Cảnh báo về thói quen này, GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc bệnh viện Tai mũi họng trung ương cho biết: “Việc các tuyến tiết ra chất bã (còn gọi là ráy tai) là cơ chế bình thường. Chất này có tác dụng bảo vệ, làm sạch ống tai, do trong đó có kháng sinh, chất kết dính để đảm bảo không cho vi khuẩn, nấm xâm nhập”.
Dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, tự khô rồi bong ra mà không cần tác động của con người.
Ống tai có tác dụng truyền dẫn âm thanh, nên người có thói quen ngoáy tai hàng ngày rất dễ khiến bộ phận này bị xước, thậm chí viêm phù nề, ảnh hưởng đến sức nghe. Nếu trong trường hợp tai có cảm giác ngứa, chúng ta cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra bệnh lý không chứ không nên tự động lấy ráy tai.
Đặc biệt, ống tai ngoài da rất mỏng, nên việc ngoáy tai thường xuyên sẽ khiến bộ phận này dễ bị tổn thương sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như rối loạn tiết ráy, ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ cơ quan thính giác; bít tắc ông tai, gây ngứa, hoặc các bệnh như là nấm, viêm.
Vì vậy, bác sĩ Dinh khẳng định: “Chúng ta không bao giờ được tự ý ngoáy và lấy ráy tai. Các bạn nên đến bác sĩ để được lấy ráy tai bằng dụng cụ của thầy thuốc chuyên khoa.
Trong quá trình điều trị, một bác sĩ của bệnh viện Xanh Pôn từng chứng kiến rất nhiều ca bị mọc nhọt, viêm, chảy máu ống tai thậm chí thủng màng nhĩ vì thói quen này. Ngoài ra, một số bệnh nhân cao tuổi còn bị bông rơi, mắc lại trong tai gây ù mà không hề hay biết. Chỉ khi thính giác kém, buộc phải đi kiểm tra bác sĩ, họ mới phát hiện ra điều đó.
Bác sĩ này cũng khẳng định những bệnh nhân tự ý lấy ráy tai thường xuyên có tỷ lệ mắc các bệnh như viêm ống, mọc nấm trong cơ quan thính giác nhiều hơn.
Bên cạnh thói quen tự ngoáy tai tại nhà, cánh mày râu còn có sở thích lấy ráy mỗi khi đi cắt tóc. Nhưng điều đó cũng khiến họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh cho biết: “Do dụng cụ không được sát trùng nên việc lấy ráy tai ngoài hàng làm gia tăng nguy cơ nấm tai, lây chéo các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV. Hơn nữa dụng cụ mà các hàng cắt tóc sử dụng thường sắc nhọn có thểm đâm vào thành ống tai gây viêm”.
Nhiều trẻ nhỏ và thậm chí là người lớn khi tắm thường bị nước vào tai và xử lý bằng cách dùng bông ngoáy, nhưng theo các bác sĩ đây là hành động sai lầm. Tai có cấu tạo dạng ống nên nước chảy vào sẽ có đường để thoát ra. Chúng ta chỉ cần nghiêng đầu, lấy tay ấn nhẹ vào phần sụn nhô phía trước là lập tức nước sẽ chảy ra.