Thông tin từ Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế - cho biết chiều 26/12/2019, đơn hàng đầu tiên nhập khẩu gấp 50.000 viên thuốc Tamiflu đã được thông quan vào Việt Nam. Sau đó, nhà nhập khẩu tiến hành thủ tục bổ sung tem nhãn phụ cho lô thuốc và cung ứng cho các bệnh viện có nhu cầu.
Đến thời điểm này, theo tin từ một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, trong lô hàng khoảng 50.000 viên Tamiflu nhập khẩu về nước nói trên, mỗi bệnh viện được cấp từ 1.000-2.000 viên. Điều này đã tạm giải quyết được “cơn sốt” thuốc Tamiflu trên thị trường.
Thuốc Tamiflu vừa được nhập khẩu thêm về Việt Nam. Ảnh: An Ninh Thủ Đô. |
Dự kiến lô thuốc Tamiflu tiếp theo (khoảng 140.000 viên) được nhập khẩu về trong tháng 1 để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh.
Để tránh tình trạng khan hiếm “giả” thuốc Tamiflu, Cục Quản lý Dược đề nghị người dân không tự ý điều trị cúm, chỉ sử dụng thuốc Tamiflu khi được bác sĩ kê đơn. Việc tự sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ sẽ không đảm bảo an toàn và gây kháng thuốc.
Theo TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương, Tamiflu không phải thuốc thần thánh đến mức nhiều người phải đổ xô đi mua về dự phòng, điều trị, khiến giá bị đẩy lên gấp 4-5 lần.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, với những trường hợp bị cúm phải nhập viện, bác sĩ sẽ căn cứ từng diễn biến và biến chứng của bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, dùng kết hợp nhiều thuốc chứ không riêng Tamiflu.
TS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo khi trẻ bị cúm, có 3 biện pháp quan trọng cần làm ngay. Đầu tiên là chú ý hạ sốt cho trẻ, kiểm soát nhiệt độ dưới mức 38,5 độ C để tránh co giật; thứ hai là vệ sinh đường hô hấp bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc miệng hàng ngày, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Cuối cùng, cần hạn chế tiếp xúc với trẻ vì 60%-70% virus, vi khuẩn trong hầu họng có khả năng gây bệnh, khi tiếp xúc gần có thể vô tình làm trẻ nặng lên hoặc lâu khỏi hơn.