Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Miễn thi tốt nghiệp: Bộ GD&ĐT lên tiếng

"Hiện chúng ta đã có bản dự thảo để xác định tiêu chí miễn thi, rất rõ ràng và có sự giám sát của nhiều bên", ông Mai Văn Trinh - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nói.

Việc miễn thi tốt nghiệp THPT 20% cho học sinh giảm được rất nhiều tốn kém cho xã hội. Số học sinh này được miễn thi sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ hàng năm cho từng trường ở mỗi địa phương.

Ông Mai Văn Trinh - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đây là tỷ lệ tối đa cho các Sở GD&ĐT xác định tỷ lệ miễn thi cho học sinh. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình cụ thể dạy học tại các trường trong phạm vi quản lý của mình mà Sở GD&ĐT địa phương xác định tỷ lệ cho từng trường miễn sao tổng số học sinh miễn thi của các trường không vượt quá tỷ lệ tối đa mà Bộ cho phép".

Theo ông Trinh, chất lượng học sinh của từng trường, từng vùng, nhất là miền núi, thành phố và các trường chuyên thì càng có sự chênh lệch, vì vậy chúng ta phải có tiêu chí cụ thể.

Tính trước điều này, Bộ đã có bản dự thảo hướng dẫn xác định một số tiêu chí cơ bản để miễn thi tại các vùng miền. Trên cơ sở đó, địa phương xây dựng một hội đồng để tiêu chuẩn hóa cụ thể việc miễn thi của địa phương.

Việc xét miễn thi tốt nghiệp sẽ được kiểm tra chéo giữa các thành viên trong hội đồng thi.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT địa phương còn xác định các tiêu chí để trên cơ sở đó, rồi xác định tỷ lệ miễn thi cho từng trường trên địa phương mình. Điều này, có sự tham gia, đồng tình của các hiệu trưởng các trường THPT và Giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên.

Phương án miễn thi phải được chủ tịch UBND tỉnh xác nhận sau đó phương án này được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để cho xã  hội, phụ huynh học sinh giám sát.

“Về phía nhà trường, hiệu trưởng các trường thành lập hội đồng để có phương án miễn thi hiệu quả mà Sở đã công bố đưa ra chỉ tiêu trước đó. Thành phần hội đồng trong từng nhà trường sẽ có Đảng ủy, ban giám hiệu, công đoàn, đoàn thanh niên, phụ huynh và học sinh... Như vậy, chúng ta thấy việc này có sự giám sát chéo giữa các thành viên chức năng tham gia của mình” – ông Trinh phân tích.

Theo ông Trinh, việc dân chủ hóa hội đồng thi nhà trường sẽ giảm tiêu cực.

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ cũng hoàn toàn chia sẻ với những băn khoăn này của các thầy cô giáo, phụ huynh và của các em trong việc xét 20% số học sinh miễn thi, và giao chỉ tiêu cho từng trường. Điều này dễ xảy ra sự không trung thực, khách quan.

Tuy nhiên, ở đây vai trò của nhà quản lý hết sức quan trọng. Và nó thể hiện ở việc chúng ta đưa ra một quy trình làm ra sao để công khai minh bạch và có sự giám sát chéo của nhiều bên. Trên cơ sở những tiêu chí căn bản xét miễn thi do Bộ đề xuất, thì Sở cụ thể hóa phương án miễn thi và gắn với trách nhiệm của mình trước sau đối với phụ huynh học sinh.

Trên cơ sở các tiêu chí đề ra thì Sở tự cụ thể các phương án của mình, và phương án này được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên trang web của các Sở và của trường để lấy ý kiến, để được xã hội, phụ huynh giám sát. Các thành viên trong hội đồng của nhà trường cũng được công khai để xã hội giám sát…

Với những cách làm này không phải dễ dàng để tiêu cực xảy ra ở địa phương trong việc xét miễn thi 20% số học sinh và chỉ tiêu số học sinh miễn thi ở từng trường, vì tính dân chủ hóa trong từng nhà trường được nâng lên rõ rệt. Tất nhiên đi đôi với đó là vai trò thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng ngành giáo dục sẽ gắt gao và thường xuyên.

“Hiện nay chúng ta đã có bản dự thảo để xác định tiêu chí miễn thi, rất rõ ràng và có sự giám sát của nhiều bên. Đặc biệt có sự giám sát của học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên vì vậy tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ làm được việc này một cách công khai, trung thực và minh bạch…” – ông Trinh nhấn mạnh.

http://infonet.vn/mien-thi-tot-nghiep-bo-gddt-len-tieng-post115292.info

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm