Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mơ làm idol, người trẻ Hàn vắt kiệt sức trong 'lò luyện' thần tượng

Tương lai bấp bênh. Nhiều cám dỗ. Sức lực bị vắt kiệt. Hào quang lụi tàn. Đó là những lý do hầu hết bậc cha mẹ Hàn Quốc không muốn ủng hộ giấc mơ mang tên làm idol của con cái họ.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến câu chuyện người trẻ Hàn vắt kiệt sức lực và thời gian trong những "lò luyện" idol, nuôi giấc mộng giành ánh hào quang trên sân khấu. 

Khát khao gia nhập làng giải trí Kpop, hơn ai hết, Jeon Sung Won hiểu rõ vô vàn thử thách đang đón chờ. Anh cần nỗ lực tập luyện nhiều hơn nữa nếu muốn thành công. 

Đều đặn mỗi ngày trong tuần, sau khi hoàn thành việc học ở trường, chàng trai 19 tuổi lại miệt mài học thanh nhạc và piano. Vào cuối tuần và ngày lễ, buổi tập của Jeon bắt đầu lúc 10 giờ sáng và kéo dài đến quá nửa đêm.

Jeon đã duy trì thói quen sinh hoạt này trong vòng hơn một năm. Anh thừa nhận bản thân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần.

Nhưng với chàng trai, việc đẩy mình vào tình trạng quá tải là điều cần thiết.

Jeon biết rõ anh chỉ là một trong số hơn một triệu những thanh niên trên khắp Hàn Quốc đang ngày ngày lao đầu tập luyện miệt mài với ước vọng trở thành ca sĩ nổi tiếng.

Vừa luyện làm idol, vừa lo thi đại học

“Quy luật đào thải của làng giải trí luôn khắc nghiệt, tôi biết chẳng có gì có thể đảm bảo chắc chắn cho tương lai. Tôi chỉ còn biết luyện tập không ngừng để tạm quên đi nỗi lo lắng bủa vây”, Jeon chia sẻ.

“Ngay cả lúc nhảy nhót trong hàng giờ liền đến khi người thấm đẫm mồ hôi hay tập hát đến mức cảm giác họng khô rát, tôi biết mình vẫn không thể dừng lại”, anh nói thêm.

Trong làng giải trí xứ Hàn, câu chuyện tài năng không phải là yếu tố quyết định tất cả đều được ai nấy nằm lòng.

idol Kpop anh 1
Nhiều người khát khao trở thành idol trong làng nhạc Kpop, song không phải ai cũng bám trụ nổi vì quá trình đào tạo khắc nghiệt, vất vả.

“Ngay cả khi những thí sinh tiềm năng đã vượt qua buổi thử giọng, không hiếm người đành chấp nhận từ bỏ giấc mơ tỏa sáng trên sân khấu, dù rằng ai cũng nỗ lực hết mình cả”, Jeon kết luận.

Theo ước tính, tại buổi thử giọng, mỗi người phải đánh bại 1.000 người khác để giành suất vào vòng sau.

Nữ diễn viên Goo Ha Ra từng tiết lộ cô phải cạnh tranh với 8.000 đối thủ khi đăng ký thi tuyển tại SM Entertainment - một trong ba “ông lớn” quyền lực nhất ngành âm nhạc xứ kim chi.

Mặt khác, những người trong tầm tuổi như Jeon cũng đau đầu xoay xở với một vấn đề khốc liệt không kém: Kỳ thi đại học.

“Tôi muốn theo đuổi giấc mơ của mình, nhưng cũng buộc phải tính đường lui nếu mọi việc thất bại. Một tấm bằng đại học vẫn giúp những người như tôi kiếm được công việc khác nếu không trở thành ca sĩ”, Jeon chia sẻ.

Tương lai bấp bênh. Nhiều cám dỗ. Sức lực bị vắt kiệt. Hào quang lụi tàn.

Đó là những lý do hầu hết bậc cha mẹ Hàn Quốc không muốn ủng hộ giấc mơ mang tên làm idol của con cái họ.

“Ban đầu, bố mẹ gắng sức thuyết phục tôi chọn con đường khác, đề nghị tôi kiếm một công việc ổn định. Nhưng tôi đã thuyết phục họ rằng công việc văn phòng, bàn giấy chỉ đem lại tuyệt vọng, chán nản. Cuối cùng, hai người đổi ý và ủng hộ tôi”, Jeon kể lại.

Từ đó, cha mẹ Jeon sẵn sàng bỏ tiền để con trai theo học các lớp đào tạo idol. Trung bình mỗi tháng, học phí cho việc học thanh nhạc, vũ đạo và sáng tác rơi vào khoảng 1 triệu won, một con số không hề nhỏ.

idol Kpop anh 2
Để qua được vòng thử giọng đầu tiên, ước tính mỗi thí sinh phải đánh bại hàng nghìn đối thủ khác. 

“Gánh nặng tiền học khá lớn, nhưng cũng nhờ đó mà tôi có động lực làm việc chăm chỉ hơn. Tôi muốn trở thành ca sĩ nổi tiếng và báo hiếu lại cha mẹ mình”, anh chàng cho hay.

Mặc dù trông kiệt sức hoàn toàn sau khi luyện tập căng thẳng, Jeon hiếm khi đánh mất nụ cười trên môi.

“Âm nhạc là đam mê duy nhất của tôi, vì vậy tôi nghĩ mình thật may mắn khi được làm điều này. Sau này, tôi muốn âm nhạc của mình tác động đến khán giả”, Jeon bộc bạch.

Vùi đầu vào tập luyện để đạt sự hoàn hảo

“Các thực tập sinh đều phải trải qua quá trình gian khổ, có thể kéo dài nhiều năm để giành một suất ra mắt. Không thể đưa ra con số chính xác, nhưng xác suất thành công là cực kỳ thấp. Ai tạo dựng được phong cách âm nhạc riêng và tập luyện ngày đêm sẽ tự tăng cơ hội cho mình”, Noh Young Joo, CEO của Học viện Power Vocal, cho hay.

Noh là người từng trực tiếp đào tạo nhiều tên tuổi thần tượng Kpop nổi bật. Năm 2009, anh thành lập học viện. Hiện tại, công ty của anh đã trở thành một trong những nơi được hàng nghìn thanh thiếu niên mê âm nhạc tìm đến.

“Cơ hội mong manh song tôi mong các học viên không từ bỏ giấc mơ của họ. Ngay cả khi không được đứng trên sân khấu, họ vẫn có thể làm công việc liên quan đến âm nhạc, dựa trên những thứ họ đã học”, vị giám đốc cho biết.

idol Kpop anh 3
Kể cả khi đã ra mắt, các thần tượng vẫn phải cố gắng bằng mọi cách để tỏa sáng, công chúng nhớ mặt, nhớ tên.

Theo Noh, anh cảm thấy tự hào hơn là lo lắng khi thấy các học viên có một cuộc sống bận rộn, mệt mỏi khi theo đuổi đam mê.

“Các em đã chọn những gì mình muốn làm và hạnh phúc khi được làm những gì bản thân yêu thích”, Noh đúc kết.

Mặt khác, anh cho hay người trẻ tại xứ củ sâm còn quá rụt rè, tự ti.

“Thanh thiếu niên Hàn Quốc thường quá khiêm tốn. Tôi hy vọng họ trở nên mạnh bạo hơn vì tự tin là phẩm chất quan trọng”, Noh nói.

Song, vị giám đốc nhấn mạnh điều cần hơn hết là sức chịu đựng và tính kiên trì khi các thực tập sinh liên tục phải đương đầu với khó khăn và phấn đấu không ngừng nghỉ cho sự hoàn hảo.

Không chỉ người trẻ nước này nuôi giấc mộng tỏa sáng trên sân khấu, Hàn Quốc từ lâu đã là nơi thu hút các thực tập sinh ngoại quốc đến tìm kiếm cơ hội.

Hầu hết idol nước ngoài hoạt động trong showbiz Hàn đến từ các nước trong khu vực châu Á, bao gồm các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan chiếm phần đông.

Các công ty âm nhạc cũng dựa vào thực tế đó để nhắm ra mục tiêu thị trường quốc tế. Tham vọng bành trướng Kpop ra toàn thế giới là rất lớn, vì vậy các tài năng nước ngoài càng được săn lùng hơn.

Trả lời câu hỏi việc đào tạo thần tượng tại Hàn bị coi là bóc lột sức lao động, tạo ra các “sản phẩm công nghiệp” thay vì nghệ sĩ chân chính, Noh cho hay việc đó tùy thuộc vào lựa chọn của thực tập sinh.

“Một số công ty muốn các ngôi sao phải tuân theo các chiến lược và ý tưởng của họ, trong khi có nơi màu sắc cá nhân, cá tính âm nhạc được đề cao. Những người muốn theo đuổi nghiệp cầm mic cần hiểu rõ bản thân trước và quyết định phong cách nào họ thích”, vị CEO kết luận.

Giới trẻ Hàn chi mạnh, không tiếc tiền đưa thú cưng đi du lịch

Không nỡ để những chú cún, cô mèo cưng ở nhà, người trẻ Hàn mạnh dạn chi tiền để được đi du lịch cùng vật nuôi - điều họ coi là giúp chuyến đi ý nghĩa, thú vị hơn.


Trà My

Ảnh: SCMP

Bạn có thể quan tâm