Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mizuiku - Em yêu nước sạch': Mỗi học sinh là đại sứ bảo vệ nguồn nước

Trong bối cảnh nước sạch có khả năng cạn kiệt, việc giáo dục cho thế hệ trẻ biết cách bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này là vô cùng quan trọng.

Theo thông tin của water.org được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017, cứ 10 người thì có một người không tiếp cận được với nguồn nước sạch; cứ 3 người thì có một người không có nhà vệ sinh để dùng. Cứ 90 giây trôi qua,có một đứa trẻ qua đời, và mỗi năm có một triệu người chết bởi các dịch bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm và hệ thống vệ sinh không đảm bảo chất lượng.

Tương tự ở Việt Nam, người dân chịu không ít ảnh hưởng xấu vì thiếu nước sạch. Tại hội nghị “Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt” năm 2015, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hàng năm tình trạng thiếu nước sạch gây ảnh hưởng tới ít nhất một triệu người Việt Nam. Trong 4 năm 2010-2014, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, tiêu tốn 20 triệu USD chi phí y tế.

Nhiều vùng nông thôn, vùng núi cao bị thiếu nước sạch như tỉnh Bến Tre, Bắc Ninh… Ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn phải đối mặt với vấn nạn thiếu nước sạch vào mùa khô. Cũng trong chương trình, kết quả kiểm tra một số nguồn nước tại các đô thị chỉ ra nước dùng chưa đạt chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng clo dư thấp, hàm lượng amoni, nitrit, nitrat cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Suntory, Suntory PepsiCo Việt Nam phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cùng sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai dự án “Mizuiku - Em yêu nước sạch”. Chương trình nhằm xây dựng nhận thức về tầm quan trọng của nước và nuôi dưỡng thói quen tiết kiệm nước thường ngày của trẻ như một giải pháp bền vững để tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Mizuiku - Em yeu nuoc sach anh 1
Giữ gìn vệ sinh cơ thể cẩn thận để tránh các bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm.

Sau khi triển khai các lớp huấn luyện về giáo dục môi trường dành cho các thầy cô giáo và lực lượng Tổng phụ trách Đội tại địa phương vào tháng 5, dự án Mizuiku bắt đầu tổ chức các lớp học môi trường dành cho học sinh lớp 3 và lớp 4. Những bài học gần gũi được truyền tải bằng phương pháp giáo dục thực hành, vừa học vừa chơi. Phương pháp học trực quan, sinh động như thảo luận nhóm, hỏi đáp, trò chơi, phân tích tình huống… được vận dụng khéo léo để truyền tải nội dung bài giảng.

Trong tháng 5, tại tỉnh Bến Tre, đội ngũ giảng dạy bao gồm 33 giáo viên chủ nhiệm lớp 3 và lớp 4 và tổng phụ trách Đội đã tổ chức 31 lớp cho 2 học phần: “Nước bị làm sao thế?” và “Chúng ta có thể làm gì?” cho hơn 900 học sinh tại các trường thuộc huyện Thạnh Phú, Chợ Lách và Ba Tri. Tại miền Bắc, hơn 1.500 học sinh của 5 trường tiểu học tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) và Bắc Ninh cũng tham gia các lớp học tương tự.

Mizuiku - Em yeu nuoc sach anh 2
Phương pháp giảng dạy gần gũi, sinh động với nhiều trò chơi, hoạt động nhóm - giúp các em học sinh trường Tân Thiềng B (Chợ Lách, Bến Tre) hào hứng tham gia.

Ở học phần 1 - “Nước bị làm sao thế?”, học sinh tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, tác động của nước nhiễm bẩn đến sức khỏe cộng đồng. Đối với học phần 2 - “Chúng ta có thể làm gì?”, các em được hướng dẫn một số cách đơn giản, thiết thực để bảo vệ nguồn nước như sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giữ vệ sinh môi trường. Ngoài ra còn có bài học 6 bước rửa tay đúng cách, tìm hiểu mô hình lọc nước đơn giản…

Mizuiku - Em yeu nuoc sach anh 3
Học sinh trường tiểu học An Hòa Tây 2 (Ba Tri, Bến Tre), cùng vẽ tranh “Dòng sông quê em”.

Nằm trong đội ngũ giảng viên của lớp học “Mizuiku - Em yêu nước sạch”, cô Hồ Thị Tờ (trường tiểu học Tân Thiềng B, Chợ Lách) không giấu vẻ hào hứng: “Giáo dục môi trường không phải là một phương pháp mới, nhưng cách tiếp cận trọng tâm hướng đến thực hành, hoạt động nhóm của chương trình giúp các giờ học trở nên sinh động. Kiến thức môi trường tưởng chừng khô khan được các em hưởng ứng nhiệt tình. Đặc biệt, điệu nhảy rửa tay vui nhộn được các em thích thú và thực hành trong nhiều hoạt động sau chương trình”.

Mizuiku - Em yeu nuoc sach anh 4
Học sinh trường tiểu học Mỹ An (Thạnh Phú, Bến Tre) chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc khóa học.

Dự án “Mizuiku - Em yêu nước sạch” khởi động từ năm 2015 với nhiều hoạt động đáng chú ý như mở ra hơn 400 lớp học cho khoảng 5.000 học sinh; tổ chức 16 Ngày hội nước cho hơn 7.700 học sinh, đồng thời xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, hệ thống lọc nước tại 16 trường tiểu học tham gia dự án. 

Năm nay, dự án sẽ mở rộng đến 30 trường tiểu học tại tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM và Bến Tre. Trong đó bao gồm các hoạt động: tổ chức tập huấn cho đội ngũ tình nguyện viên, lực lượng giáo viên tổng phụ trách Đội, giáo viên trực tiếp giảng dạy khối lớp 3, 4 tại các trường được lựa chọn triển khai chương trình; tổ chức các lớp học tuyên truyền giáo dục về nước, Ngày hội Hiệp sĩ nước sạch, các chuyến tham quan nhà máy Suntory PepsiCo Việt Nam; hỗ trợ duy trì chương trình giáo dục môi trường tại các trường tham gia Dự án trong năm 2015-2016 và khuyến khích mở rộng khu vực thụ hưởng trong năm 2017 thông qua tặng bộ tài liệu dạy và học do dự án xây dựng. Dự án cũng xây dựng nhiều công trình nước sạch tại các trường tiểu học và trong cộng đồng. 

Từ năm nay, dự án đặt mục tiêu mở rộng quy mô khắp cả nước, hoàn thiện tài liệu dạy và học Mizuiku để trở thành bộ sách tham khảo chính thức ở bậc giáo dục tiểu học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, phát triển trang học trực tuyến (E-learning) và website Mizuiku - Em yêu nước sạch. Độc giả truy cập tại đây để cập nhật những thông tin mới nhất về chương trình.

Giang Thư Quân

Bạn có thể quan tâm