Tamiflu là loại thuốc được dùng để điều trị cúm. Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, loại thuốc này trở nên khan hiếm, bị đẩy giá gấp nhiều lần.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, khuyến cáo người dân đang có những ngộ nhận sai lầm về Tamiflu.
Tại các hiệu thuốc ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều không còn thuốc Tamiflu. Ảnh: HQ. |
Chỉ dùng trong 48 giờ đầu với cúm A
Theo PGS Dũng, đối với cúm, đặc biệt cúm A, các thuốc kháng virus được chỉ định để điều trị, trong đó có Tamiflu. Tuy nhiên, Tamiflu chỉ được chỉ định để điều trị cúm trong các trường hợp nhất định. Đầu tiên, bệnh nhân phải được xác định mắc cúm A. Thứ hai, người bệnh mắc cúm A phải phát hiện trong 48 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng.
“Khi virus cúm xâm nhập cơ thể, nó không phải là tế bào nên phải chui vào tế bào của con người rồi nhân lên. Tamiflu chỉ có tác dụng không làm virus nhân lên, chứ không phải giết chết chúng. Điều đó có nghĩa Tamiflu chỉ có tác dụng ức chế virus và trong 48 giờ đầu. Sau thời gian này, dùng Tamiflu sẽ không có tác dụng với virus cúm”, PGS Dũng phân tích cơ chế.
Cúm có thể tự khỏi không cần Tamiflu
Virus cúm chỉ nhân lên trong vòng 48 giờ khi xâm nhập vào cơ thể chúng ta. PGS Dũng cho hay sau 48 tiếng, cơ thể sẽ tự loại con virus này.
“Với người bình thường, không có các bệnh lý từ trước, đang khỏe mạnh và bị mắc cúm cúm A, cơ thể sẽ tự loại bỏ virus cúm mà không cần đến sự hỗ trợ của Tamiflu. Thông thường, sau 3-5 ngày, người mắc cúm sẽ giảm sốt, sau 7 ngày sẽ khỏi. Đa số đều khỏi sau khoảng một tuần, chỉ khoảng 1/10 người sau đó còn có ho, nghẹt mũi, đau cơ,… nhưng cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe”, PGS Dũng khẳng định.
Tamiflu bắt buộc phải kê đơn
“Tamiflu là một loại thuốc kháng virus nếu muốn mua phải có đơn của bác sĩ và trước đó, người bệnh phải đi khám thì mới có đơn”, PGS Dũng khuyến cáo.
Theo chuyên gia này, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc này với các đối tượng:
- Người có thể trạng đặc biệt như trẻ dưới 2 tuổi; người già trên 50 tuổi; phụ nữ có thai.
- Người đang mang trong mình một bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn tính, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường,…
- Những người mắc cúm nặng. Cúm thông thường không cần dùng thuốc. Chỉ có bác sĩ mới xác định đó có phải là cúm nặng hay không, nếu xác định nặng mới kê đơn và cho nhập viện.
Do đó, nếu không phải các đối tượng trên, đặc biệt chỉ mắc cúm nhẹ, người dân không nên dùng Tamiflu.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhi mắc cúm thấp hơn năm 2018. Ảnh: HQ. |
Dùng sai nguy hiểm tính mạng
PGS Dũng khuyến cáo người dân chỉ dùng Tamiflu khi được bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không tự y mua để dùng khi chưa được thăm khám. Đặc biệt, trước tình trạng thuốc khan hiếm, nhiều người tìm đặt mua qua mạng và hàng xách tay, chuyên gia cảnh báo hành động này rất nguy hiểm.
“Thuốc là mặt hàng đặc biệt, vì vậy, không có bất kỳ một quốc gia nào bán hàng qua mạng. Tamiflu là một loại thuốc kháng virus nên là thuốc kê đơn trên toàn thế giới. Do vậy, bán thuốc qua mạng không những sai về pháp lý pháp luật mà còn sai về mặt khoa học. Nếu người dân mua rất nguy hiểm, vừa tốn tiền vừa ảnh hưởng tới tính mạng khi đối mặt với nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng vì không được bảo quản đúng cách”, PGS Dũng phân tích.
Ngoài ra, đây không phải thuốc đặc biệt. Do đó, chúng có giá rẻ, thông thường khoảng 50.000 đồng/viên. Việc người dân đổ xô đi mua thuốc này về dùng, thậm chí trữ sẵn trong nhà đang khiến giá thuốc bị đẩy lên cao mỗi ngày.
“Trung bình một người dùng 2 viên/ngày, cả đợt điều trị 5 ngày là 10 viên, số tiền sẽ lên đến hàng triệu đồng. Trường hợp không cần dùng Tamiflu mà vẫn dùng, người dân có thể bị hại vì thuốc này có thể gây dị ứng, hại thận”, PGS Dũng cho hay.
Tamiflu không phải cách duy nhất trị cúm
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho hay hiện nay, số lượng thuốc Tamiflu 75 mg tồn kho tại công ty phân phối là 1.720 viên, trong đó, cục đã điều động 1.000 viên cho Bệnh viện Nhi Trung ương. Như vậy, số thuốc còn lại rất hạn chế.
Tuy nhiên, PGS Dũng cho hay việc hết Tamiflu không gây ảnh hưởng tới việc chữa bệnh. Bởi số người cần dùng rất ít. “Những trường hợp vào viện, tức là cúm nặng, chúng tôi không chỉ chữa bằng Tamiflu. Chúng tôi dùng các thuốc khác đắt gấp 10 lần, thở máy, dùng kháng sinh phòng bội nhiễm, truyền dịch để giữ huyết áp cho bệnh nhân. Tamiflu chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong kế hoạch điều trị. Trường hợp mắc cúm nặng vào viện hết Tamiflu không ảnh hưởng, bệnh nhân vẫn chữa được”, PGS Dũng khẳng định.