Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mẹ ơi, con muốn đi học'

Bước đi, Trúc nói to với mẹ: “Con ráng bán vé số để dành tiền, mai mốt mẹ cho con đi học nghe mẹ!”, rồi cô bé cắm cúi đi tiếp.

17h30. Trận mưa kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ vẫn chưa tạnh hẳn. Khu nhà trọ trên đường Lộ Tập Đoàn, phường 5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngập lênh láng. 

Vừa thấy mẹ đi làm về, em Huỳnh Thị Trúc (12 tuổi) liền chộp xấp vé số rồi lội bì bõm ra đường. Chị Trần Thị Phúc (48 tuổi, mẹ của Trúc) đứng nhìn theo con, đôi mắt đỏ hoe.

Chị Phúc kể chị có hai đứa con. Con trai lớn năm nay đã 27 tuổi, bị tai nạn lao động chấn thương cột sống nhưng không có tiền phẫu thuật, hiện đang sống một mình dưới quê (xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Gần ba năm trước chồng chị bỏ nhà đi theo tình mới. Một năm sau cuộc sống của ba mẹ con rơi vào túng thiếu, chị Phúc quyết định bán hai công ruộng được 100 triệu đồng lấy vốn làm ăn.

Cậu bé học trên hè phố đổi đời nhờ bức ảnh trên mạng

Một cậu bé vô gia cư ở Philippines vừa nhận học bổng cùng nhiều viện trợ khác, sau khi bức ảnh cậu học trên hè phố cạnh cửa hàng McDonald lan truyền trên mạng.

Năm đó Trúc đang học lớp 5. Vừa mới thi học kỳ 1 xong Trúc phải nghỉ học hẳn theo mẹ xuống TP Mỹ Tho thuê mặt bằng mở quán bình dân kiếm sống. Không có kinh nghiệm buôn bán nên chẳng bao lâu quán của chị Phúc đóng cửa vì cụt vốn. Không còn tiền, lại không có người thân nơi đất khách quê người, nên Trúc không thể tiếp tục đi học mà phải cùng mẹ đi bán vé số kiếm sống.

Chị Phúc bị bệnh khớp và sỏi thận nên không thể đi bộ nhiều, phải xin làm cho một quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo, TP Mỹ Tho với mức lương 2,6 triệu đồng/tháng.

Còn Trúc hằng ngày vẫn đi bán vé số từ sáng đến tối, kiếm tiền phụ mẹ và gửi về cho anh trai chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày Trúc bán được 60 tờ vé số, tiền lời 60.000 đồng. Trúc chỉ dám trích ra 10.000 đồng/ngày để ăn uống buổi trưa vì mẹ đi làm không nấu cơm.

Mặc dù cuộc sống túng thiếu nhưng chưa bao giờ Trúc chịu từ bỏ giấc mơ đi học của mình. Trúc kể hồi học ở Trường tiểu học xã Thạnh Lộc em học rất giỏi, đoạt giải thi vở sạch chữ đẹp nữa. Hằng ngày đi bán vé số trong nội ô TP Mỹ Tho, Trúc thường lân la đến cổng trường tiểu học Thiên Hộ Dương trên đường Ấp Bắc, đứng nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng trong sân trường. Trúc cứ đứng vậy đến hết giờ ra chơi mới đi bán vé số tiếp.

Cũng vì quá mơ ước được đặt chân vào trường này học lại nên thỉnh thoảng có người hỏi thăm Trúc đều bảo... đang học lớp 5 ở đây. Biết nói dối là không tốt nên chiều về Trúc đều kể lại, xin lỗi mẹ và khóc.

Chị Phúc kể tiếp: “Trúc hay nói với tôi rằng: Mẹ ơi, con muốn đi học! Mấy tháng trước có một người khách mua vé số hứa sẽ giúp đỡ để cháu nó trở lại trường. Nghe vậy Trúc mừng lắm, kêu tôi để dành tiền mua đồng phục, sách vở nữa. Nhưng Trúc chờ hoài không thấy người này nói gì thêm nên tự biết là không được và buồn lắm”.

Gần đây, một mạnh thường quân tặng quà học sinh nghèo thấy Trúc thích đi học nên đã cho cô bé một số tập sách, bút mực. Thế là sau những giờ lang thang bán vé số, Trúc lại miệt mài đọc và vẽ. Không có tiền lại đi làm suốt ngày, và phần vì không biết hỏi ai để xem con mình có được đi học lại không, thủ tục ra sao nên chị Phúc thường im lặng khi Trúc nhắc chuyện đi học. Mỗi lần như vậy trái tim người mẹ lại đau nhói, nước mắt chực trào ra.

Nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện cho Trúc vào học lại

Chúng tôi đã đem câu chuyện này kể cho cô Tô Thị Bảy (hiệu trưởng Trường tiểu học Thiên Hộ Dương, phường 5, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) nghe với mục đích tìm giải pháp giúp Trúc được đi học lại, dù là phổ cập.

Theo cô Bảy, năm nay 12 tuổi thì Trúc vẫn có thể học lớp 5 được. Nhà trường sẵn sàng tiếp nhận, tạo điều kiện cho Trúc vào học nếu Phòng Giáo dục và đào tạo TP Mỹ Tho đồng ý.

Trước mắt, mẹ của Trúc phải về quê rút hồ sơ ở trường tiểu học mà em đã học trước đó, và xin chuyển về trường trên địa bàn mà hai mẹ con đang tạm trú tại TP Mỹ Tho. Các thủ tục tiếp theo nhà trường sẽ hướng dẫn.

Nghe thông tin này, Trúc mừng rỡ: “Em đi học một buổi, còn một buổi sẽ đi bán vé số kiếm tiền đi học”. Còn chị Phúc quay mặt đi buông tiếng thở dài: “Nghe nói tiền học nhiều lắm, không biết có lo nổi không nữa...”.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150918/me-oi-con-muon-di-hoc/970992.html

Theo Vân Trường/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm