Chúng ta đều nhận thức được tác hại của rượu gây ra cho gan. Trong đó, một trong những tác hại là gây tích tụ chất béo trong gan, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ (máu nhiễm mỡ).
Tuy nhiên, có hai loại bệnh gan nhiễm mỡ - bệnh gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu. Trong khi nguyên nhân trước là sử dụng rượu nặng, vấn đề sau lại không liên quan việc uống rượu.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là gì?
Theo Cổng thông tin Y tế Quốc gia của Ấn Độ (NHP), bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là nguyên nhân hàng đầu của các bệnh gan mạn tính trên toàn cầu. NAFLD ảnh hưởng đến khoảng 25% dân số trưởng thành, từ 13,5% ở châu Phi đến 31,8% ở Trung Đông.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết NAFLD là tình trạng lượng mỡ dư thừa tích tụ trong gan. Vấn đề này thường gặp ở người thừa cân hoặc béo phì.
NAFLD giai đoạn đầu thường không gây ra bất kỳ tác hại nào, nhưng nó có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm cả xơ gan nếu tiến triển nặng.
Mức độ chất béo cao trong gan cũng liên quan việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn bệnh tiểu đường, huyết áp cao và bệnh thận. Nếu bạn đã mắc bệnh tiểu đường, NAFLD làm tăng cơ hội phát triển các vấn đề về tim.
Người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Ảnh: News18. |
Triệu chứng phổ biến vào buổi sáng
Theo India Times, một trong những triệu chứng cụ thể của NAFLD có thể đặc biệt xuất hiện vào buổi sáng khi bạn thức dậy là mệt mỏi.
Thông thường, cảm thấy mệt mỏi, uể oải hoặc kiệt sức là điều mà mọi người đều trải qua bất kể có bị bệnh mạn tính hay không. Nhưng các chuyên gia cảnh báo không nên xem nhẹ triệu chứng này, đặc biệt khi nó xảy ra thường xuyên. Nếu bạn thấy mình thức dậy mệt mỏi, như thể chưa ngủ, hãy cho bác sĩ biết về điều đó.
Bên cạnh mệt mỏi, nhiều triệu chứng khác cảnh báo NAFLD, bao gồm khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên bên phải; sưng bụng; lá lách to; vàng da; các mạch máu giãn ngay dưới bề mặt da; sụt cân không giải thích được; lòng bàn tay đỏ.
Nếu xơ gan phát triển, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn như vàng da và mắt; ngứa da và sưng ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng (phù nề).
Ai có nguy cơ?
Trong khi nguyên nhân chính xác của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu vẫn chưa được biết, các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng này phổ biến ở những người bị tiểu đường, suy giáp, mắc hội chứng chuyển hóa và béo phì, đặc biệt trường hợp có nhiều mỡ quanh vùng eo (thân hình "quả táo").
Những người có hàm lượng chất béo cao trong máu, chẳng hạn cholesterol và chất béo trung tính, hoặc bị huyết áp cao dễ mắc bệnh cao hơn. Một số loại thuốc bao gồm corticosteroid và thuốc điều trị ung thư cũng có thể là nguyên nhân khiến người sử dụng mắc NAFLD.
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh này bao gồm người trên 50 tuổi, hút thuốc lá thường xuyên, người kháng insulin.
Người bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có thể cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy vào buổi sáng. Ảnh: Medicalnewstoday. |
Làm gì khi bị NAFLD?
Hầu hết người bị gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ không phát triển bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán mắc bệnh, bạn nên thực hiện các bước để ngăn chặn nó trở nên tồi tệ hơn.
Hiện giới y khoa không có thuốc đặc trị cho NAFLD. Các bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị tình trạng liên quan (huyết áp cao, tiểu đường và cholesterol) hoặc các biến chứng.
NAFLD không phải do rượu gây ra, nhưng uống rượu có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn. Do đó, bạn nên cắt giảm hoặc ngừng uống rượu. Ngoài ra, thực hiện lối sống lành mạnh là cách để quản lý bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu:
- Giảm cân: Bạn nên đặt mục tiêu chỉ số khối BMI từ 18,5 đến 24,9. Giảm hơn 10% trọng lượng hiện tại có thể loại bỏ một số chất béo khỏi gan và cải thiện triệu chứng nếu bạn mắc bệnh này.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên cố gắng thực hiện chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau, protein và carbohydrate, hạn chế tiêu thụ chất béo, đường và muối. Việc chia thành những phần nhỏ thức ăn cũng có thể hữu ích.
- Bạn nên uống nước lọc thay vì đồ uống có ga, nước ngọt.
- Tập thể dục thường xuyên: Bạn nên đặt mục tiêu thực hiện ít nhất 150 phút hoạt động thể chất với cường độ vừa phải, chẳng hạn đi bộ hoặc đi xe đạp, trong vòng một tuần. Tất cả loại bài tập có thể giúp cải thiện NAFLD, ngay cả khi bạn không giảm cân.
- Ngừng hút thuốc: Nếu bạn hút thuốc, việc ngừng thói quen xấu này có thể giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề như đau tim và đột quỵ.