Tại hội thảo "Không là thiên tài - con là duy nhất" được Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp (TP.HCM) phối hợp Viện Di truyền Y học tổ chức sáng 12/12, thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A kể một bạn nhỏ lớp 5 khi bị so sánh với bạn bè đã thốt lên rằng: "Mẹ có là mẹ nhà người ta đâu mà đòi con như con người ta".
Câu nói khiến cả hội trường giật mình vì các bậc cha mẹ thường so sánh con mình với bạn bè đồng trang lứa nhưng không suy nghĩ đến cảm nhận của trẻ.
Thạc sĩ Tô Nhi A chia sẻ câu chuyện so sánh con cái của phụ huynh tại hội thảo sáng 12/12. Ảnh: M.N. |
Thạc sĩ Tô Nhi A, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM, cho biết trong giáo dục có một biện pháp được gọi là nêu gương. Đây là cách dạy trẻ được khoa học công nhận nhưng với điều kiện phụ huynh phải nêu gương đúng cách. So sánh là một trong những biểu hiện của nêu gương nhưng so sánh con mình với con nhà người ta là lỗi sai.
“So sánh với con nhà người ta là không thuyết phục và quá khập khiễng. Phụ huynh chỉ có ý muốn tốt cho con, chỉ là cách làm của chúng ta sai”, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM nói.
Nữ thạc sĩ cho hay phụ huynh thường so sánh để khích lệ con mình cố gắng hơn nhưng hậu quả thì ngược lại. Đứa trẻ bị so sánh sẽ thiếu tự tin đối với chính bản thân, khiến chúng dễ bỏ qua những thế mạnh của mình. Chất lượng học tập cũng như hoạt động cá nhân của trẻ sẽ bị suy giảm.
Hơn nữa, các hoạt động kết nối xã hội, cụ thể là kết nối với bạn bè của trẻ, rất tiêu cực. Thay vì nhận ra vấn đề của mình, trẻ sẽ ghét bạn mà ba mẹ đem ra so sánh.
“Hơn nữa, trẻ cũng không chấp nhận cha mẹ, vì nghĩ người lớn không hiểu, không thừa nhận mình. Nhưng quan trọng hơn là khi trẻ nhận ra điều đó, trẻ không chia sẻ vấn đề của mình với cha mẹ", bà Tô Nhi A nói.
Từ đó, con sẽ có xu hướng chống đối và bạo lực. Bé sẽ không ngoan, vi phạm nội quy, hỗn láo, không nghe lời....
Nếu trẻ không thể hiện những hành vi đó lên người khác mà lại hành động với chính mình thì sẽ dẫn đến stress, trầm cảm và tệ nhất là tự tử.
"Dĩ nhiên, việc tự tử, bạo lực học đường có rất nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó là việc so sánh con mình với "con nhà người ta”, chuyên gia tâm lý nói.
Thạc sĩ Tô Nhi A khuyên phụ huynh nên nêu gương cho con mình bằng cách kể ra hoàn cảnh, trường hợp cụ thể của “con nhà người ta” và cách “con nhà người ta” giải quyết tình huống hoặc hoàn cảnh của bạn ấy để trẻ học hỏi, thay vì chỉ so sánh kết quả.