Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mô hình trường THPT chuyên đã lạc hậu

Mô hình trường THPT chuyên không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không nhất thiết tỉnh/thành phố nào cũng phải có trường chuyên.

Học sinh thi vào trường THPT chuyên tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Đức Nguyễn/Tiền Phong.

TS Trần Thị Bích Ngân, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu mô hình giáo dục tài năng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết tuyển sinh trường THPT chuyên đang thực hiện qua 2 vòng sơ tuyển hồ sơ và thi tuyển. Phương thức tuyển sinh này cho thấy đề thi chưa phân hóa và đang thiếu công cụ đo EQ (chỉ số cảm xúc)/AQ (chỉ số vượt khó) của thí sinh.

Nhiều khoảng trống

Theo kết quả nghiên cứu của TS Bích Ngân, môn chuyên đang được giảng dạy bằng 150% thời lượng chuẩn; có 81% học sinh chuyên đánh giá chương trình giúp học sâu, nhưng chỉ 52% thấy hỗ trợ tốt cho định hướng nghề nghiệp, 48% chưa thấy đáp ứng tốt nhu cầu du học.

Điểm hạn chế nữa của trường chuyên hiện nay là kiểm tra đánh giá như học sinh bình thường dù chương trình có khác biệt.

Năm 2023, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã khảo sát trên 2.000 học sinh từ các trường THPT chuyên khắp cả nước.

Kết quả cho thấy phần lớn học sinh lựa chọn vào học trường chuyên là vì đội ngũ giáo viên trường chuyên rất giỏi; mong muốn phát triển tương lai và năng lực bản thân, học tập tại trường danh tiếng, môi trường học tập đa dạng,...

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam, đánh giá học sinh tài năng không chỉ là nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn một trong những chiến lược đào tạo quan trọng của quốc gia.

“Mặc dù việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh tài năng được chính phủ quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống”, ông Lê Anh Vinh nói.

Việt Nam có hệ thống trường chuyên, mang lại nhiều kết quả cao nhưng không có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản để dạy học sinh tài năng.

Việc tuyển chọn học sinh giỏi, năng khiếu hiện nay mới chỉ dừng lại ở những bài thi chuyên, còn nặng về học thuật như Toán, Lý, Hóa, Sinh… Vì vậy không đánh giá được tổng thể các năng lực khác của học sinh.

Các trường chuyên được giao trọng trách phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, hướng tới việc giành giải thưởng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vẫn chưa được thể hiện một cách rõ ràng.

“Chúng ta mong muốn thế hệ trẻ tương lai không chỉ xuất sắc về học thuật, mà còn toàn diện ở nhiều khía cạnh như thể thao, nghệ thuật và quan trọng là nhân cách.

Trường chuyên không chỉ là nơi dạy học sinh giỏi ở một lĩnh vực, giải một bài toán nhanh, mà giúp các em tiếp cận những bài toán phức tạp và thực tiễn”, GS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ.

Thay đổi hệ thống trường chuyên thế nào?

PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh mỗi học sinh đều sở hữu tài năng riêng, chỉ khác nhau về thời điểm nở hoa. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục truyền thống lại thất bại trong việc nhận diện và nuôi dưỡng những năng lực này, thay vào đó áp đặt các phương pháp dạy học cứng nhắc, khiến học sinh chán nản và mất động lực.

“Chúng ta dựa vào gì để đánh giá học sinh?”, TS Nam đặt ra câu hỏi. Câu trả lời không chỉ nằm ở kết quả học tập mà còn ở sự chấp nhận, thách thức và tình yêu thương mà giáo viên dành cho học sinh.

Để đào tạo tài năng hiệu quả, chuyên gia đề xuất cần thay đổi tư duy giáo dục. Thay vì ép buộc học sinh vào một mô hình học tập chung, nhà trường nên tạo môi trường linh hoạt, khuyến khích sự sáng tạo và tự khám phá.

GS Lê Anh Vinh cho rằng mô hình trường chuyên phù hợp với thời điểm ra đời, đào tạo được những lứa học sinh có thành tích cao, sau này phát triển và có đóng góp cho xã hội.

Thời điểm đó, mặt bằng chung của giáo dục Việt Nam thấp, cần môi trường tốt hơn để những học sinh có năng lực vượt trội học tập với yêu cầu thách thức cao.

Nhưng hiện tại, theo GS Lê Anh Vinh, mô hình trường chuyên cần trả lời được câu hỏi mục đích để làm gì? Trường chuyên có một số mục tiêu: Phát hiện nhân tài, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.

Nhưng phần lớn lãnh đạo các sở GD&ĐT, lãnh đạo tỉnh/thành phố đều nhìn vào KPI (chỉ số) rất ngắn hạn của trường chuyên là số lượng học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế.

Nhiều địa phương không chỉ đầu tư cơ sở vật chất mà hỗ trợ kinh phí lớn cho học sinh khi đạt giải. Nhưng sau đó, người đạt giải không tiếp tục theo học, nghiên cứu ngành đó?

Vì vậy phải xem xét lại đầu tư có hiệu quả không, bao nhiều học sinh ở hệ thống trường chuyên quay về làm việc tại địa phương?

Từ những phân tích này, GS Lê Anh Vinh khẳng định hệ thống trường chuyên cần thay đổi. Ông tính toán với 70 trường chuyên hiện nay, trung bình 40 học sinh/lớp thì cả nước có khoảng 2.800 học sinh học chuyên Toán, con số tương tự với chuyên Vật lý, chuyên Hóa học, chuyên Sinh.

Có khoảng trên 10.000 học sinh học chuyên khoa học tự nhiên mỗi khóa, nhưng trong số này, có bao nhiêu em theo học, nghiên cứu ngành tự nhiên? Chưa kể nếu mỗi môn học sinh theo hết thì cũng không có chỗ để học. Mô hình chuyên hiện nay quá cũ và lãng phí.

Đề xuất mô hình 3 tầng

Nhóm nghiên cứu của TS Trần Thị Bích Ngân nhận thấy để giáo dục học sinh tài năng cần quá trình tổ chức và triển khai các hoạt động giáo dục nhằm phát hiện, bồi dưỡng và phát triển tối đa năng lực của học sinh có khả năng vượt trội trong một hoặc nhiều lĩnh vực.

Ở đây, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra mô hình giáo dục cho học sinh tài năng là một hệ sinh thái 3 tầng gồm: Trường năng khiếu dành cho học sinh xuất sắc vượt trội; lớp phát triển tài năng cho học sinh có năng lực nổi trội trong trường phổ thông và câu lạc bộ ươm mầm tài năng bồi dưỡng theo sở thích và năng lực cá nhân.

Lãnh đạo một trường THPT chuyên tại Hà Nội cho rằng mô hình 3 cấp của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề xuất phù hợp với thực tiễn hiện nay. Mô hình trường chuyên đang đi sâu vào kiến thức hàn lâm và không dành cho số lượng học sinh nhiều như hiện nay.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Lớp học có hơn nửa học sinh đạt IELTS 8.0, SAT 1.500 trở lên

Lớp 12 Anh 1 của trường THPT chuyên Hà Tĩnh khiến nhiều người phải trầm trồ khi sĩ số 30 nhưng có 15 học sinh đạt mức điểm SAT từ 1.500 trở lên; 20 em đạt mức IELTS 8.0 trở lên.

https://tienphong.vn/mo-hinh-truong-thpt-chuyen-da-lac-hau-post1736440.tpo

Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm