Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Miễn học phí cho sinh viên sư phạm: Chính sách đã lỗi thời?

PGS.TS Nguyễn Trường Giang đề xuất chỉ miễn học phí cho sinh viên sư phạm làm đúng nghề.

Tại hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục và Luật giáo dục Đại học, PGS.TS Nguyễn Trường Giang (Bộ Tài chính) đề xuất chỉ miễn học phí cho sinh viên sư phạm làm đúng nghề. Trước đó, đề xuất bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Giữa tháng 8/2017, tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT và một số chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các trường ĐH sư phạm để tìm hướng giải quyết nút thắt cho đào tạo sư phạm hiện nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc miễn học phí đang ảnh hưởng gián tiếp đến chất lượng các trường sư phạm.

Mien hoc phi su pham anh 1
Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: T.T.

Các trường khác được thu học phí nên có điều kiện mở ra nhiều loại hình đào tạo như chất lượng cao, tiên tiến để thu hút người học trong thời điểm khó khăn để giải quyết đầu tư.

Mặt khác, có thực tế là dù miễn học phí, sư phạm vẫn không thu hút được những người giỏi vào học. Bằng chứng là mùa tuyển sinh vừa qua, điểm chuẩn vào các trường sư phạm không cao.

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên, chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm phát huy tốt trong khoảng 10 năm (từ 1998 đến 2008).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tình trạng có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên, chỉ tiêu đào tạo hàng năm nhiều nên có nhiều sinh viên học sư phạm được hưởng chế độ miễn học phí lại không có cơ hội phục vụ ngành giáo dục. Điều này dẫn đến việc lãng phí kinh phí khi miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Ngoài ra, chính sách miễn học phí sư phạm và cấp bù số học phí này cho các nhà trường tính theo số lượng sinh viên cũng làm cho một số trường trong giai đoạn vừa qua đã cố gắng tăng số lượng sinh viên, dẫn đến hiện tượng dư thừa giáo viên.

GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nêu lên thực tế khác hiện nay là nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật  hiện dễ thu hút người học nhất vì khởi nghiệp dễ hơn cả. Thứ hai, hướng đến công dân toàn cầu thì khối sư phạm gần như không có “chỗ”. Bởi vì tính kết nối với thế giới bên ngoài không dành cho sinh viên sư phạm. Xuất khẩu kỹ sư, xuất khẩu cử nhân công nghệ, không xuất khẩu giáo viên. Trong khi đó, sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra không có chỗ làm.

“Bài toán của sư phạm hiện nay là cực kỳ khó, miễn học phí cũng thế mà không miễn cũng thế. Theo tôi, vấn đề cốt lõi bây giờ là phải khảo sát lại toàn bộ hệ thống của ngành giáo dục, xem thực chất nhu cầu của ngành là bao nhiêu. Nếu không còn nhiều nhu cầu thì giảm bớt các trường sư phạm, đưa đội ngũ giáo viên đó về dạy ở phổ thông”, GS Phạm Tất Dong cho hay.

GS.TS Phạm Hồng Quang cho biết nhiều năm gần đây, điều kiện kinh tế của các gia đình có tăng lên song điều kiện ở một số tỉnh miền núi vẫn còn gặp khó khăn. Ngoài chi phí học phí, sinh viên ĐH còn phải chi phí nhiều việc khác như ăn, ở, đi lại… Do đó, khi con em miền núi về các trường ĐH tập trung ở thành thị với mức chi phí khá cao nên việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm rất có ý nghĩa, gia đình có điều kiện  đầu tư các chi phí khác cho sinh viên sư phạm được tốt hơn.

“Bản chất chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm không tự gây nên vẫn đề lãng phí. Nguyên nhân cơ bản là đầu tư dàn trải hàng trăm trường sẽ khó đảm bảo chất lượng”, GS Phạm Hồng Quang cho hay.

Vì sao học sinh không chọn ngành sư phạm? Lương thấp, khó xin việc làm khi ra trường là lý do chính khiến nhiều học sinh, phụ huynh không mặn mà với ngành sư phạm.

Nỗi buồn của thủ khoa sư phạm thất nghiệp, ở nhà nuôi lợn

Ngày này năm trước, Bùi Thị Hà được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, vì là một trong 100 thủ khoa xuất sắc. Năm nay, em thất nghiệp, ở nhà bán hoa quả, nuôi lợn.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/mien-hoc-phi-cho-sinh-vien-su-pham-chinh-sach-da-loi-thoi-1222399.tpo

Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm