![]() |
Chị Mỹ Linh ôm con trai 5 tháng tuổi đang chống chọi với biến chứng của sởi. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Sáng sớm tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nơi giường bệnh nhỏ xếp chật kín, chị Mỹ Linh (27 tuổi, Tân Phú) ôm con trai 5 tháng tuổi bước dọc hành lang.
Hơn một tuần qua, bà mẹ trẻ luôn túc trực ở đây, chăm sóc cậu bé đang chống chọi với biến chứng viêm phổi do sởi. Đứa trẻ là niềm vui lớn của gia đình, giờ đây bỗng yếu ớt, mỗi nhịp thở là một thử thách.
Chống chọi với biến chứng sởi
Trong 3 ngày nhập viện, con trai chị Linh sốt cao không dứt, những nốt ban đỏ chi chít khắp người khiến bé quấy khóc không ngừng. Nhìn con đau đớn, chị Linh cảm thấy tim mình như thắt lại.
Trước đó, chị mắc sởi vì chưa tiêm vaccine, và chỉ một tuần sau, con trai nhỏ bắt đầu ho, sốt cao, rồi nổi ban. Đến khi đưa con đến bệnh viện, chị mới biết mình đã vô tình lây bệnh cho con. Chị Linh tự trách bản thân, day dứt vì sự thiếu hiểu biết và chủ quan đã khiến con trai phải chịu đựng.
“Nếu tôi không chủ quan và hiểu rằng tiêm phòng quan trọng đến vậy, con tôi đã không phải nằm đây”, người mẹ nghẹn ngào chia sẻ.
Chị Linh quê ở Đồng Tháp, lên TP.HCM làm thuê với công việc bấp bênh, thu nhập ít ỏi, không có điều kiện tìm hiểu kỹ về các loại vaccine. Khi thấy con có triệu chứng giống cảm cúm, chị chỉ nghĩ đó là ốm vặt, không ngờ đó là dấu hiệu của bệnh sởi.
Đến khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi và viêm kết mạc - biến chứng nguy hiểm từ sởi. Những ngày qua, chị Linh gần như thức trắng để chăm sóc con, lo lắng và sợ hãi. Nhìn con quấy khóc, chị càng tự trách mình vì sự chủ quan.
Nhiều tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện với các biến chứng của sởi.
Bên trong khu cách ly, chị Phương (39 tuổi, TP.HCM) đang nhẹ nhàng lau người cho con trai 6 tuổi. Chị đưa con đến bệnh viện khi bé phát ban toàn thân, dấu hiệu nghiêm trọng khiến cả gia đình lo lắng.
![]() |
Chị Phương lau mình cho trai 6 tuổi bị sởi. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
"Con sốt liên tục 3 ngày, tôi đã mua thuốc nhưng không khỏi. Đến ngày thứ 4, thấy con nổi ban khắp người, tôi vội đưa đến bệnh viện", chị Phương kể lại.
Qua chia sẻ, chị Phương cho biết cả ba đứa con của mình đều chưa được tiêm phòng sởi do gia đình bận đi làm.
![]() |
Những đứa trẻ bị sởi phải nhập viện đều gặp những biến chứng như viêm phổi, viêm ruột, thậm chí nhiễm trùng máu. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Trong khi đó, tại khoa Hồi sức nhiễm, chị Thư (30 tuổi, Hậu Giang) đang túc trực bên con trai 10 tháng tuổi. Bé đã điều trị gần hai tuần, nhưng tình trạng vẫn rất nặng do biến chứng viêm phổi bội nhiễm.
Trẻ được chuyển từ Cần Thơ lên TP.HCM khi bị nhiều biến chứng của sởi như viêm phổi, khó thở. Bé đang thở máy, điều trị kháng sinh và được hỗ trợ đặc biệt.
Trong số gần 100 trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, có nhiều ca nặng phải thở máy, CPAP (thở áp lực dương liên tục). Trong đó, có 90% bệnh nhi được chuyển đến từ các tỉnh như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre.
Nguy cơ dịch chồng dịch
Trước tình hình dịch sởi vẫn còn phức tạp sau một năm bùng phát, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết đến 80% các ca sởi nhập viện có biến chứng, trong đó phổ biến nhất là viêm phổi, viêm ruột, viêm tai giữa, nhiễm trùng máu.
![]() |
Bệnh nhi mắc sởi được cách ly ở khu vực riêng. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Có ba nguyên nhân khiến ca sởi vẫn chưa giảm, nhiều ca nặng phải nhập viện là trẻ chưa được tiêm vaccine sởi, trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine nhưng bị lây từ người khác và phụ huynh không cho trẻ tiêm vaccine.
Trong bối cảnh dịch vẫn sởi diễn biến phức tạp, bác sĩ Quy cho rằng việc tiêm phòng vaccine sởi cho trẻ em là vấn đề cấp bách. Trẻ có những biểu hiện ho, sổ mũi không phải là chống chỉ định của tiêm vaccine.
"Những chiến dịch tiêm chủng cần được triển khai thêm ở những cơ sở chăm sóc trẻ em như mẫu giáo, cô nhi viện, mái ấm... nơi có những trẻ dễ bị bỏ sót", bác sĩ Quy nói.
Bên cạnh đó, tình hình số ca bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng đang có chiều hướng gia tăng. Nếu không phản ứng nhanh, bác sĩ Quy nhận định khả nặng dịch chồng dịch sẽ xảy ra. Có những ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện sớm, nhưng vẫn gặp biến chứng nặng. Chứng tỏ bệnh sốt xuất huyết có khả năng diễn biến phức tạp trong năm nay, cần chủ động phòng chống trước.
Các nhóm nguy cơ cao mắc bệnh sởi là trẻ em có bệnh nền, người già, phụ nữ mang thai, hoặc những bệnh nhân đang điều trị ung thư. Những nhóm người này cần được bảo vệ nghiêm ngặt trước dịch sởi, nếu mắc bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.