Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) vừa tiếp nhận trường hợp bé H.V.H. (11 tuổi, đến từ Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng đứt rời hoàn toàn đốt xa ngón 2 tay phải.
Mẹ của H. kể lại tai nạn xảy ra khi bé bổ bưởi. "Khi tôi đang ngồi trong nhà, cháu chạy thẳng vào, hoảng hốt kêu lên 'Mẹ ơi con mất ngón tay rồi'. Tôi vội vàng đưa cháu đến bệnh viện huyện", người mẹ kể lại.
Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện huyện, H. được chuyển thẳng lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật cấp cứu trồng lại ngón tay đứt rời cho bệnh nhi.
Ngày thứ 4 sau mổ, ngón tay hồng ấm và đang hồi phục. Ảnh: BVCC. |
Theo BS.TS Đào Văn Giang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đứt rời đốt xa ở trẻ em là tổn thương hiếm gặp và khó khắc phục do mạch máu rất nhỏ. Kíp mổ đã phải tiến hành nối gân, nối xương, nối thần kinh và mạch máu kích thước chỉ từ 0,4-0,5 mm.
Các bác sĩ phải dùng những sợi chỉ phẫu thuật nhỏ hơn sợi tóc để khâu nối, đảm bảo mạch máu lưu thông, hồi sinh chi thể đứt rời cho người bệnh. Bệnh nhi được khâu nối một động mạch và một tĩnh mạch bằng kỹ thuật vi phẫu. Sau 4 giờ, ca phẫu thuật diễn ra thành công, giúp nối lại ngón tay cho bệnh nhi, đầu chi hồng ấm và có dấu hiệu phục hồi tốt.
Những ngày nằm điều trị hậu phẫu, bé H. cười rất tươi, không còn cảm thấy đau đớn. Khi bị đứt rời ngón tay, H. rất sợ hãi và lo lắng vì chỉ còn một môn thi nữa là hoàn thành kỳ thi để lên cấp 2.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình -Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho hay khoa thường xuyên tiếp nhận những ca tai nạn sinh hoạt hy hữu đứt rời chi thể ở trẻ em. Các bác sĩ khuyến cáo trẻ em thường hiếu động, phụ huynh nên chú ý để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc, ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của trẻ.