Sáng nay, Quỹ phát triển Sử học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tuyên dương, khen thưởng 133 học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba môn Lịch sử, tại Văn miếu - Quốc tử giám, Hà Nội.
Nhìn theo con lên nhận thưởng, chị Nguyễn Thị Thanh (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa), cho biết: Khi con trai thi đỗ chuyên Sử, chị và gia đình rất "sốc". Người mẹ này kiên quyết không cho con nhập học. Nhưng khi nghe con trai thuyết phục sẽ phấn đấu đoạt giải quốc gia để vào thẳng Học viện An ninh, chị Thanh mới ủng hộ.
"Tôi luôn nghĩ, con học chuyên Sử sau này không có nhiều lựa chọn thi đại học. Nếu học đại học, cháu biết làm nghề gì khi ra trường", chị Thanh chia sẻ.
Nỗi lo của chị Thanh cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh và học sinh khác. Nhiều học sinh không chọn học và thi môn Lịch sử vì cho rằng không hấp dẫn, trong đó có cả sách giáo khoa.
Lễ tuyên dương những học sinh đoạt giải quốc gia môn Lịch sử sáng 22/4 tại Hà Nội. |
Nguyễn Phan Huyền Anh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An), giành giải nhất, tâm sự: Nếu học Sử mà chỉ theo sách giáo khoa thì không đủ kiến thức và chưa hấp dẫn. Kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử hiện tại nhiều nhưng chưa được tinh lọc. Nhiều sự kiện, con số, ngày tháng làm khó học sinh.
"Các cuộc chiến đấu được ghi lại trong sách giáo khoa thường chỉ nhắc tới chiến thắng của quân ta mà không nói đến tổn thất. Những tổn thất xương máu ông cha để lại, dù bi thương, cũng rất cần biết để từ đó 'thấm' hơn ý nghĩa của chiến thắng", Nguyễn Phan Thảo Uyên, học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Bắc Giang, giành giải nhất, nói.
Bên cạnh đó, nhiều kiến thức mới chưa được cập nhật trong sách giáo khoa. Sự kiện mới nhất trong sách là năm 2.000. Vấn đề về chiến tranh biên giới, hải chiến Hoàng Sa, vấn đề Trường Sa cũng chưa có hoặc rất ít.
Thảo Uyên cho biết: "Khi ôn thi học sinh giỏi quốc gia, chúng em phải tự tìm hiểu trên mạng, qua tivi, các nguồn thông tin khác và hướng dẫn của giáo viên. Em nghĩ những kiến thức đó rất cần được chuẩn hóa trong sách để không chỉ học sinh giỏi Sử quan tâm tìm hiểu, mà tất cả học sinh cũng phải được biết".
Theo nữ sinh này, đó là lịch sử, cội nguồn dân tộc, là những cuộc chiến bằng máu xương của ông cha ta bảo vệ hòa bình. Vì vậy, thế hệ trẻ rất cần được biết qua những nguồn chính thống.
Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, khối ngành khoa học xã hội nói chung, môn Sử nói riêng, rất khó xin việc. Không chỉ ở Việt Nam, các nước khác trên thế giới, môn khoa học tự nhiên, kinh tế cũng được lựa chọn nhiều hơn khoa học xã hội.
Học sinh không chọn Lịch sử để thi vì còn liên quan nghề nghiệp sau này. Các ngành thuộc khoa học xã hội thường bị đánh giá thấp, ít cơ hội việc làm, thậm chí bị coi thường nên ảnh hưởng đầu ra của người học.
“Đây là một sự lãng phí. Học Sử rất khó xin việc, nếu có toàn việc lương thấp. Là giáo viên nói chung, lương đã thấp, giáo viên dạy Sử càng thấp hơn. Nếu không khá về kinh tế, làm giáo viên môn Sử khó yên tâm dạy học, khi chính sách tiền lương thấp”, PGS Nghiêm Đình Vỳ nêu quan điểm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, Lịch sử không phải ngành khoa học tạo ra các sản phẩm cụ thể, mà là ngành khoa học hình thành phẩm chất, tính cách của mỗi công dân. Vì vậy, học sinh THPT thi Sử nhưng có thể lựa chọn nhiều ngành khác nhau để sau này lập nghiệp, không nhất thiết chỉ theo môn này.
“Trong bối cảnh môn Lịch sử hiện nay, tôi cho rằng, việc các em thi học sinh giỏi Sử rồi chọn ngành nào đó để học là hoàn toàn hợp lý. Vì thực tế, đầu ra của ngành Sử không nhiều”, ông Dương Trung Quốc nói.
Trao thưởng 133 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia Lịch sử
Ngày 22/4, 133 học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba môn Lịch sử được Quỹ phát triển Sử học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tuyên dương, khen thưởng. Trong đó, 6 giải nhất, 59 giải nhì, 68 giải ba.
Giải Nhất thuộc về các trường THPT chuyên Bắc Giang, chuyên Tuyên Quang, chuyên Phan Bội Châu, chuyên Võ Nguyên Giáp.
Từ năm 2012 đến nay, Quỹ Phát triển sử học Việt Nam trao phần thưởng cho 897 em, trong đó có 29 giải nhất, 228 giải nhì, 380 giải ba và 260 giải khuyến khích.