Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Miếng ba rọi nướng 98% mỡ gây 'bão mạng'

Samgyeopsal - món thịt nướng phong cách Hàn Quốc - gây tranh cãi vì những lát thịt quá nhiều mỡ, làm tăng nguy cơ béo phì của thực khách.

ba roi nuong Han Quoc anh 1

Món samgyeopsal (ba rọi nướng) của Hàn Quốc ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Ảnh: Pixabay.

Một nhà hàng nổi tiếng với món samgyeopsal - món thịt nướng Hàn Quốc sử dụng phần thịt bụng lợn - đã trở thành vấn đề gây tranh cãi vì phục vụ những miếng thịt có “quá nhiều mỡ”.

Trên các mạng xã hội của Hàn Quốc, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra để xác định hàm lượng mỡ phù hợp trong món samgyeopsal. Nhiều người còn chia sẻ trải nghiệm đi ăn thịt nướng của bản thân.

Miếng thịt có 98% là mỡ

Mọi việc bắt đầu từ một bài đăng trên một website có tên Bobaedream.

Một người dùng ẩn danh đã đăng ảnh về món samgyeopsal mà mình vừa ăn. Người này tuyên bố bản thân đã chi đến 150.000 won (khoảng 110 USD) cho hai phần thịt nướng được làm từ thịt bụng của lợn Jeju (giống lợn đen nổi tiếng của Hàn Quốc) và một chai rượu soju. Đáng nói, những miếng thịt mà người này nhận được có “tỷ lệ mỡ lên đến 98%”.

Chủ bài đăng cũng khẳng định đây là một nhà hàng nổi tiếng và từng thu hút nhiều nghệ sĩ đến thưởng thức.

ba roi nuong Han Quoc anh 2

Những miếng thịt được cho là có "tỷ lệ mỡ lên đến 98%" của chủ nhân bài đăng. Ảnh: Bobaedream.

Khi bài đăng thu hút sự quan tâm của công chúng và giới truyền thông, chủ nhà hàng đã xin lỗi và tuyên bố sẽ đền bù cho thực khách này bằng cách phục vụ thịt nướng miễn phí trong một tháng. Tuy nhiên, tranh cãi về tỷ lệ mỡ trong món samgyeopsal của Hàn Quốc vẫn chưa chấm dứt.

Cũng trên website Bobaedream, một người dùng khác đăng ảnh về món samgyeopsal đầy mỡ mà bản thân vừa được phục vụ tại một nhà hàng ở Daegu. Theo người này, các nhân viên nhà hàng còn nhận xét đây là một “miếng thịt rất ngon”.

Tính đến sáng 3/5, bài đăng với chủ đề thịt nướng samgyeopsal đã thu hút khoảng 110.000 lượt xem. “Là một người bán thịt, tỷ lệ mỡ của món samgyeopsal ở nhà hàng này làm tôi không nói nên lời”, nội dung của bình luận nhận được nhiều lượt thích nhất trong bài đăng.

Thống đốc Oh Young-hun của tỉnh đảo Jeju đã chú ý đến cuộc tranh cãi này. Tại cuộc họp báo ngày 2/5, ông cho biết chính quyền sẽ rà soát lại hoạt động chăn nuôi lợn Jeju ở tỉnh và có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Thống đốc Oh xác nhận chính quyền đã bắt đầu kiểm tra hoạt động của các nhà hàng ở tỉnh.

Tuy nhiên, ông Oh cũng kêu gọi công chúng nên cân nhắc đến “sự khác biệt trong ẩm thực giữa các địa phương” và hạn chế phản ứng thái quá với những miếng thịt nướng samgyeopsal.

ba roi nuong Han Quoc anh 3

Tỉnh đảo Jeju của Hàn Quốc nổi tiếng với món thịt lợn đen nướng. Ảnh: Instagram @__ji.yaaa.

Vấn đề về tỷ lệ mỡ trong món samgyeopsal từ lâu đã gây tranh cãi ở “xứ sở kim chi”. Thậm chí, các cuộc tranh cãi nảy lửa đã buộc chính phủ nước này phải vào cuộc trong năm nay.

Tháng 3/2023, Hàn Quốc đã tổ chức một chương trình kích cầu tên là “Ngày Samgyeopsal” khi bán món samgyeopsal với giá rẻ. Tuy nhiên, những phần thịt ba rọi được phục vụ trong sự kiện này cũng gây tranh cãi khi có tỷ lệ mỡ quá cao.

Tháng 1 năm nay, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đã ban hành một hướng dẫn mới dành cho các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi và những nhà hàng có phục vụ món samgyeopsal. Cụ thể, Bộ hướng dẫn các đơn vị phải chủ động hạn chế chất béo ở những miếng thịt ba chỉ nướng và giữ miếng thịt có độ dày dưới 1 cm.

Thiên đường thịt nướng

Sau K-pop, K-drama, K-BBQ là mặt hàng xuất khẩu văn hóa tiếp theo của Hàn Quốc. Các món thịt nướng và phương pháp nướng thịt của Hàn Quốc được thực khách trên khắp thế giới yêu thích và săn đón. Theo một báo cáo năm 2023, ẩm thực Hàn Quốc là một trong những hashtag phổ biến nhất trên TikTok và Instagram.

Bộ phim Ký sinh trùng đoạt giải Oscar của Hàn Quốc cũng khiến mạng xã hội phát cuồng với sự xuất hiện của thịt bò nướng ăn kèm với mì ăn liền Hàn Quốc.

ba roi nuong Han Quoc anh 4

Năm 2022, lượng thịt tiêu thụ trong một năm của người Hàn Quốc còn nhiều hơn lượng cơm mà họ ăn. Ảnh: The Washington Post.

Theo một thống kê vào năm 2022, lượng thịt tiêu thụ của mỗi người Hàn Quốc còn nhiều lượng cơm mà họ ăn trong một năm. Hiện tại, một người Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 60 kg thịt, tăng gấp đôi so với 20 năm trước.

Ngày nay, khi đi bộ dọc theo các dãy nhà ở trung tâm Seoul, hiếm khi nào mà người đi đường không hít phải mùi thịt nướng. Đất nước 51 triệu dân này có hơn 70.000 nhà hàng thịt nướng phân bố khắp cả nước.

Để phát triển văn hóa thịt nướng bền vững, một số nhà hoạt động vì môi trường và những người ủng hộ quyền động vật đang cố gắng định hình lại văn hóa này.

Nhiều công ty ở Hàn Quốc đầu tư vào các sản phẩm như thịt làm từ thực vật để phục vụ thay thịt lợn. HN Novatech, một công ty công nghệ thực phẩm ở Hàn Quốc còn phát triển sản phẩm rong biển vị thịt để phục vụ người Hàn Quốc ăn chay và những người muốn bảo vệ môi trường, động vật.

ba roi nuong Han Quoc anh 5

Hàn Quốc đang phát triển loại thịt có nguồn gốc từ thực vật để hạn chế các vấn đề môi trường. Ảnh: The Washington Post.

Chính phủ đang để tâm tới lĩnh vực này. Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc gần đây đã thành lập một trung tâm nghiên cứu các sản phẩm thịt làm từ thực vật và khả năng xuất khẩu của sản phẩm.

Theo ước tính của Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, thị trường protein từ thực vật của đất nước có thể đạt 216 triệu USD vào năm 2026.

Con người bắt đầu uống cà phê từ khi nào

Có một số bằng chứng cho thấy rằng từ xa xưa ở Ethiopia người ta ăn quả của cây cà phê, cuốn với mỡ động vật như một món ăn vặt tăng sự hưng phấn. Có chứng cứ về việc người ta uống cà phê vào cuối thế kỷ 15, nhưng không đủ để khẳng định quán cà phê đầu tiên là Kiva Han, được mở năm 1475 ở Constantinople. Trước những năm 1600 thói quen uống cà phê chưa lan đến châu Âu và việc sử dụng cà phê chủ yếu là cho mục đích y tế chứ không phải để thưởng thức.

Đông Tùng

Theo Straits Times

Bạn có thể quan tâm