Thuật ngữ “Hội chứng Munchausen by Proxy” còn có một tên gọi hiện đại hơn là “Bệnh tật do người chăm sóc bịa ra”, theo VICE.
Nói chung, cả hai tên gọi đều mô tả hình thức lạm dụng, trong đó người chăm sóc, thường là các bà mẹ, cố tình làm cho con cái bị ốm để họ nhận được sự chú ý và lời khen ngợi khi trông nom các con.
Đó chính là căn bệnh tâm thần mà mẹ tôi mắc phải.
Tôi là Julie Gregory (sinh năm 1969), lớn lên tại vùng nông thôn Ohio. Mãi đến năm 14 tuổi, tôi mới biết những bệnh tật suốt thời thơ ấu của mình là do chính mẹ ruột gây ra.
Julie (trái) hồi còn nhỏ và mẹ - người cố tình làm cô ốm trong nhiều năm. |
Những cách đầu độc
Gia đình tôi gồm bố mẹ và em trai Danny nhỏ hơn tôi khoảng 7 tuổi. Chúng tôi sống trong một căn nhà di động cỡ lớn nằm ở cuối con đường đất cụt.
Xung quanh gia đình tôi cũng không có hàng xóm, do đó tôi không có bất kỳ người bạn thơ ấu nào. Tôi sống giữa đồng không mông quạnh, tản bộ bằng chân trần với những con vật nuôi.
Mẹ vốn thích ăn diện, nhưng chúng tôi lại sống ở nơi hoang vắng đến nỗi bà hiếm khi có cơ hội trang điểm hay làm tóc.
Còn tôi dường như không thể sống độc lập khỏi mẹ. Ngay từ khi còn nhỏ, bà thường xuyên đưa tôi đến gặp bác sĩ và nói với họ rằng có điều gì đó không ổn với sức khỏe của tôi. Những chuyến đi đến phòng khám gần như là thời gian duy nhất mẹ tôi được chưng diện.
Mẹ không chỉ lấy thuốc từ một mà nhiều bác sĩ khác nhau. Dù biết những thuốc nào không nên dùng chung, mẹ vẫn cho tôi uống kết hợp chúng. Đó là cách bà ấy “đầu độc” tôi.
Mẹ muốn tôi liên miên ốm để cơ hội đưa tôi đến phòng khám - nơi bà thường nhận được sự khen ngợi từ các bác sĩ. Họ khiến bà ấy cảm thấy bản thân là một người mẹ tốt, biết chăm sóc con.
Em trai Danny (trái) của Julie may mắn thoát khỏi cảnh bị "đầu độc" tương tự. |
Một cách khác để mẹ làm tôi suy kiệt sức khỏe đó là giảm khẩu phần ăn của tôi. Tôi đã quen với cảnh đi học mà không được ăn sáng. Mẹ cũng chẳng điền đơn xin cho tôi ăn trưa tại trường, do đó tôi phải nhịn đói cả ngày.
Về đến nhà, nhiều lúc tôi vẫn không được dùng bữa. Bà ấy thường nói tôi không được ăn món này, món kia vì tôi “bị dị ứng với chúng”. Những ngày tháng ấy khiến tôi rất gầy gò, ốm yếu và lại càng thêm phụ thuộc vào mẹ.
Lớn hơn vài tuổi, tôi đã cố gắng trao đổi chuyện này với một số cố vấn nhà trường nhưng họ không thực sự tin tưởng tôi. Ở xã hội ngày ấy, lời nói của trẻ em không được coi trọng.
Năm tôi lên 10, mẹ bắt đầu làm những trò “đầu độc” tương tự đối với cậu em trai Danny của tôi. Bà bắt đầu nói rằng Danny bị hen suyễn và khó thở, do đó bà muốn đem cậu bé đi điều trị.
Bố tôi, một người đàn ông lười biếng vốn chỉ thích ở một mình, bất ngờ đè nghiến cổ tay mẹ tôi lên bàn bếp và quát tháo: “Không, cô sẽ không làm điều tương tự với con trai tôi. Thằng bé vẫn rất ổn”.
Tôi được sinh ra và lớn lên trong thời điểm xã hội còn trọng nam khinh nữ nặng nề. Cũng bởi vậy, bố chẳng buồn đấu tranh vì tôi như cách ông ấy làm cho Danny. Tôi sớm trở thành con chuột thí nghiệm của mẹ, được bà ấy đưa tới đưa lui các phòng khám.
Cuộc phẫu thuật tim bất thành
Năm 12 tuổi, mẹ đưa tôi đến gặp một bác sĩ mới. Tôi ngồi trên ghế và bác sĩ yêu cầu tôi đứng lên. Do chưa được ăn uống gì, khi đứng lên, tim tôi đập nhanh và muốn ngất đi.
Julie không được ăn uống đầy đủ, hoàn toàn bị mẹ kiểm soát. |
Bác sĩ nói rằng có lẽ tôi gặp vấn đề về tim mạch và khuyên nên đi kiểm tra. Mẹ tôi nhanh chóng chuyển sự chú ý vào “căn bệnh mới” này của tôi. Kể từ hôm đó, đi đâu bà ấy cũng kể rằng tôi bị bệnh tim.
Suốt những ngày tháng tiếp theo, tôi phải thực hiện nhiều ECG (kiểm tra chức năng tim). Đến một ngày, mẹ tôi quyết định rằng tôi cần được phẫu thuật tim.
Năm 14 tuổi, tôi nhập viện. Khoảng thời gian nằm trên giường bệnh lại là những kỷ niệm tuyệt vời nhất cuộc đời tôi.
Tôi được ăn đủ 3 bữa/ngày, chưa kể hoa quả tráng miệng và rất nhiều thạch. Các y tá rất tốt bụng. Còn mẹ không thường xuyên ở đó để đánh đập hay kéo tóc tôi.
Tuy nhiên, niềm vui chẳng kéo dài bao lâu. Một ngày nọ, một nữ y tá bước vào và nói rằng cô ấy cần cạo lông của tôi để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Tôi ngạc nhiên bởi tôi đã được cạo lông ngực rồi.
“Không, cô cần cạo lông vùng kín của cháu”, y tá ôn tồn nói.
Sự bối rối và hoảng sợ khiến tôi cuống quýt kéo chiếc chăn che ngang mặt, hét lên: “Không đâu. Mẹ cháu bịa đặt ra bệnh tật này đấy, chứ cháu không ốm!”
Cả hai chúng tôi sững người trong vài giây. Nữ y tá rời khỏi căn phòng. Một lúc sau, cô ấy trở lại với một nhóm y bác sĩ khác. Họ đánh thuốc mê tôi và gọi gia đình đưa tôi trở về nhà.
Julie hiện tại đã lập gia đình và có một cô con gái. |
Vài ngày sau, tôi trở lại bệnh viện cùng mẹ và gặp bác sĩ tim mạch. “Tôi có tin tốt đây. Con gái cô hoàn toàn bình thường. Cô bé không cần phải thực hiện cuộc phẫu thuật”, bác sĩ nói.
“Bác sĩ John, tôi tưởng chúng ta đồng lòng với nhau rằng ông sẽ thực hiện phẫu thuật tim cho nó”, mẹ tôi tức giận.
Vị bác sĩ nghiêm nghị tuyên bố: “Con gái chẳng cần gì thêm nữa. Cô bé không cần phẫu thuật tim”. Sau đó, ông quay lưng rời đi.
Mùa hè năm ấy, tôi được chuyển đến sống tại một nhà tập thể dành cho những người cần được chăm sóc y tế. Lâu rồi tôi mới có cảm giác tự do như vậy.
Mãi đến nhiều năm sau, tôi mới biết có một thuật ngữ chỉ hành vi của mẹ tôi - Hội chứng Munchausen.
Tại lớp Tâm lý học của tôi, vị giáo sư cho biết thủ phạm mắc chứng này thường là người mẹ, có xu hướng bịa đặt hoặc gây ra bệnh tật, thương tích cho con cái để họ có thể đặt lịch khám và phẫu thuật. Có những trường hợp trẻ con chết do sự việc đi quá xa.
Hôm ấy, tôi vỡ ra rằng mọi nỗi đau tôi phải chịu đựng chẳng có nghĩa lý gì. Các bác sĩ ngày ấy cũng bị mẹ tôi “dắt mũi” và không ai trong số họ giúp đỡ tôi thoát khỏi cảnh bị ngược đãi.