Sông nước miền Tây là một nét đặc trưng độc đáo mà ít nơi nào có được. Nếu ghé thăm thành phố Châu Đốc (An Giang), bạn sẽ không khỏi bâng khuâng khi ngắm nhìn làng nổi cá bè Châu Đốc trên sông Hậu. Những ngôi nhà đơn sơ lấp lánh trên dòng sông quê hương. Ảnh: Nguyễn Đình Ri. |
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là nơi tập trung buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, từ lúc tờ mờ sáng và đến khoảng 8-9h thì vãn. Khách tham quan nên đi vào khoảng 7-8h vì đó là lúc chợ đông đúc và nhộn nhịp nhất. Ảnh: Trần Thanh Duy. |
Đến với chợ nổi, du khách có thể mua được đủ loại trái cây tươi ngon. Ảnh: Trần Thanh Duy. |
Các xuồng bán phở, hủ tiếu, cà phê (thường là thuyền nhỏ) len lỏi phục vụ khách đi chợ và cả khách tham quan. Thưởng thức tô hủ tiếu ngay giữa vùng sông nước là một trải nghiệm mới lạ và thú vị. Ảnh: Trần Thanh Duy. |
Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu nét sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như căn hộ di động trên sông nước. Ảnh: Trần Thanh Duy. |
Bà con nhà vườn trồng quýt ở Lai Vung (Đồng Tháp) vào mùa thu hoạch. Một khu vườn rộng lớn xanh um, nổi bật với những trái quýt to vàng óng và nặng cong trĩu cành. Ảnh: Bùi Quang Vũ. |
Những người nông dân đi thu hoạch hoa súng ở Châu Đốc (An Giang). Cuộc sống mưu sinh tần tảo một nắng hai sương hàng ngày là một trong những nét đẹp của người dân vùng Tây Nam Bộ. Dù vất vả, họ vẫn mỉm cười, tìm kiếm niềm vui trong lao động. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn. |
Một người nông dân ở làng Mỹ Lồng (thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đang sản xuất loại bánh tráng đặc sản của nơi đây. Người dân địa phương tiết lộ chất lượng bánh tráng Mỹ Lồng cao hơn các vùng khác vì gạo mềm đặc biệt và dừa chất lượng cao, chỉ có thể tìm thấy trong khu vực. Ảnh: Thái Dương Lê. |
Nhà máy điện gió Bạc Liêu là nhà máy điện gió đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long và thứ 2 cả nước, là bước đi tiên phong của tỉnh. Như một biểu tượng phát triển, nhà máy điện gió Bạc Liêu không những thể hiện tầm vóc địa phương mà còn thể hiện sự năng động, sáng tạo, biết tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển của miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Thái Dương Lê. |
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, thuộc địa phận thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Khi hoàn thành, cầu Cao Lãnh sẽ kết nối mạng lưới giao thông khu vực phía tây đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo giao thông liên tục, tạo động lực phát triển kinh tế vùng. Ảnh: Nguyễn Hoàng Đệ. |
"Dấu ấn Việt Nam" trong văn hóa cũng thể hiện rõ nét ở miền Tây Nam Bộ. Đua bò Bảy Núi ở An Giang là một lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, được tổ chức trong dịp lễ Đôn-ta. Ảnh: Quốc Dũng Nguyễn. |
Ngoài ra, Tây Nam Bộ còn sở hữu những điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách, điển hình là đảo Nam Du (Kiên Giang) - nơi thiên nhiên còn rất hoang sơ, thanh bình, nước biển xanh ngắt tuyệt đẹp. Cuộc thi ảnh "Dấu ấn Việt Nam" sẽ nhận bài dự thi đến hết ngày 28/8, kết quả sẽ được công bố từ 2/9 đến 5/9. Mời bạn gửi ảnh tham gia tại đây. Ảnh: Chu Tiến Công. |
Đừng bỏ lỡ cơ hội đóng góp vào tập ảnh lưu giữ những gì tươi đẹp nhất, thân thương nhất và đáng tự hào nhất về đất nước với cuộc thi "Dấu ấn Việt Nam" do Zing.vn tổ chức. Không chỉ là cuộc thi để chia sẻ hình ảnh, Zing.vn mong muốn mọi người biết thêm nhiều điều mới mẻ về mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên và thuộc về.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 28/7/2017 đến ngày 20/9/2017. Trong đó, thời gian nhận bài dự thi từ ngày 28/7 đến hết ngày 28/8; thời gian công bố kết quả từ 2/9 đến 5/9. Mỗi thí sinh có thể gửi nhiều bài dự thi cho cả 2 thể loại.
Bài dự thi có thể chụp bằng máy ảnh, điện thoại di động hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác. Cuộc thi chỉ có duy nhất vòng thi trực tuyến (online). Ảnh dự thi có dung lượng tối thiểu 2 MB, kích thước tối thiểu 1.920 megapixel theo chiều ngang. Dung lượng tối đa là 8 MB, kích thước tùy ý. Lưu ý: Thí sinh nộp lại ảnh gốc trong trường hợp trúng giải
Giải thưởng do Ban giám khảo chấm:
- Ảnh đơn: Giải Nhất (1 giải): 15 triệu đồng (tiền mặt)
Giải Nhì (1 giải): 10 triệu đồng (tiền mặt)
- Bộ ảnh (7 ảnh): Giải Nhất (1 giải): 20 triệu đồng (tiền mặt)
Giải Nhì (1 giải): 10 triệu đồng (tiền mặt)
Giải Độc giả bình chọn
Giải bài dự thi được bình chọn (vote, share. 1 share = 10 vote) nhiều nhất: 10 triệu đồng (tiền mặt)
Người nhận giải tự thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Đối tượng dự thi là những người yêu thích nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong và ngoài nước, không phân biệt đối tượng, lứa tuổi.
Đảm nhiệm vai trò giám khảo cho cuộc thi là nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh (Báo Vietnam News), nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Hải Thịnh và ông Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng ban Ảnh Zing.vn. Để tham gia cuộc thi “Dấu ấn Việt Nam”, độc giả truy cập tại đây.