Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẹ con, vợ chồng không biết ngày gặp lại vì lệnh cách ly

"Công việc hay gia đình?", những người làm việc tại Hong Kong và sinh sống ở Trung Quốc đại lục rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi đặc khu này áp đặt lệnh cách ly.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên Channel News Asia, về câu chuyện những người dân ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục rơi vào tình cảnh bị chia cắt với gia đình do chính quyền Hong Kong áp lệnh cách ly.

Chờ đợi tại một trạm xe buýt ngăn cách giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục, Billy Yiu chuẩn bị nói lời tạm biệt với vợ và con nhỏ. Trong thâm tâm, anh không chắc bao giờ mới có thể gặp lại hai mẹ con.

Làm việc tại Hong Kong và sinh sống tại Thâm Quyến, Billy di chuyển giữa hai thành phố mỗi ngày. Giá thuê nhà tại Thâm Quyến rẻ hơn rất nhiều so với Hong Kong.

Nhưng đó là trước khi dịch viêm phổi do virus corona gây ra bùng phát tại Vũ Hán và lan rộng ra khắp Trung Quốc.

cach ly viem phoi corona anh 1

Lệnh cách ly 14 ngày với du khách đến từ đại lục khiến nhiều người dân sinh sống, di chuyển giữa Hong Kong và các thành phố khác rơi tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ảnh: AFP.

Từ 0h ngày 8/2, chính quyền tại đặc khu Hong Kong áp đặt lệnh cách ly 14 ngày với du khách đến từ đại lục, trong nỗ lực ngăn chặn virus lây lan.

Theo lệnh mới ban bố, bất cứ ai từ Trung Quốc đại lục vào Hong Kong đều bị cách ly bắt buộc trong 14 ngày tại nơi cư trú. Bất kỳ ai vi phạm sẽ phải chịu khoản tiền phạt 25.000 HKD ( khoảng 3.200 USD) và 6 tháng tù giam.

Vì vậy, ngày 7/2, Billy về Thâm Quyến, gặp mặt vợ con lần cuối trước khi trở về Hong Kong. Khoảng thời gian sắp tới, anh sẽ sống cùng bố mẹ đẻ.

"Tôi không biết điều này sẽ kéo dài bao lâu nhưng chúng ta còn có thể làm gì khác?", người đàn ông cho biết.

Vợ của Billy chọn ở lại Thâm Quyến cùng với người con của cả hai. "Điều đó không dễ dàng với cô ấy. Nhưng chúng tôi có người giúp việc và vẫn liên lạc được với nhau qua video call”, anh nói.

Giống với Billy, hàng chục nghìn người cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn tương tự khi Hong Kong ra lệnh cách ly.

Theo ước tính, khoảng 660.000 người di chuyển từ đại lục vào Hong Kong mỗi ngày, trong đó 17% là người Hong Kong nhưng sinh sống tại các thành phố gần đấy.

William Tang (61 tuổi) làm việc trong ngành tài chính của Hong Kong và sống ở Thâm Quyến. Trước đó, ông từng bàn bạc với cấp trên về cách sắp xếp đi làm hoặc có thể có một kỳ nghỉ dài trong tình thế này.

“Nếu không đi đến thống nhất, tôi buộc phải nghĩ đến trường hợp xấu nhất là mất việc”, ông nói.

Lam Ho, 29 tuổi, là nhân viên văn phòng tại Hong Kong nhưng cư trú tại Thâm Quyến. Sau khi chính quyền đặc khu công bố lệnh mới, cấp trên của anh đã yêu cầu anh nghỉ không lương trong thời gian tới.

"Tôi chỉ là một người bình thường. Cấp trên của tôi thông báo cho tôi về quyết định của ông ta và tôi chẳng thể làm gì khác được", Lam nói.

cach ly viem phoi corona anh 4

Hàng chục nghìn người xếp hàng vào Hong Kong từ cảng vịnh Thâm Quyến vào tối 7/2. Ảnh: SCMP.

Sam Yau, học sinh cấp hai di chuyển vào Hong Kong cùng với mẹ và anh trai.

"Em và anh trai học trường tại Hong Kong nên gia đình phải thuê khách sạn để sống cho đến khi tìm được căn hộ cho thuê”, Yau cho biết.

Người mẹ chỉ tiễn hai con trai đến nơi an toàn và quay về Thâm Quyến sau đó. Người cha sẽ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc con cái trong thời gian tới.

“Em đã bắt đầu thấy nhớ mẹ”, Yau thở dài.

Nhiều tòa nhà chọc trời ở Thâm Quyến, thành phố bên cạnh Hong Kong, được thắp sáng với các khẩu hiệu cổ vũ người dân.

"Cuộc sống và sức khỏe của mọi người là trên hết”, “Người quyết tâm chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh", các khẩu hiệu viết.

Về phía Billy, bản thân anh nhận định quyết định của chính quyền là cần thiết. “Người dân đi lại khó khăn, nhiều gia đình bị chia cắt nhưng tại thời điểm này, chúng ta vẫn chưa tìm ra cách nào khác để ngăn chặn virus”, anh nói.

Ở nhà vì corona, học sinh Trung Quốc vẫn phải ngày đêm ôn thi đại học

Kỳ thi đại học gaokao ở Trung Quốc vốn nổi tiếng về tính khốc liệt. Ngay cả khi dịch corona bùng phát, học sinh nước này vẫn lo ngại việc nghỉ sẽ ảnh hưởng xấu đến điểm số.

Trà My

Bạn có thể quan tâm