Ba mẹ con Đỗ Hà tự lái ôtô đi quãng đường 2.000 km từ TP.HCM ra Hà Nội. |
"Ba mẹ con chuẩn bị lên đường nhé, các con phấn khởi lắm".
Sau khi gửi tin nhắn cho chồng, Đỗ Hà (33 tuổi) lái ôtô rời nhà ở quận 7 (TP.HCM), bắt đầu hành trình đưa 2 con ra Bắc đoàn tụ với bố. Trước đó, ông xã chị phải ra Hà Nội công tác nửa năm.
Trong 34 ngày (từ 6/3 đến 10/4), 3 mẹ con chị Hà đi qua 15 tỉnh, thành với quãng đường 2.000 km.
“Với tôi, chuyến đi còn là dịp để nghỉ ngơi, phục hồi sau thời gian dài ở nhà trông con”, chị nói với Zing.
Quyết định nhanh chóng
Sau khi con gái út chào đời, chị Hà nghỉ hẳn công việc kinh doanh, ở nhà nội trợ, trông 2 con.
Không có rào cản công việc, đồng thời mong muốn các con có thể khám phá nhiều nơi trước khi vào lớp một, người mẹ chỉ cần 5 phút để quyết định đưa con đi du lịch dài ngày.
“Tôi không quá lo lắng chuyện học hành của con bị gián đoạn. Ngoài sách vở, tôi muốn con có thể học hỏi thêm nhiều điều khác từ những chuyến đi thực tế”, chị bày tỏ.
Chị Hà mất nhiều thời gian nhất trong việc tìm hiểu, chọn lọc nơi tham quan cho 2 con. |
Chị Hà dành 3 tuần để nghiên cứu các cung đường và lên kế hoạch chi tiết mỗi điểm dừng, khu vực tham quan. Ngoài những khu vui chơi ở trung tâm và bãi biển, chị còn tìm hiểu thêm di tích và bảo tàng, tạo điều kiện cho các con học hỏi.
Tùy vào khoảng cách của những điểm dừng chân, chị Hà thường lái xe 50 km/ngày, cũng có khi lên tới 220 km. Đối với các chặng đường dài như vậy, cứ đi 3-5 tiếng, 3 mẹ con lại nghỉ 1-3 lần.
Chị Hà cho biết việc chuẩn bị đồ đạc cho con không quá khó khăn bởi bình thường, gia đình chị cũng hay ra ngoài chơi, đi dã ngoại vào cuối tuần.
“Những vật dụng để bảo vệ sức khỏe cho 2 bé như mũ nón, kem chống nắng, chống muỗi,... và thuốc thang dự phòng luôn được tôi chú ý đầu tiên. Để các con thoải mái vui chơi, thay đồ, tôi chuẩn bị thêm nhiều quần áo và dép cao su”, chị chia sẻ.
Ngoài ra, người mẹ còn mang theo nồi cơm điện và ít gạo để nấu cháo, sẵn sàng cho các bữa ăn nhẹ hay “chữa cháy” nếu con không hợp đồ ăn địa phương.
Do đi vào thời điểm không phải mùa du lịch, chị Hà dễ dàng tìm và đặt phòng ở trung tâm. |
Mong muốn con được trải nghiệm đa dạng các dịch vụ du lịch, chị Hà thay đổi nhiều loại hình không gian nghỉ ngơi như nhà nghỉ, khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng. Bà mẹ 2 con luôn ưu tiên những nơi trung tâm hoặc gần biển, có chỗ gửi ôtô.
Thậm chí, trong 6 ngày ở Đà Nẵng, chị cùng các con thuê 3 khách sạn khác nhau. Mỗi ngày, con trai đều hỏi liệu có phải chuẩn bị chuyển đến nơi nghỉ khác hay không.
Chị Hà dự định dừng chân mỗi nơi khoảng 3 ngày. Nhưng 3 mẹ con lưu lại Đà Nẵng, Quy Nhơn, Bình Định gần một tuần bởi thích ở lâu hơn.
Trong suốt chuyến đi, chi phí thuê phòng của 3 người khoảng 17 triệu đồng. Ngoài ra, chị Hà chi 33 triệu đồng cho ăn uống, vui chơi, quà cáp và khoảng 5 triệu xăng xe.
Kỷ niệm đáng nhớ
“Tôi khá tự tin với việc chăm con. Trên xe, tôi thường xuyên nhắc nhở, trò chuyện để các con không chán hay quậy phá. Hai bé rất vâng lời nên việc lái xe khá suôn sẻ”, chị Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, chuyến đi dài không tránh khỏi nhiều khó khăn. Ba mẹ con có vài lần lạc đường, chủ yếu là khi đi tìm các quán ăn, cửa hàng trong thành phố. Những lần như vậy, chị Hà tự nhủ đó cũng là cơ hội để mình chiêm ngưỡng những cung đường mới.
"Một trong những lần 'mất phương hướng' mà tôi nhớ nhất là khi trên đường đến bãi biển Hải Dương ở Thừa Thiên - Huế. Do nhầm lẫn, chúng tôi rẽ vào đoạn đường bùn, chẳng may xe bị sa lầy", chị kể lại.
Chiếc xe của ba mẹ con không may bị sa lầy trên đường đến bãi biển Hải Dương, Thừa Thiên - Huế. |
Khi đó trời âm u sắp mưa, quãng đường dài vắng bóng người do không phải mùa du lịch, chị Hà rất lo lắng. Chị cuống quýt định gọi cho chồng, nhưng điện thoại chỉ còn 3% pin.
May mắn thay, trong lúc đang loay hoay, 3 mẹ con được 2 người đàn ông đi qua giúp đỡ.
Sau 2 ngày ở lại Thừa Thiên - Huế, 3 mẹ con tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, thời tiết miền Bắc bắt đầu có không khí lạnh, mưa phùn và biển xấu.
Bởi vậy, chuyến đi dự tính 60 ngày kết thúc ở ngày 34 với nhiều tiếc nuối. Nhưng 3 mẹ con đều mừng khi đoàn tụ với bố ở Hà Nội.
Từ đầu tháng 5, con trai 5 tuổi của chị Hà bắt đầu đi học lại. Thời gian bé được nghỉ, vợ chồng chị thường xuyên đưa các con ra ngoài, tham gia các hoạt động thể chất như cắm trại, leo núi, bơi lội,...
"Chúng tôi muốn đưa con đi nhiều nơi, tạo điều kiện cho bé trực tiếp học hỏi từ những trải nghiệm thực tế. Thời gian tới, cả nhà sẽ tranh thủ khám phá hết miền Bắc, vừa đi du lịch, vừa giúp con mở mang hiểu biết về lối sống, văn hóa mới khác với trong Nam", chị nói.
Tiếc nuối vì chuyến đi kết thúc sớm hơn dự kiến, gia đình Đỗ Hà tiếp tục lên kế hoạch du lịch các địa điểm nổi tiếng ở miền Bắc. |
Ngoài ra, vợ chồng chị Hà cũng dự tính cuối năm, khi chuyến công tác của chồng kết thúc, cả gia đình lại “phượt” từ Bắc quay trở về Nam.
“Chuyến đi vừa rồi khá yên bình và nhẹ nhàng, cũng may các con không ốm sốt lần nào. Lần trở về TP.HCM tới với sự góp mặt của bố, chắc chắn sẽ có thêm nhiều kỷ niệm đáng quý hơn. Chúng tôi dự định tìm hiểu các cung đường khác để tham quan, gặt hái được nhiều trải nghiệm mới lạ hơn”, chị bày tỏ.
Rèn luyện kỹ năng tự học cho con
Tác giả sách Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học, TS Nguyễn Thị Thu, cho rằng trẻ cần có mục tiêu để tạo động lực học tập. Phụ huynh nên tìm hiểu, quan sát sở thích của con, rồi lồng ghép những hoạt động tìm hiểu khám phá kiến thức trong những sở thích đó để nuôi dưỡng sự tìm tòi nghiên cứu trong con. Ngoài ra, đọc sách là một cách hay và lành mạnh để trẻ tiếp nạp kiến thức.