Bệnh thủy đậu có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm phổi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại các di chứng sau này. Ảnh: Hoagmedicalgroup. |
Hơn một tháng kể từ ngày anh Thành Trung (33 tuổi, sống ở TP.HCM) bị lây nhiễm thủy đậu, các vết bóng nước, mẩn đỏ trên da vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
"Vài ngày đầu, tôi thấy cơ thể mệt mỏi, uể oải nhưng không nghĩ là bị thủy đậu. Đến 3-4 ngày sau, trán và 2 cánh tay của tôi bắt đầu nổi mụn nước. Lúc này, tôi thấy ngứa, khó chịu và bất tiện khi sinh hoạt", anh Trung chia sẻ.
Ám ảnh mụn nước thủy đậu
Những triệu chứng của bệnh thủy đậu ngày một khó chịu, anh Thành Trung quyết định tham khảo ý kiến bác sĩ và tự mua thuốc theo đơn có sẵn.
"Tôi bị lây nhiễm từ người đồng nghiệp bị thủy đậu. Vì không có thời gian đến bệnh viện khám, tôi mua thuốc theo đơn của người bạn này. Chính vì điều này khiến tình trạng bệnh của tôi kéo dài hơn", anh Trung kể lại.
Trong lúc tắm, nếu vô tình chà xát cơ thể như ngày thường, khiến mụn nước vỡ ra nên tình trạng nặng thêm. Đến khi bội nhiễm, cả người Trung không còn sức, ớn lạnh, ngứa ngáy và rơi vào ám ảnh căn bệnh này.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ, mùa đông và đầu xuân là thời điểm thuận lợi để virus gây bệnh thủy đậu phát triển. Bệnh không chỉ phổ biến ở trẻ nhỏ, cả người lớn cũng có nguy cơ mắc cao.
Thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng. Bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ vật vừa bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Do đó, thủy đậu được xem là một trong những bệnh dễ lây lan nhất.
Sau khi bị lây thủy đậu từ đồng nghiệp, anh Thành Trung phát hiện nhiều vết mụn nước chi chít trên trán. Ảnh: NVCC. |
Trên cả nước, tình hình bệnh thủy đậu cũng khá phức tạp, bùng phát ổ dịch nhỏ ở một số địa phương.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần thứ 8 và 9, huyện Chương Mỹ ghi nhận một ổ dịch thủy đậu ở trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc. Một ổ dịch khác tại Trường mầm non Đồng Lạc với 22 ca. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 3/3, toàn huyện đã có 129 ca mắc thủy đậu.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ phối hợp các đơn vị liên quan để tổ chức phun thuốc khử khuẩn, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị các ca đã mắc bệnh.
Không chỉ trên địa bàn Hà Nội, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 28/2, toàn tỉnh ghi nhận 32 trường hợp mắc thủy đậu.
Số ca bệnh rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố và có 2 ổ dịch tại huyện Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 15 tuổi, thường xảy ra tại các trường mầm non và tiểu học.
Ngoài ra, những tuần vừa qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu nhập viện điều trị.
Cần làm gì khi bị thủy đậu?
Chia sẻ với Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết thủy đậu là bệnh do virus gây ra, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn.
Bệnh có tính chất lành tính, bệnh nhân thường được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp thủy đậu ở trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mạn tính có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm phổi hoặc để lại các di chứng sau này, thậm chí có thể mất mạng.
Bác sĩ Minh cho hay tùy vào mức độ mắc bệnh, đã được tiêm phòng hay chưa và sức đề kháng của trẻ, các biến chứng có thể xảy ra nhiều hay ít.
Các vết mụn nước chi chít trên vùng da, lưng của một bé trai bị bệnh thủy đậu. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk. |
Theo thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM, nếu phát hiện trẻ phơi nhiễm với bệnh thủy đậu, trường hợp đã mắc bệnh thủy đậu trước đây hoặc đã tiêm phòng, người dân không cần phải lo lắng.
Trong khi đó, người nhạy cảm (chưa từng mắc thủy đậu) được khuyến cáo nên chủng ngừa thủy đậu càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc với virus.
Có bằng chứng cho thấy vaccine giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được tiêm trong vòng 3-5 ngày sau khi phơi nhiễm. Đặc biệt, mức độ hiệu quả của vaccine có thể đạt được 70-100% nếu tiêm trong vòng 72 giờ.
Bác sĩ Minh chia sẻ thêm khi trẻ mắc bệnh thủy đậu, phụ huynh cần lưu ý ngoài việc hạ sốt và uống thuốc theo đơn bác sĩ, chăm sóc các nốt tổn thương da rất quan trọng. Nếu tổn thương da không chăm sóc cẩn thận, bị nhiễm trùng, vết sẹo sau này sẽ rất xấu và có thể bội nhiễm, gây nhiễm trùng các cơ quan khác.
Người bệnh cần giữ sạch sẽ các tổn thương da bóng nước, có thể sử dụng thuốc sát trùng nếu bội nhiễm; tuyệt đối không bôi loại thuốc không rõ nguồn gốc lên các vết bóng nước. Bệnh thủy đậu không hạn chế tắm rửa, ngược lại, càng vệ sinh cơ thể sạch sẽ càng tốt.
Về dinh dưỡng, người bị thủy đậu cần ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, uống nhiều nước. Trong quá trình chăm sóc, nếu có sốt cao liên tục không hạ được kèm theo các dấu hiệu thần kinh như li bì, khó đánh thức, nôn, co giật, khó thở… người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
“Trẻ nên được tiêm phòng để tạo sự miễn dịch chủ động đối với bệnh thủy đậu. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn không nên tiếp xúc gần với người chăm sóc hoặc người đang mắc bệnh thủy đậu. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh này, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán sớm”, bác sĩ Minh khuyến cáo.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.