Ngày 19/1, bé Vũ Hải Đường 11 tuổi, bị suy thận nặng giai đoạn cuối đã được cứu sống nhờ ghép thận tại bệnh viện Nhi trung ương. Người cho thận là mẹ đẻ cháu-chị Phan Thị Phương, 29 tuổi.
Vẫn chưa bình phục hoàn toàn sau ca phẫu thuật dài 6 giờ đồng hồ để lấy thận cứu con, song chị Phương không giấu được tâm trạng phấn khởi khi được các bác sĩ thông báo ca ghép đã thành công.
Chị cho biết, cháu Đường nhập viện lần đầu tiên từ tháng 4/2014. Trước đó, thấy con nhẹ cân, xanh xao và thấp hơn các bạn cùng tuổi nhưng chị không nghĩ đến nguyên nhân bệnh lý. Đến khi con gái biểu hiện mệt mỏi, ăn vào là nôn, chị Phương mới đưa con đến bệnh viện Nhi trung ương kiểm tra sức khỏe, không ngờ bé đã suy thận giai đoạn cuối.
TS.BS Nguyễn Thu Hương, trưởng khoa Thận - Tiết niệu, bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bé Vũ Hải Đường là trường hợp bệnh nhi đặc biệt gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng: cháu chỉ có một quả thận duy nhất ở bên phải lại bị thiểu sản. Kkhi nhập viện, cháu bé đã mắc suy thận mãn giai đoạn cuối.
Vài giờ sau phẫu thuật, bệnh nhi đã có thể tự thở; có khoảng 150-190 ml/l nước tiểu trong một giờ. |
Từ khi phát hiện bệnh đến nay, cháu Đường đã trải qua gần nửa năm điều trị bằng thẩm phân màng bụng, sau đó chuyển sang chạy thận nhân tạo nhưng bệnh không tiến triển. Những biến chứng suy thận ở cháu bé biểu hiện ngày càng rõ rệt: từ tháng 9/2014 bé hoàn toàn vô niệu, huyết áp tăng cao, thiếu máu, có biến chứng tim mạch gây phù phổi cấp 3 lần.
Nếu không được ghép thận, khả năng bệnh nhi tử vong là rất lớn. Trước tình hình đó, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân ghép thận. May mắn là sau một thời gian làm xét nghiệm, bé Đường có mẹ là người phù hợp để hiến thận. Ngày 14/1, các bác sĩ chỉ định cả 2 mẹ con nhập viện để chuẩn bị cho ca ghép.
Nói về công tác chuẩn bị trước ghép, thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Dũng, phụ trách khoa Ngoại - Tiết niệu cho biết, ban Điều hành ghép thận đã phân công 3 nhóm công tác cho ca mổ, bao gồm: chuẩn bị trước mổ, phẫu thuật, hồi sức sau mổ. Trong quá trình ghép, kíp phẫu thuật được chia làm 2 nhóm khác nhau, tiến hành song song để đảm bảo thận lấy ra phải được ghép kịp thời. Lấy thận là khâu khó khăn nhất do người hiến thận nặng tới 68 kg với chiều cao chỉ 1,5 m.
Nhờ được chuẩn bị kỹ càng, ca ghép diễn ra suôn sẻ, chỉ vài giờ sau phẫu thuật, bệnh nhi đã có thể tự thở, có khoảng 150-190 ml/l nước tiểu trong một giờ, các xét nghiệm chức năng thận dần trở về bình thường. Do bệnh nhi có biến chứng về tim mạch nên công tác chăm sóc hậu phẫu được các bác sĩ chú trọng đặc biệt.
“Cần phải theo dõi sát sao để tránh tình trạng quá tải dịch có thể khiến cháu bé bị phù phổi cấp trở lại, gây nguy hiểm đến tính mạng”, BS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức ngoại chia sẻ.
Hiện tại, với tình trạng sức khỏe ổn định, mẹ bệnh nhi đã được chuyển sang chăm sóc tại phòng bệnh thường. Dự kiến cháu bé có thể chuyển lên khoa Thận trong vòng vài ngày tới.
Trước đó, bệnh viện Nhi trung ương đã có 19 ca ghép thận được thực hiện thành công, góp phần mang lại tương lai tươi sáng cho các cháu bé mắc bệnh hiểm nghèo.