Li Xueke, nữ doanh nhân 33 tuổi sống tại tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, là một bà mẹ đơn thân. Bốn năm trước, cô quyết định sang Thái Lan để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, từ tinh trùng của một người đàn ông Anh, theo South China Morning Post.
Tháng 7/2019, cô sinh hạ 2 bé trai và 1 bé gái. Kể từ khi trở thành bà mẹ bỉm sữa, Li thường chia sẻ các video ghi lại cuộc sống của mình và 3 con trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc.
Li Xueke là mẹ đơn thân của 3 đứa trẻ. |
Song, Li trở thành nạn nhân vô cớ của những lời chỉ trích, đa số đến từ nam giới. Các bình luận khiếm nhã thường mang tính công kích cá nhân, nói rằng những đứa trẻ của cô không có bố và Li “mang đến cho lũ trẻ một gia đình không trọn vẹn”.
“Đúng là một kẻ ích kỷ. Bạn đã bao giờ nghĩ đến cảm xúc của những đứa con mình chưa?”, trích một bình luận.
"Deadline" sinh con trước 30 tuổi
Đáp lại, Li cho biết những lời chỉ trích là vô căn cứ và thiếu hiểu biết.
“Tôi cũng được một mình mẹ nuôi dưỡng. Mẹ tôi đã dành cho con gái vô vàn tình yêu thương. Tôi không nghĩ mình khác biệt với những người khác. Ngược lại, hoàn cảnh gia đình đã tạo động lực và giúp tôi trở nên mạnh mẽ, độc lập hơn.
Miễn là có đủ tình yêu, gia đình sẽ trở nên trọn vẹn. Đó là lý do tôi nghĩ chỉ cần mình dành đủ tình cảm cho con, việc chúng có cha hay không không còn quan trọng", Li khẳng định.
Nữ doanh nhân cho hay cô đặt ra giới hạn cho bản thân là phải có con bằng mọi cách trước tuổi 30. |
Nhiều người biết đến câu chuyện bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của nữ doanh nhân.
“Tôi gửi lời chúc đến người mẹ đầy tinh thần tự do này”, “Cuộc sống của Li là điều những bà mẹ đơn thân khác cũng mong muốn” là hai trong số bình luận mà người dùng dành lời khen cho Li.
Khởi nghiệp là người mẫu ở tuổi thiếu niên, Li sau mở một trường đào tạo người mẫu. Từng có một số mối quan hệ nhưng không lâu dài, Li cho biết bản thân đã lên kế hoạch sinh con “bằng mọi cách” trước năm 30 tuổi nếu không tìm được người đàn ông phù hợp để kết hôn.
“Tôi chỉ muốn có những đứa con của riêng mình”, Li nói thêm rằng cô tự đặt cho mình “deadline sinh con” vì sợ những khó khăn phụ nữ dễ đối mặt khi mang thai lúc lớn tuổi.
Tại Trung Quốc, các bệnh viện bị cấm cung cấp phương pháp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm cho những người không đưa ra được giấy đăng ký kết hôn. Đó là lý do Li phải đến Thái Lan.
Luật pháp hiện hành của Trung Quốc không cho người chưa kết hôn được thụ tinh trong ống nghiệm. Li phải qua Thái Lan để thực hiện mong muốn có con của cô. |
Lần đầu tiên, việc cấy 2 quả trứng đã thụ tinh thất bại. Lần thứ hai, các bác sĩ tiến hành cấy ghép 3 quả trứng. Khi cả 3 phôi được thụ tinh thành công, các bác sĩ đề nghị cô bỏ bớt nhưng Li không đồng ý.
Ban đầu, nữ doanh nhân không được mẹ đồng ý khi sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Cũng là mẹ đơn thân, mẹ của Li biết việc nuôi con một mình có vô số khó nhọc. Cha mẹ của cô ly hôn khi cô mới 3 tuổi.
Cuối cùng, Li giấu mẹ chuyện mình mang thai cho đến khi các con cô tròn 1 tháng tuổi.
Cô cho biết mình chọn một người nước ngoài làm cha ruột của các con một phần vì nghĩ những đứa trẻ lai giữa hai dòng máu sẽ có vẻ ngoài nổi bật.
“Đó cũng là cách tôi hy vọng có thể dập tắt những lời đàm tiếu dễ xuất hiện trong khu vực tôi sống, rằng những đứa trẻ là kết quả của mối quan hệ ngoài luồng giữa tôi và một đại gia giàu có nào đó trong nước”, Li nói.
“Trước kia, tôi do dự chuyện tiết lộ câu chuyện của mình. Nhưng sau khi chia sẻ ảnh 3 đứa trẻ và nhận được những lời động viên, thái độ của tôi dần thay đổi. Tôi nghĩ mình không việc gì phải giấu giếm. Nếu tôi không dám đương đầu, làm sao các con tôi có thể đối mặt với những lời dị nghị. Do đó, tôi quyết định chia sẻ kinh nghiệm của bản thân”, bà mẹ đơn thân nói thêm.
Li thừa nhận mệt mỏi khi trở thành "một người mẹ và một người cha" cho ba đứa trẻ. “Nhưng nhìn thấy các khuôn mặt nhỏ nhắn dễ thương ấy, mọi thứ đều đáng giá”, cô nói.
Từ lâu, các single mom tại quốc gia đông dân nhất thế giới đã chịu đựng nhiều định kiến.
Trong văn hóa Trung Quốc, hôn nhân và “sinh con đẻ cái” là sợi dây gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc phụ nữ "không chồng mà chửa", nuôi con một mình mà không có đàn ông bên cạnh thường bị coi là xấu xa và tội lỗi.
Bên cạnh đó, các phúc lợi thai sản, chính sách hỗ trợ, tiền trợ cấp nuôi dưỡng cũng chủ yếu hướng tới đối tượng là những cặp vợ chồng mà bỏ qua nhóm thiểu số là các bà mẹ đơn thân.