![]() |
Tâm điểm của đại sảnh, hay còn gọi là Grand Hall, là bức tượng khổng lồ của Ramses II – từng sừng sững suốt 50 năm tại một vòng xoay lớn ở trung tâm Cairo, trước khi được chuyển về bảo tàng vào năm 2006. |
Nằm ở rìa sa mạc Giza, The Grand Egyptian Museum (GEM) là bảo tàng đồ sộ được xây dựng trong nhiều thập kỷ bằng các phiến đá khai thác tại địa phương.
Công trình mang tính biểu tượng này từng trải qua hàng loạt khó khăn, từ sa lầy vào tình trạng thiếu hụt tài chính đến rào cản chính trị, dịch bệnh, khiến ngày khai trương trở thành “chuyện dài kỳ”, kéo dài hơn 20 năm.
Theo The New York Times, GEM nằm cách Đại kim tự tháp Giza chỉ hơn một dặm. Sự so sánh bảo tàng với các kim tự tháp cổ đại không chỉ nằm ở vị trí địa lý, mà còn ở mức độ phức tạp và tốn kém của quá trình thi công. Trong khi đại kim tự tháp mất khoảng 25 năm để hoàn thành, số năm xây dựng bảo tàng gần như tương đương (hơn 20 năm).
![]() ![]() ![]() ![]() |
GEM cuối cũng cũng mở cửa đón khách từ tháng 2/2025 sau hơn 20 năm xây dựng. |
Từ năm 2012, nhiều kế hoạch khai trương được công bố, nhưng nhanh chóng bị hủy bỏ vì nhiều lý do khác nhau. Theo thời gian, khách du lịch dần mất hy vọng với viễn cảnh mở cửa của điểm đến này. Không ít du khách quốc tế chia sẻ từng hủy kế hoạch đến Cairo vì thất vọng với những lần bảo tàng thất hẹn. Trên mạng xã hội, không thiếu những bình luận châm biếm như "đợi đến lúc nơi này mở cửa, có lẽ chúng ta đã nằm dưới đất lâu hơn cả pharaoh Tutankhamun".
Tuy nhiên, thời gian chờ đợi đã kết thúc. Giữa tháng 2 vừa qua, phần lớn khu vực chính của GEM bắt đầu đón khách. 11/12 phòng trưng bày chủ đề tại bảo tàng được hoàn thiện, cùng với đại sảnh rộng lớn và cầu thang lớn nơi trưng bày hàng loạt hiện vật quý hiếm chính thức đi vào hoạt động.
![]() |
Từ đại sảnh, một cầu thang triển lãm ngoài trời dẫn lối đến tầm nhìn tuyệt đẹp hướng ra các kim tự tháp Giza, đồng thời mở ra lối vào 12 phòng trưng bày chính của bảo tàng. |
Dù vậy, phòng trưng bày dành riêng cho hơn 5.000 cổ vật từ lăng mộ pharaoh Tutankhamen (điểm nhấn được mong đợi nhất) cũng như khu vực trưng bày hai con thuyền hoàng gia được phát hiện gần Kim tự tháp vào năm 1954 vẫn chưa mở cửa.
Các khu vực này dự kiến được hoàn thiện trong mùa hè 2025, với lễ khai trương chính thức được lên lịch vào ngày 3/7, dù vẫn còn nhiều hoài nghi về khả năng đúng hẹn.
Chưa trọn vẹn, nhưng những phần đã mở cửa của bảo tàng cũng đủ gây ấn tượng mạnh mẽ với những du khách yêu thích khảo cổ. Ngay bên trong lối vào bảo tàng là bức tượng pharaoh Ramses II cao hơn 9 m, nặng hơn 80 tấn - một tác phẩm bằng đá granit đỏ có lịch sử đầy kịch tính. Tác phẩm này từng bị vỡ thành sáu mảnh, trưng bày giữa vòng xoay Cairo suốt nửa thế kỷ trước khi được chuyển về bảo tàng năm 2006.
![]() |
Qua khung cửa kính tại The Grand Egyptian Museum, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của những kim tự tháp Giza cổ xưa. |
Từ đại sảnh, du khách có thể tiếp tục lên cầu thang lớn - nơi đặt các cột đá, quan tài và tượng cổ dọc hai bên. Ở tầng cao nhất, khung cảnh của 3 kim tự tháp Giza hiện ra ngoạn mục qua hệ thống cửa kính từ sàn đến trần - một tầm nhìn “triệu đô” hiếm có trong các bảo tàng hiện đại.
Hệ thống trưng bày được sắp xếp theo thời gian và chủ đề, từ thời tiền sử đến La Mã. Những cổ vật gây ấn tượng mạnh gồm bộ tượng ushabti màu lam được dùng làm người hầu cho người chết, xác ướp cá sấu khổng lồ và đặc biệt là bộ tóc giả 3.100 năm tuổi làm từ tóc người thật - chi tiết nhân văn hiếm thấy giúp kết nối hiện tại với quá khứ xa xôi.
![]() |
Tượng Ramses II cao hơn 30 feet và nặng hơn 80 tấn. |
Sự ra đời của GEM đã hoàn thiện “tam giác bảo tàng” tại Cairo, bao gồm National Museum of Egyptian Civilization (bảo tàng Quốc gia Văn minh Ai Cập, khai trương năm 2021 với bộ sưu tập xác ướp hoàng gia), The Egyptian Museum at Tahrir Square (bảo tàng Ai Cập cổ tại Quảng trường Tahrir) và The Grand Egyptian Museum (bảo tàng Ai Cập vĩ đại) – công trình khảo cổ lớn nhất thế giới, dành riêng cho nền văn minh Ai Cập cổ đại.
![]() ![]() |
Bộ sưu tập ushabti (những bức tượng nhỏ được để lại làm vật hầu cận cho người chết - ảnh trái) và khối đá của Amenemhat I, thường được sử dụng như một phần trong tước hiệu của vua Thượng và Hạ Ai Cập (ảnh phải). |
Với các món ăn phong phú và đặc sắc, Việt Nam được xếp vào danh sách những quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời của thế giới.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu hai cuốn sách Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt. Xuất bản năm 2017, đây có lẽ là những cuốn sách tranh ẩm thực đầu tiên của một tác giả Việt được xuất bản. Bằng những hình vẽ dễ thương và sinh động, vui tươi và hài hước, những trang vẽ của Đặng Hồng Quân khiến người xem như có thể mường tượng ra khung cảnh náo nhiệt của các hàng quà, thậm chí có đôi khi lộn xộn, nhôm nhoam như ngoài đời thực ta có thể vẫn bắt gặp.
> Đọc tiếp: 'Từ điển' món ngon nước Việt bằng tranh