Ngày 6/9, bước sang ngày thứ 7 xét xử 51 bị cáo liên quan đại án Oceanbank, tòa tiếp tục mời 2 luật sư Nguyễn Thị Minh Phương và Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho ông Nguyễn Xuân Sơn) lên xét hỏi nhằm xác định tính chất hành vi của bị cáo nguyên là Tổng giám đốc ngân hàng Oceanbank.
Thẩm vấn nội dung xoay quanh việc PVN góp vốn vào ngân hàng Đại Dương, luật sư Tâm hỏi Sơn: Bị cáo có biết từ khi PVN bắt đầu góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương đã cử những ai làm người đại diện không? Sơn đáp: Từ khi PVN góp vốn, tập đoàn cử ông Nguyễn Ngọc Sự (Phó tổng giám đốc tập đoàn) làm người đại diện phần vốn. Thời điểm này Nguyễn Xuân Sơn đang đương chức Tổng giám đốc Oceanbank.
Sau ông Sự, bị cáo cho hay Tập đoàn PVN có quyết định cử bà Nguyễn Thị Thanh Hương sang làm người đại diện vốn. "Tôi có một lần được giới thiệu nhưng chưa có quyết định cử", bị cáo Sơn trình bày và khẳng định với luật sư rằng kể từ khi tập đoàn dầu khí góp vốn vào Oceanbank có 3 người được PVN cử làm người đại diện góp vốn.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Việt Hùng. |
Về thủ tục cử người, Nguyễn Xuân Sơn kể Chủ tịch PVN phải có quyết định bổ nhiệm người đó là đại diện phần vốn của tập đoàn. Sau đó, quyết định sẽ được gửi đến cho Ngân hàng Đại Dương. “Ngoài công văn giới thiệu, tôi khẳng định chưa bao giờ có quyết định được PVN cử sang làm đại diện người góp vốn cho tập đoàn", bị cáo Sơn khẳng định.
Luật sư công bố quyết định tháng 10/2008 của PVN, trong đó cử ông Nguyễn Ngọc Sự và Nguyễn Xuân Sơn làm đại diện vốn của tập đoàn này tại Oceanbank. "Quyết định này có nội dung: ông Sự (Phó tổng giám đốc tập đoàn PVN) được đại diện 12% vốn của PVN; ông Nguyễn Xuân Sơn (Trưởng ban trù bị thành lập Ngân hàng CP Hồng Việt) làm đại diện 8% vốn", luật sư Tâm nói. Vị luật sư cũng công bố quyết định hồi tháng 12/2008, trong đó cử ông Sự làm đại diện 20% vốn của PVN.
Luật sư cho rằng kể từ thời điểm đó, ông Sơn không còn đại diện vốn theo quyết định trước. "Như vậy anh làm đại diện vốn cho PVN trong chưa đầy 2 tháng"?. Trước câu hỏi của luật sư, Sơn đáp: "Dạ".
Theo bị cáo, khi ông có quyết định sang làm người đại diện vốn của PVN (năm 2008) thì tập đoàn này chưa góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương. "Tập đoàn góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương năm 2009, trước đó chỉ là giai đoạn chuẩn bị hồ sơ để góp vốn. Khi tập đoàn chưa góp vốn vào ngân hàng Đại Dương thì đã có quyết định", nguyên Tổng giám đốc Oceanbank cho hay.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu tại tòa ngày 6/9. Ảnh: Việt Hùng. |
Nghe thân chủ là bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói chưa bao giờ nhận được quyết định cử làm đại diện góp vốn góp vào Oceanbank của PVN, luật sư Nguyễn Minh Tâm xin phép HĐXX được hỏi người đại diện của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
“Ông Sơn không có quyết định bổ nhiệm làm người đại diện mà chỉ có công văn. Về mặt pháp lý, ông Sơn có đủ tư cách làm người đại diện tập đoàn không?”, luật sư Minh Tâm đặt câu hỏi. Người đại diện PVN đáp: “Không phải tập đoàn không có quyết định bổ nhiệm ông Sơn. Do thời gian dài, có thể anh Sơn không thu thập được tài liệu đó. Chúng tôi đã nộp cho cơ quan điều tra quyết định bổ nhiệm anh ấy và có 2 giai đoạn”. Tiếp lời, vị đại diện PVN cho biết theo quy chế của người đại diện, tập đoàn có thể dùng quyết định hoặc công văn giới thiệu người, đây chỉ là hình thức về mặt pháp lý.
Khi luật sư bào chữa cho bị cáo Sơn thắc mắc nếu 2 văn bản trên có giá trị như nhau thì tại sao phải bổ nhiệm rồi giới thiệu, đại diện PVN giải thích việc này được quy định trong quy chế. Theo đó, tập đoàn có thể cử hoặc giới thiệu người đại diện. “Đây là thủ tục giữa dầu khí với Đại Dương. Quyết định chỉ mang tính nội bộ của Tập đoàn Dầu khí”, người đại diện PVN khẳng định đồng thời cho biết khi Oceanbank chấp nhận người đại diện, đó mới là bước quan trọng để xác định địa vị pháp lý của người đại diện.
Không đồng ý với câu trả lời của đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng giải thích như trên không thỏa đáng về mặt pháp luật. Bị cáo này ví von: “Tôi có quyết định làm tổng giám đốc mà chưa công bố, vẫn đút ngăn bàn thì tôi cũng chưa được làm tổng giám đốc”.
Về việc này, bị cáo Hà Văn Thắm cũng nhận định quyết định đại diện vốn góp của anh Sơn là vô hiệu. Lý do bị cáo này đưa ra là theo luật các tổ chức tín dụng, tổng giám đốc không đươc kiêm nhiệm các chức vụ ở công ty khác.
“Đó là lí do bị cáo không đồng ý với quyết định đó, phải chuyển sang anh Nguyễn Ngọc Sự. Quyết định đó là vô hiệu vì sai luật. Sau khi anh Sơn chuyển đi chức vụ tổng giám đốc là do Ngân hàng nhà nước phê duyệt, không phải ai thích nghỉ thì nghỉ và bổ nhiệm bà Thu chỉ là bổ nhiệm thừa”, Hà Văn Thắm nói.
Theo ghi nhận của Zing.vn, trong phiên tòa sáng 6/9, có 4 nhóm luật sư được HĐXX mời tham gia xét hỏi các bị cáo. Đây là những luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank); Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank); Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh) và Nguyễn Minh Thu (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank).
Trong số hơn 10 bị cáo và người liên quan được mời thẩm vấn sáng nay, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn được các luật sư tập trung hỏi nhiều nhất. Các câu hỏi dành cho bị cáo xoay quanh chủ trương thu phí ngoại tệ, thu phí ngoài của Oceanbank; đường đi của 500 tỷ đồng mà Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay; cũng như tính chất, hành vi của Nguyễn Xuân Sơn với cáo buộc chiếm đoạt, tham ô 49 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
11h25, tòa tạm dừng và tiếp tục diễn ra chiều nay.