Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mệt mỏi vì dọn dẹp nhà cửa đến sát đêm giao thừa

Năm mới đến, mọi gia đình đều muốn nhà cửa trang hoàng, tươm tất. Trước đó, công đoạn tổng vệ sinh tốn nhiều thời gian và sức lực, khiến không ít thành viên thấy nản.

Mỗi dịp cuối năm, Kiều Anh (21 tuổi, quê Cà Mau) luôn ám ảnh với nhiệm vụ mang tên “dọn nhà đón Tết”. Năm nay, ngày 27 Âm lịch, cô từ TP.HCM về quê và cùng cả nhà dọn dẹp.

Giống như mọi năm, từ đầu tháng Chạp, bố mẹ Kiều Anh đã bắt đầu tiến hành dọn nhà đón Tết. Năm nay, gia đình mới xây lại nhà nên càng có nhiều thứ phải sắp xếp.

“Dù đã chuẩn bị tâm lý phải ‘đánh vật’ với đống đồ đạc, mình vẫn thấy áp lực khi đến sát Tết rồi vẫn còn nhiều đồ phải lau chùi. Bộ bàn ghế hình rồng phượng cỡ lớn là thứ mình sợ nhất mỗi lần dọn nhà. Ba mình còn sắm chiếc vòi xịt tăng áp để dọn dẹp tiện hơn”, Kiều Anh kể với Zing.

Met moi vi don dep nha den dem giao thua anh 1

Cận Tết, các gia đình đều bận rộn với việc dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa.

Không riêng Kiều Anh, nhiều người trẻ cũng mệt mỏi và áp lực với việc lau dọn nhà cửa dịp cuối năm. Không ít người cảm thấy phiền vì sau một năm làm việc, chỉ có ít ngày nghỉ ngơi nhưng đã phải nhanh chóng "vùi đầu" vào dọn nhà từ sáng tới tối, đến sát đêm giao thừa mới hết việc.

Dọn nhà đến tận giao thừa

Kiều Anh giải thích vì bà ngoại cô rất kỹ tính và quan điểm “năm mới mọi thứ phải mới mẻ, sạch sẽ” nên mọi ngóc ngách, đồ đạc trong nhà phải được lau chùi cẩn thận. Có năm, đến gần giờ cúng giao thừa, cả gia đình 4 người vẫn còn dọn dẹp.

“Bà ngoại mình rất thích mua sắm vật dụng nên nhà có rất nhiều tủ, chén, dĩa phải đưa ra lau, rửa toàn bộ. Chưa kể, quần áo dù đã mặc hay chưa mặc ngoại cũng bắt đem ra giặt hết một lượt. Nồi niêu, bát đũa chưa dùng cũng đem ra rửa rồi xếp vào lại. Đó là lý do nhà mình phải dọn cả tháng trời trước Tết”.

Cô nói thêm ngày thường nhà cô cũng luôn sạch sẽ vì ngoại rất kỹ tính, cô không thể hiểu tại sao năm nào đến Tết lại phải hì hục lau dọn, dù nhiều đồ vẫn mới nguyên và sạch sẽ.

“Với tình hình năm nay, mình dễ tiếp tục phải dọn đến tận giao thừa. Nhìn đống bát đũa, nồi niêu, bàn ghế chất đống ngoài sân, mình không biết bao giờ mới rửa hết”.

Hoàng Thiên (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) nói rằng anh đã quen với nghi thức dọn nhà mỗi năm. 26 Tết, Thiên và em trai mới về quê, cũng là lúc cả nhà xắn tay vào dọn dẹp.

“Mình không thể nhớ hết được mọi thứ cần làm khi dọn nhà đón Tết. Thông thường, bố là người lo lau dọn bàn thờ, mẹ đem hết bát đũa và nồi niêu ra rửa, sắp xếp lại đồ đạc linh tinh. Mình và em trai nhận nhiệm vụ rửa bộ bàn ghế, lau hết các cánh cửa, quét trần nhà”.

Thiên kể giống như nhiều người khác, việc chùi rửa bộ bàn ghế với nhiều hoa văn là thứ khiến anh mệt mỏi. Ngày trước, hai anh em phải ngồi cả buổi mới lau sạch từng ngóc ngách trên ghế. Lau xong, đầu ngón tay đều nhăn nhúm lại vì ngâm nước lâu.

“Bây giờ nhiều nhà sắm vòi xịt nên rửa bàn ghế cũng tiện hơn, dù vậy vẫn khá mất công. Cả nhà mình mất hơn 2 ngày để dọn dẹp mọi thứ tươm tất. Nghỉ Tết hơn một tuần nhưng mất khá nhiều thời gian dọn dẹp nên mình cũng không nghỉ ngơi được nhiều”.

Met moi vi don dep nha den dem giao thua anh 4

Nồi niêu, xoong chảo, rổ rá được gia đình Kiều Anh đem ra sân rửa lại một lượt.

Nên lên kế hoạch dọn dẹp từ trước

Từ hơn 1 tuần trước Tết, Thanh Trang (24 tuổi, Hà Nội) tranh thủ các buổi tối đi làm về là ăn uống, nghỉ ngơi ít phút trước khi xắn tay áo vào dọn nhà.

“Mình đi làm đến sát Tết mới nghỉ, không có cả ngày trọn vẹn để quét tước, lau dọn nên phải chọn phương án dọn dàn trải ra nhiều ngày”, cô kể với Zing.

Ngoài khu vực bàn học, góc làm việc, tủ quần áo của bản thân, Trang còn phụ trách dọn dẹp nhà bếp, nhà vệ sinh, cầu thang.

Theo Thanh Trang, phần việc khiến cô “mệt mỏi” nhất là lôi tất cả đồ đạc cũ ở nhà bếp ra lau chùi, sắp xếp lại.

“Thông thường, mình phải đem hết bát đũa ra rửa ráy lại, bỏ bớt cái nào bị mẻ, sứt, soạn ra những cái nào cần dùng trong Tết. Đồ khô để trong tủ thì kiểm tra lại một lượt hạn sử dụng, xem cái nào hết hạn thì bỏ đi. Nồi niêu, xoong chảo, các chai, lọ gia vị cũng cần rửa, lau chùi lại một lượt”, Trang nói.

Cô cho hay nhà cô là nhà mặt đất, dễ gặp phải cảnh phân gián, phân chuột, bụi bẩn đọng lại cho các góc khuất nên khu vực bếp lúc nào cũng cần lau chùi kỹ càng, không thể qua loa.

Thông thường, Trang thường mất nguyên một buổi chiều hoặc kéo dài đến tối mới xong xuôi. Công đoạn dọn dẹp lại tủ quần áo cũng trải qua các bước “lôi hết tất cả ra - bỏ bớt đồ cũ - sắp xếp lại từ đầu” và thường mất 3-4 tiếng để hoàn thành.

Đến ngày cuối cùng của năm, Trang cho biết sẽ tổng vệ sinh lại cả nhà một lần nữa, việc lau dọn bàn ghế dùng tiếp khách đến chúc Tết để cuối cùng.

“Việc dọn nhà ngày Tết tốn rất nhiều sức lực, thời gian nên mỗi năm, mình cố phân chia, sắp xếp các hạng mục cần làm sao cho hiệu quả hơn mà không khiến bản thân thấy đuối, oải quá.

Kinh nghiệm mình rút ra được là ngày thường bớt mua đồ linh tinh để đỡ chật nhà, đồng thời hình thành thói quen dọn nhà hàng tuần hoặc cứ một tháng lại vứt bớt, thanh lý những đồ đạc không cần thiết, ít dùng đến. Như vậy, khi Tết đến, nhà cửa đã ngăn nắp, gọn gàng phần nào, mình cũng không phải dọn nhiều”, cô bày tỏ.

Met moi vi don dep nha den dem giao thua anh 7

Đức Huy cho rằng nên sớm hoàn thành việc dọn nhà để chuyển qua giai đoạn trang trí nhà cửa bớt mệt nhọc và giúp thư giãn hơn.

Đức Huy (24 tuổi, Hà Nội) cũng cho rằng nên lên kế hoạch dọn dẹp Tết từ trước để tránh đẩy bản thân vào cảnh gặp áp lực khi “sát Tết, nhìn xung quanh nhà, thấy chỗ nào cũng phải động tay đến”.

Bắt đầu kỳ nghỉ Tết, Huy chọn dọn dẹp phòng riêng trước. Đến 27 Tết, anh và em trai dọn sang các phòng chung trong nhà.

“Nhà mình 3 tầng, leo trèo nhiều khá mệt, chưa kể những lúc vận chuyển đồ, xách nước, bắc thang cao để lau quạt trần, quét mạng nhện. Một mình làm không xuể nên lúc nào cũng cần thành viên khác giúp sức. Mỗi người một việc mới nhanh chóng xong xuôi”, Huy nói.

Giống với Thanh Trang, Đức Huy cho biết khu vực nhà bếp là nơi anh phải “đánh vật nhiều nhất”.

“Nhà mình vốn nấu nướng nhiều, bếp sử dụng thường xuyên nên dễ ám mùi, cần cọ rửa kỹ. Không như bụi bẩn lau phát đi luôn, dầu mỡ cần đến dung dịch tẩy rửa hoặc phải lau đi lau lại nhiều lần. Chưa kể đến chuyện dọn tủ lạnh, thường mình sẽ cần 2 người dọn chung và mất khoảng chừng 4-5 tiếng để có chỗ sạch sẽ cất thực phẩm cho Tết”, Huy kể lại.

Đến 28 Tết, nhà cửa gọn gàng, Huy bắt đầu đi mua cây cối, đồ trang trí, bày biện bánh kẹo, đồ đãi khách.

“Dọn nhà đón Tết là thông lệ hàng năm rồi, bản thân muốn tránh cũng không được. Năm mới, ai mà chả muốn mọi góc trong ngôi nhà của gia đình đều gọn gàng, tươm tất. Vậy nên, mình cần sắp xếp khoa học, dọn phần nào là xong dứt điểm phần đó, chuyển sang dọn chỗ khác để tiết kiệm thời gian và sớm quay sang trang trí, bày biện”, Huy chia sẻ.

Tập gym, giảm cân để có vóc dáng đẹp đón Tết

Duy trì sức khỏe, tránh tăng cân, giảm eo để diện áo dài là những lý do kéo nhiều bạn trẻ vào quá trình tập luyện chăm chỉ dịp cuối năm.

Hiền Thy - Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm