“Mở lon Việt Nam” của Coca-Cola Việt Nam đang là đề tài bàn tán xôn xao trên mạng xã hội, sau khi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có công văn cho rằng việc sử dụng cụm từ này trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Đồng thời, công văn cũng khẳng định "Mở lon Việt Nam" không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Trong rất nhiều ý kiến tranh luận trên mạng, nhiều người đặt câu hỏi dưới góc độ ngôn ngữ, "Mở lon Việt Nam" có sai và không phù hợp thuần phong mỹ tục?
Cụm từ "Mở lon Việt Nam" được cho là có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ảnh: Coca-Cola Việt Nam. |
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - khẳng định bản thân từ “lon” không ảnh hưởng gì đến sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là từ được sử dụng phổ biến trong tiếng Việt với 5 nghĩa, gồm hai nghĩa thuần Việt và 3 nghĩa mượn từ tiếng nước ngoài.
Thứ nhất, lon chỉ loại động vật sống trong rừng, giống con cầy nhưng bé hơn. Nghĩa thứ 2, lon là cối nhỏ, thường được dùng để giã cua.
Mượn từ nước ngoài, lon là loại đồ đựng, bao bì. Nghĩa này được sử dụng nhiều như lon nước ngọt, lon bia. Từ đó, lon còn chỉ đơn vị đơn vị đo lường như lon gạo (tương đương ống bơ).
Cuối cùng, lon chỉ phù hiệu, quân hàm như lon trung úy, lon đại tá.
“5 nghĩa này có trong từ điển. Tra trong ‘Từ điển tiếng Việt’ của Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2017 hay 2019 đều thấy từ lon có nghĩa bình thường, được sử dụng phổ biến”, ông Tình cho biết.
Chuyên gia ngôn ngữ học này nói thêm việc lấy lý do từ này thêm dấu, mũ vào thành chữ mang nghĩa xấu là kiểu suy luận nguy hiểm. Không nên suy luận như vậy vì các trang quảng cáo bưởi, trứng lộn cùng nhiều trường hợp khác cũng sẽ vướng “nhạy cảm”.
Về mặt cấu trúc, PGS.TS Phạm Văn Tình nhận xét câu “Mở lon Việt Nam” không xấu, còn hay hoặc không hay là chuyện khác. Về tính thẩm mỹ, nó tùy thuộc cảm thụ của từng người.
Trong trường hợp cụ thể, phía doanh nghiệp có thể dùng “Mở lon Việt Nam”, “Bật lon trúng thưởng” hay “Bật lon phát tài”. Họ có quyền đưa tên địa danh, miễn là phù hợp mặt hàng, đồng thời đảm bảo lợi ích và thể hiện sự thân thiện.
“Trong quảng cáo, slogan, người ta có quyền nói ngắn gọn và lạ. Bản thân cái lạ cũng là cách thức để tạo ấn tượng”, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho hay.
Về mặt ngôn ngữ, nếu không dùng "lon", họ phải dùng từ gì? Trên thực tế, họ có thể dùng từ "hộp" để thay thế nhưng từ này không phù hợp nghĩa hoàn toàn và "lon" cũng phổ biến hơn.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết công văn yêu cầu chấn chỉnh được ban hành sau khi Cục kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng nội dung quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” của Coca-Cola Việt Nam.
Theo quan điểm của đơn vị trên, cụm từ này không có thông tin rõ ràng. Nếu đã nói “lon” thì phải gắn với tên sản phẩm như lon Coca-Cola, lon bia hay lon nước ngọt. Còn việc ngắt chữ “lon” không gắn với tên sản phẩm hàng hóa là không cung cấp thông tin rõ ràng về sản phẩm.
"Chưa kể, việc gắn chữ 'lon' mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như 'ở Việt Nam', 'tại Việt Nam'… là phản cảm và thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng như vậy”, bà Hương khẳng định.
Bà Hương cũng nói có thể hiểu và thông cảm với một doanh nghiệp nước ngoài khi họ vô ý xây dựng slogan quảng cáo không đảm bảo sự trong sáng tiếng Việt, không được tư vấn kỹ và phù hợp về từ ngữ, văn hóa Việt.