Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), bệnh nhân là N.T.N., nữ, 46 tuổi, trú tại Thanh Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh, nhập viện ngày 16/4 trong tình trạng mệt mỏi, da vàng.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu viêm gan cấp, men gan cao gấp 53 lần ngưỡng cho phép kèm theo rối loạn đông máu, đường máu tăng.
Chai rượu ngâm lá được bệnh nhân mua và uống để chữa đau bụng. Ảnh: BVCC. |
Trước đó khoảng một ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau bụng nhưng không đi khám. Sau khi nghe người quen mách, bà N. mua và sử dụng một lượng nhỏ loại rượu ngâm lá cây để điều trị.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã điều trị tích cực cho người bệnh với các phương pháp hỗ trợ tế bào gan, tăng thải độc gan... Sau 3 ngày điều trị nội khoa, hiện các triệu chứng lâm sàng và chỉ số của bệnh nhân dần ổn định.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thúy Hằng, khoa Nội Tiêu hóa, nhận định: "Hiện nay, nhiều người vẫn có tâm lý chủ quan, ngại đến bệnh viện kiểm tra nên thường tìm tới các loại thuốc nam, lá cây ngâm, rượu ngâm để chữa bệnh. Tuy nhiên, các trường hợp này thường không chữa khỏi mà đa phần diễn biến nặng hơn, thậm chí xuất hiện biến chứng gây khó khăn trong điều trị".
Do đó, bác sĩ Hằng khuyến cáo người dân tránh tự ý mua và sử dụng các loại thuốc nam, đông y, rượu ngâm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng về y học.
"Mỗi loại thuốc đều được chỉ định cụ thể tùy từng trường hợp. Việc sử dụng quá liều có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân", vị chuyên gia này nhấn mạnh.