Trong một buổi phát trực tiếp vào ngày 29/12, MisThy (tên thật Lê Thy Ngọc, sinh năm 1995) gây chú ý khi dùng lời lẽ khiếm nhã, tục tĩu để đáp trả một bình luận “kém duyên” từ người xem.
Thái độ bức xúc của nữ streamer trước việc bị giễu cợt được khán giả thông cảm song lời lẽ phản cảm, có phần chợ búa của cô nàng trên sóng livestream với hàng nghìn người xem khiến phần đông không vừa lòng.
Scandal mới nhất của MisThy tiếp tục nối dài các vụ lùm xùm liên quan đến giới streamer thường xuyên sử dụng ngôn từ tục tĩu, phản cảm khi lên sóng.
MisThy bị chỉ trích vì chửi tục trên livestream. |
Lối nói chuyện có phần bỗ bã, dùng nhiều từ chửi thề vốn phổ biến trong giới streamer và được một số người thanh minh là cách giúp những người này trở nên gần gũi và thân thiết hơn với khán giả của mình.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng đó là nội dung phản cảm, có ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là khi phần lớn khán giả của họ là giới trẻ.
Streamer chửi tục
Với những người thường xuyên theo dõi stream, Độ Mixi (tên thật Phùng Thanh Độ) là cái tên khá quen thuộc và còn được các fan ưu ái là một phần của “Tứ hoàng streamer Việt Nam”. Anh có gần 4,5 triệu người đăng ký và hầu hết video đăng tải đều có hàng triệu lượt xem.
Tuy nhiên, giữa tháng 9/2020, Độ Mixi trở thành tâm điểm chỉ trích sau thời gian dài thường xuyên nói tục, chửi bậy trên sóng livestream. Trong hầu hết buổi livestream, nam streamer khá thoải mái văng tục trước khán giả. Thậm chí, cách nói năng bỗ bã đã trở thành một trong những đặc trưng của kênh stream này.
Điều đáng nói, dù ưa chuộng ngôn từ tục tĩu và nhắm đến đối tượng xem là người trưởng thành bằng cách gắn mác cảnh báo người xem dưới 18 tuổi nên chuyển kênh, thực chất Độ Mixi lại chưa áp dụng tính năng hạn chế nội dung (age-restricted) vốn được dùng trong trường hợp video có chứa ngôn từ thô tục, hình ảnh bạo lực, gợi dục hoặc mô tả hành vi nguy hiểm.
Khi áp dụng giới hạn này, các video sẽ không thể xuất hiện trong phần đề xuất, khi người xem chưa đăng nhập hoặc đang bật chế độ hạn chế (Restricted Mode). Người dùng cũng không thể xem nếu tài khoản dưới 18 tuổi. Ngoài ra, các video bị giới hạn độ tuổi sẽ không được phép bật kiếm tiền.
Sau khi bị chỉ trích, Độ Mixi đã viết tâm thư trong nhóm kín dành cho người hâm mộ, cho biết bản thân hiểu ngôn từ thể hiện của mình chưa được lịch sự, và vẫn đang cải thiện từng ngày, để thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Độ Mixi từng bị lên án vì thường nói tục, chửi bậy. |
Trong những năm gần đây, streaming trở thành xu hướng thu hút giới trẻ. Từ những cái tên ít được quan tâm khi theo đuổi một ngành nghề có khá mới mẻ ở Việt Nam, giới streamer đang ngày càng được chú ý nhiều hơn.
Nhiều streamer giờ đây dần chuyển hướng, trở thành KOLs, gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình, gặt hái thành công trong các lĩnh vực khác như phim ảnh, âm nhạc, gameshow…
Không chỉ xuất hiện trước những webcam, khung hình máy tính, những streamer nổi tiếng đang đưa đến công chúng một cái nhìn rõ hơn về nghề stream. Tuy nhiên, để cái nhìn đó trở nên thân thiện, tích cực, ngay cả chính những người trong nghề cũng nhận ra họ cần phải thay đổi.
“Các hãng tài trợ gia đình, sản phẩm đại trà, nước uống, quần áo… streamer muốn làm việc với tầm đó hay sẽ chỉ làm game, giải đấu. Anh Karik hát Ức chế năm 2012-2013, chia sẻ về rap và giờ có chương trình King of Rap, Rap Việt trên TV năm 2020. Chả có gì là tự dưng, là không có lý do cả”, PewPew, một trong những streamer nổi tiếng nhất Việt Nam, chia sẻ trên trang cá nhân sau lùm xùm chửi bậy của giới streamer.
Hại nhiều hơn lợi
Sự thoải mái, vui vẻ, gần gũi là điều mà cả streamer lẫn khán giả đều muốn hướng đến. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều cách khác văn minh, lành mạnh hơn để đến gần khán giả thay vì lạm dụng quá nhiều ngôn từ tục tĩu, phản cảm.
Trên thực tế, việc sử dụng ngôn từ chửi bậy trong các sản phẩm của mình thậm chí còn khiến các streamer mất nhiều hơn được. Sự tồn tại của nội dung xúc phạm trong buổi phát trực tiếp có thể loại trừ những người chưa đủ tuổi đăng ký kênh. Nội dung này cũng khiến những khán giả lớn tuổi đang xem stream cùng con cái họ e dè hơn.
Ngôn ngữ thô tục với biểu hiện phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính hoặc kỳ thị đồng tính cũng có thể thu hẹp đối tượng khán giả. Và chắc chắn, chửi thề là điều mà không một nhà tài trợ, nhãn hàng nào mong muốn khi tìm kiếm một đại diện trong giới streamer.
Garrett Mickley, một chuyên gia về quyền riêng tư, cho biết: “Tần suất chửi thề của streamer chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng người xem. Bạn có thể muốn được mọi người biết đến với tư cách là một streamer hay chửi bới hoặc đó là thương hiệu của bạn. Nhưng hãy cân nhắc vì bạn sẽ có khả năng nắm giữ được lượng khán giả lớn hơn nếu bạn không chửi bậy”.
Các nền tảng stream có những quy tắc về việc sử dụng ngôn từ khi lên sóng. |
Vì chửi thề ảnh hưởng đến lượng người xem nên chắc chắn nó có ảnh hưởng đến thu nhập. Với YouTube, chửi bới sẽ tác động tiêu cực đến trạng thái kiếm tiền của người sáng tạo nội dung. Những từ chửi rủa thường không được nghe thấy trên truyền hình vào khung giờ vàng có thể khiến một video bị tắt kiếm tiền vì xuất hiện quá nhiều trong đoạn đầu, trên tiêu đề hay ảnh đại diện.
Những lời nói xúc phạm về chủng tộc, nội dung ác ý hoặc thù địch nhắm vào một cá nhân hoặc một nhóm người cụ thể được cảnh báo là không an toàn để bật kiếm tiền.
Twitch, nền tảng nổi tiếng cởi mở với giới streamer, cũng có một số quy định liên quan đến phát ngôn trên sóng livestream. Theo các quy tắc của Twitch, người sáng tạo nên sử dụng nhãn "nội dung người lớn" khi họ chơi trò chơi người lớn hoặc chửi thề rất nhiều trong video.
Tại nền tảng này, lựa chọn chửi thề hoặc không chửi thề hoàn toàn là quyết định cá nhân, nhưng việc áp dụng các kiểm duyệt đối với chương trình phát sóng được cho sẽ thu hẹp lượng người xem và ảnh hưởng nhiều đến khả năng chia sẻ.