực khác nhau, một là phim truyền hình, một là phim điện ảnh, nhưng không thể phủ nhận sức mạnh của phim ảnh là chi tiết. Và Sống chung với mẹ chồng bằng những chi tiết chân thực, thậm chí cường điệu, vẫn giúp người xem tìm thấy mình trong đó và làm dậy sóng dư luận bằng những bàn cãi không dứt.

Còn ở Mẹ chồng, câu chuyện tranh đoạt quyền lực trong một gia tộc bằng cách sinh con trai nối dõi sẽ phù hợp hơn với cung vua phủ chúa, và những người đàn bà kia trông giống hoàng hậu và cung phi trong một "thâm cung nội chiến".

Đàn ông vẫn là kẻ ngoài cuộc

Trong khi cuộc tranh luận về mẹ chồng - nàng dâu trong xã hội Việt Nam đã có một bước tiến dài thì câu chuyện trong Mẹ chồng, dù không rõ thời đại, vẫn chững lại ở một thời xa vắng.

Hiện tại, xã hội đã hiểu rằng chuyện mẹ chồng - nàng dâu không còn là chuyện riêng giữa những người đàn bà, và người đàn ông đứng giữa họ có vai trò vô cùng quan trọng. Anh ta có thể là cầu nối giữa mẹ và vợ mình, đưa gia đình đến hạnh phúc, hoặc đứng về một phía và tạo nên sóng gió gia đình.

Còn với Mẹ chồng, trước khi phim công chiếu, tất cả những gì liên quan đến đàn ông là vòng ba lồ lộ của cậu Hai Nhứt (Song Luân đóng), chồng của cô Ba Trân. Cảnh này thậm chí còn bị cắt trong bản phim chiếu rạp chính thức, đồng thời giúp hạ giới hạn tuổi của phim từ 18+ xuống còn 16+.

Không có cảnh lộ vòng ba, dấu ấn của cậu Hai Nhứt chỉ còn lại ở hai cảnh dắt vợ đi trong đám cưới và cảnh nóng với Thanh Hằng. Người đàn ông của cuộc đời cô Ba Trân, người đứng giữa trong mối mâu thuẫn sâu sắc dẫn đến thâm thù của bà Hai Lịnh và con dâu mình, cuối cùng không để lại một ấn tượng sâu đậm nào trong phim.

me chong anh 6
Vai trò mờ nhạt của đàn ông trong câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu không xa lạ, nhưng khá đi vào lối mòn.

Tiếp đến thế hệ sau, vai người con của Ba Trân, Hai Phước (Lâm Vinh Hải đóng) là người thiểu năng, cả đời sống như một đứa trẻ. Bởi vậy, trước mối quan hệ đầy áp bức giữa mẹ và hai người vợ, Hai Phước cũng không có sức ảnh hưởng, dẫn đến bi kịch gia đình sau này.

Và bởi vậy, bộ phim dừng lại ở cuộc chiến giữa những người đàn bà, trong khi những người chồng, người con mà họ tranh đoạt lẩn khuất đâu đó dù vẫn hiện diện.

Midu kể chuyện áp lực khi đóng cảnh bị trừng phạt vì ngoại tình

Lần đầu thể hiện những phân đoạn tâm lý nặng như cảnh bị mẹ chồng trừng phạt vì ngoại tình, diễn viên 9X cho biết cô phải tưởng tượng và chịu nhiều căng thẳng.


Mi Ly

Ảnh: Đoàn làm phim

Bạn có thể quan tâm