Bác sĩ Nguyễn Minh Đức (Bệnh viện Việt Pháp) cho biết ông khá bất ngờ khi quan sát cháu nấu cháo cho con vì mắc nhiều sai lầm tai hại. Đó chính là lý do bé con 11 tháng nhưng chỉ nặng 7 kg, suy dinh dưỡng cấp độ II, biếng ăn, còi cọc, mỗi ngày chỉ uống 300 ml sữa. Bữa nào, bé cũng bỏ thừa dù mẹ vẫn chịu khó xay nấu, đổi món cho con.
Dưới đây là các sai lầm khi nấu cháo cho con, các chị em nên rút kinh nghiệm:
Mẹ nấu cháo sai cách khiến trẻ suy dinh dưỡng. Ảnh: MNS. |
Đổ thêm nước lạnh khi đang ninh xương
Đây là lỗi rất phổ biến nhiều mẹ mắc. Trong thịt, xương chứa nhiều protein và chất béo, khi đang đun nấu với nhiệt độ cao mà đổ thêm nước lạnh vào sẽ khiến các chất này nhanh chóng kết tủa, khiến cho thịt, xương cũng khó nhừ, dinh dưỡng và mùi vị đều bị biến đổi và giảm chất lượng.
Do đó, các mẹ nhớ tuyệt đối không chế nước lạnh vào nồi xương, thịt đang ninh.
Nêm nhiều gia vị khi con bắt đầu ăn dặm
Trẻ bắt đầu tập ăn dặm nghĩa là bắt đầu học khái niệm thực phẩm từ nguyên bản, và do thận trẻ còn non nên hạn chế gia vị ngay từ thời gian đầu là cần thiết. Vị mặn, ngọt tự nhiên trong thịt, rau củ là đủ dùng mà không hại bé. Tới giai đoạn 9-11 tháng, mẹ có thể nên nêm thêm một chút ít gia vị vào.
Đối với trẻ nhỏ, không nên cho thêm mắm, muối vào thức ăn của trẻ, vì hai quả thận của trẻ vẫn còn yếu. Nêm mắm, muối vào thức ăn sẽ khiến thận của trẻ phải làm việc quá sức gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.
Khuấy đảo thức ăn trong nồi liên tục
Khuấy đảo thức ăn liên tục không chỉ khiến đồ ăn dễ nát, nhũn mà còn làm giảm giá trị dinh dưỡng. Hơn nữa, đồ nát quá sẽ khiến món ăn kém hấp dẫn, làm bé chán ghét và gây bất lợi cho sức khoẻ của bé.
Cho sữa vào cùng lúc với thực phẩm khác
Nếu các mẹ muốn thêm sữa vào các món cháo, súp, cho đồ ăn dặm của bé thêm phần béo, ngậy và giàu dinh dưỡng, hãy nhớ rằng không nên nấu sữa quá lâu và nấu sôi nhiều lần, làm protein trong sữa bị phân rã và vitamin bị phá hủy. Tôt nhất là nên nấu các thực phẩm khác như bột, gạo, rau trong nước trước, sau đó mới đổ sữa vào, đun tiếp đến sôi và bắc ra ngay để bảo toàn lượng dinh dưỡng từ sữa cho bé.
5 nguyên tắc ăn dặm đúng cách giảm biếng ăn ở trẻ
Để trẻ trong độ tuổi ăn dặm “nói không” với chứng biếng ăn, phụ huynh cần nắm được các nguyên tắc sau:
- “Từ ngọt đến mặn”: Khi bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm, thường bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên vì mùi vị “tương tự” với sữa mẹ. Sau khi làm quen với bột ăn dặm ngọt, mẹ dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.
- “Từ ít đến nhiều”: Để luyện tập cho hệ tiêu hóa của trẻ thích ứng dần với lượng và thành phần thức ăn ngày càng phong phú. Cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần, cụ thể như tháng đầu nên cho ăn 1-2 muỗng bột mỗi lần rồi tăng dần lên 1/3 chén, nửa chén… sẽ đảm bảo sự tiêu hóa và cung cấp đầy đủ năng lượng - dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ.
- “Từ loãng đến đặc”: Cần ghi nhớ để quá trình ăn dặm của trẻ luôn được “suôn sẻ”, đây là nguyên tắc giúp trẻ không bị “phản ứng” khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của trẻ có thể bắt nhịp kịp với quá trình tiêu hóa những thức ăn phức tạp hơn.
- “Tô màu chén bột”: Nghĩa là bột ăn dặm của trẻ cũng đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng giúp trẻ phát triển tốt. Nhóm bột đường bao gồm gạo, bột mỳ, bánh mỳ, bún, phở, ngô, khoai… Nhóm đạm bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu/đỗ khác… Nhóm chất béo bao gồm dầu, mỡ, bơ, pho mát và các loại hạt có dầu. Nhóm vitamin và khoáng chất bao gồm rau củ và các loại trái cây tươi.
- “Không ép trẻ ăn”: Khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ tạm ngưng việc ăn dặm một thời gian 5-7 ngày rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.