"Ngày hôm nay, nhiều giọt nước mắt đã rơi thay cho lời chào tạm biệt người mẹ, người chiến sĩ dũng cảm Đậu Thị Huyền Trâm. Ngày biết tin mình được làm mẹ, cũng là lúc người phụ nữ 25 tuổi nhận hung tin mắc căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối... Người mẹ từ chối mọi biện pháp điều trị để bảo vệ tính mạng con".
Đó là những lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Ninh - giáo viên THCS Nguyễn Trung Trực, Hà Nội - viết tặng thiếu úy công an Đậu Thị Huyền Trâm (sinh năm 1991, TP Hà Tĩnh), người mẹ ung thư từ chối điều trị để con được sống, vừa qua đời ngày hôm 27/7.
Tiếp mạch cảm xúc của mình, nữ giáo viên viết: Làm sao cầm được nước mắt khi nghĩ đến người mẹ trẻ mảnh mai, gầy yếu, cơ thể nối nhiều thiết bị y tế, khó thở, chỉ ngủ khoảng 2 tiếng mỗi ngày, nhưng vẫn kiên trì chiến đấu vì đứa con trong bụng.
"Có 2 con, chị hiểu cảm giác đau đớn khi trải qua giây phút sinh đứa con yêu thương. Đó là chị còn có đầy đủ các loại thuốc gây tê hỗ trợ. Vậy mà em, cô gái nhỏ, lại phải mổ bắt thai khi đang ngồi, với hai y tá đỡ hai bên lưng, một bác sĩ cúi ngang bàn để mổ lấy thai. Vì cơn bệnh, em không thể gây mê, không dám tiêm thuốc an thần. Suốt thời gian của ca mổ, em gần như tỉnh táo và cảm nhận được sự đau đớn qua mỗi vết dao".
Chị Ninh viết trên mạng với một sự khâm phục: "Em giỏi quá Trâm ơi! Chỉ có sức mạnh của người mẹ mới có thể làm được như vậy. Em vẫn chưa được bồng bế bé Gấu, chưa được hít hà mùi hương con trẻ ngọt ngào của bé. Bé Gấu cũng chưa được bú sữa mẹ, không biết đến những giây phút được ngủ say trong lòng mẹ, hay nũng nịu chui vào ngực mẹ khóc òa. Chị thương em, thương con sao cho hết".
Đậu Thị Huyền Trâm là một chiến binh dũng cảm. |
Chỉ có mẹ mới đủ sức mạnh đến thế
Vài ngày trước câu chuyện của chị Trâm, mạng xã hội chia sẻ về người mẹ đơn thân mắc bệnh tim, chấp nhận hy sinh tính mạng để con được sống. Nguyễn Thị Bé Thủy (22 tuổi, Cái Răng, Cần Thơ) bị hở van tim ba lá, nên khi cô mang bầu, bác sĩ tư vấn bỏ thai. Thế nhưng, Thủy quyết định "chết cũng giữ con".
Thân hình vốn nhỏ bé chỉ nặng ngoài 40 kg, người phụ nữ mang bầu thỉnh thoảng tức ngực, khó thở vì bệnh tim. Khi vừa bước sang tháng thứ tám, Thủy thấy cơ thể mệt mỏi, toàn thân phù nề, bác sĩ phải mổ bắt con.
Bé gái ra đời do sinh non chỉ nặng 1,2 kg nhưng khuôn mặt xinh xắn, tay chân đủ đầy. Thủy cố vắt từng giọt sữa cho con bú nhưng sức lực mỗi lúc một yếu dần. Ở cùng con hơn 10 ngày, người mẹ trẻ ra đi.
Người dân Bình Định cũng không thể quên câu chuyện của bà mẹ ung thư nhận cái chết để con được sinh ra. Sau hơn 10 năm mong mỏi đứa con, chị Nguyễn Thị Thu Hiền nhận tin một sinh linh đang hình thành trong bụng, đồng thời chị mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn ba.
Hy vọng duy nhất cứu sống chị là phẫu thuật cắt bỏ hai bên ngực và nạo thai để áp dụng phương pháp hóa chất trị liệu. Mặc hai bên gia đình khuyên nhủ, người mẹ nhất mực van xin giữ lại núm ruột thân yêu của mình.
Những cơn đau ngày càng giày vò thân thể tiều tụy nhưng chị vẫn gắng gượng vượt qua. Khi thai nhi sang tháng thứ sáu, hai mắt chị bị mù, đôi chân liệt không thể đi lại, sinh hoạt hàng ngày đều nhờ sự giúp đỡ từ những người thân trong gia đình.
Sức khỏe yếu dần, chị năn nỉ người nhà đưa đến bệnh viện để phẫu thuật, đón con thơ bé bỏng vừa tròn 8 tháng trong bụng mẹ, nặng gần 1,8 kg.
Song bất hạnh vẫn chưa buông tha người phụ nữ ấy. Đang chăm sóc con vừa tròn tháng tuổi, chồng chị bị sốt ác tính và viêm não, khó qua khỏi. Mẹ mắc ung thư giai đoạn cuối, bố viêm não nằm đó, cô bé Nguyễn Thị Cẩm Tú - cái tên khá đẹp mà vợ chồng chị Hiền đặt cho con gái yêu của mình - vừa ra đời đã chuẩn bị rơi vào cảnh mồ côi.
Bé Như Ý đã được mẹ từ chối chữa bệnh tim để sinh ra đời. |
Một trường hợp khác cũng làm nhiều người rơi nước mắt. Điều ước thứ 7 phát sóng ngày 11/4/2015 khiến nhiều người rơi nước mắt vì tình mẫu tử thiêng liêng. Chị Hoàng Thị Yên (sinh năm 1981, Hoài Đức, Hà Nội) bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối khi mang thai tháng thứ năm.
Quyết định không sử dụng hóa chất trị liệu, chị hy sinh đôi mắt để giữ lại sinh linh bé bỏng. Mang thai đến tháng thứ bảy cũng là lúc căn bệnh ung thư gây ảnh hưởng thị giác.
Khi lên bàn mổ, thuốc gây mê khiến chị mất khả năng nhìn thấy ánh sáng. Qua những đau đớn, em bé Hoàng Cẩm Tú chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ hòa của cả gia đình.
Mong con hãy sống thay phần của mẹ
Vậy là bé Gấu của Huyền Trâm đã đến với cuộc sống thật an lành. Con chưa thể tự thở và tự ăn, nhưng sức khỏe đã khá lên từng ngày. Trước khi qua đời, mẹ bé được đến thăm và trò chuyện cùng con. Dường như có sợi dây kết nối của tình mẫu tử, khi nghe thấy tiếng mẹ, đứa bé vẫn đang phải nằm trong lồng kính đã tỉnh dậy, òa khóc.
Trong những ngày nằm viện, bác sĩ nhiều lần "chuẩn bị tư tưởng" cho Trâm và gia đình, nhưng người phụ nữ vẫn quả quyết: "Nếu con em sinh ra khỏe mạnh, nó sẽ tự 'chiến đấu' với đời".
Trong khi đó, con gái của Nguyễn Thị Bé Thủy đang ở với ông bà ngoại, được đặt tên Như Ý. Những người hàng xóm bảo "khi lớn lên, nghe kể lại câu chuyện cổ tích của đời mình, con sẽ phải sống thật tốt để đền bù phần nào sự hy sinh như biển rộng mà mẹ gánh chịu".
Những ngày này, từ trên giường bệnh, chị Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn đang vật vã chống chọi cơn đau, cùng lời nguyện cầu: "Mong trời thương xót cho mắt con sáng trở lại để nhìn con lần nữa".
May mắn hơn những người mẹ khác, chị Hoàng Thị Yên trải qua 9 tháng ròng rã với 2 đợt xạ trị và 6 đợt truyền hóa chất, tế bào ung thư trong người đã không còn. Chị Yên sống sót một cách thần kỳ, dù bị mất đi ánh sáng của đôi mắt do khối u chèn ép dây thần kinh đến mức không phục hồi được nữa.
Lời tâm sự của chị khiến nhiều người nghẹn ngào: “Nếu giữ lại đứa con, lúc đó sẽ nguy hiểm tới tính mạng của tôi. Nhưng không, tôi làm sao có thể giết con mình được, dù có phải lìa xa cõi đời, cũng phải để con được sống”.
Nhà văn trẻ Minh Nhật mới đây chia sẻ trên trang cá nhân một bài viết nhận được gần 7.000 like (thích). Anh viết: "Vậy đó, có nhiều bà mẹ vĩ đại khác trên đời này. Những người sẽ yêu con họ nhất. Còn bạn? Sẽ chỉ có mẹ yêu thương bạn nhất mà thôi. Và bạn không có cách gì để thay đổi điều đó".
Nhà văn trẻ cho rằng: "Bạn có thể xấu xí hoặc xinh đẹp, giàu hoặc nghèo, béo hoặc gầy, thành đạt hoặc thất bại. Bạn có thể đi theo con đường mà mẹ bạn muốn, hoặc tự làm điều mình thích. Bạn có thể trở thành tiến sĩ, giáo sư giảng dạy tại một trường đại học danh tiếng, hoặc mở tiệm xăm nhỏ nằm khuất trong tòa chung cư cũ...
Bạn có thể giống hoặc không giống những gì mẹ bạn tưởng tượng ra, có thể là tốt hoặc xấu - theo định nghĩa vô chừng của cái xã hội này - nhưng nó sẽ không thay đổi được việc mẹ bạn vẫn sẽ yêu bạn một cách vô điều kiện. Tôi nghĩ điều này không cần ví dụ, không cần chứng minh, chỉ cần bạn tự cảm nhận được trong lòng".
Chị Huyền Trâm, Bé Thủy, Thu Hiền cũng như Hoàng Thị Yên là một số trong những người mẹ vĩ đại ở khắp mọi nơi. Những người luôn cố gắng, bằng mọi cách, cho con điều tuyệt vời và tốt đẹp nhất trên đời.