Sáng 20/12, tại hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh , Bộ Y tế, có một số khuyến cáo liên quan thuốc Tamiflu.
"Quan trọng là phòng bệnh"
Theo ông Khuê, Tamiflu không phải thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ hỗ trợ điều trị. Trong kế hoạch phòng chống dịch cúm của Bộ Y tế, dự trữ Tamiflu cũng không phải phương án số một.
"Quan trọng nhất là phòng bệnh và giải quyết tốt các nhiễm trùng cơ hội”, ông Khuê nói.
Ngoài ra, người dân có thể tiêm vắc xin để phòng cúm và phòng hộ cá nhân, trong đó gồm uống đủ nước, giữ ấm cơ thể, chân và đầu.
Để đáp ứng nhu cầu thuốc trong bối cảnh dịch cúm đang gia tăng, ngày 19/12, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã yêu cầu Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 - đơn vị cung cấp thuốc Tamiflu - khẩn trương nhập khẩu thuốc Tamiflu 75 phục vụ nhân dân.
Theo ông Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong điều trị cúm, Tamiflu là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi với chỉ định của bác sĩ.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho rằng nhiều người có thói quen dùng thuốc tràn lan. Cứ khi có dịch cúm, người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu là không cần thiết.
"80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị", ông Kính nói.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh , Bộ Y tế, khuyến cáo: “Tamiflu không phải thuốc đặc trị chữa khỏi cúm". |
Giá thuốc tăng 4-5 lần
Ghi nhận của phóng viên ngày 20/12 tại một số hiệu thuốc ở Hà Nội cho thấy giá thuốc Tamiflu tăng khoảng 4-5 lần so với 45 nghìn đồng/viên đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế kê khai.
Tại một cửa hàng thuốc ở Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), chủ cửa hàng cho hay giá Tamiflu đắt nên không có sẵn. Khi khách đặt, cửa hàng vẫn nhập được thuốc này về.
"Hiện tại, không thiếu Tamiflu, người cần mua vẫn có. Giá thuốc tăng từ 130-150 nghìn/viên", người này nói.
Khi được khách nhờ mua, người này hỏi thêm một số cửa hàng xung quanh, thì vẫn có Tamiflu, giá 90-150 nghìn/viên.
Cũng theo chủ cửa hàng thuốc này, số lượng người mua Tamiflu đột nhiên tăng nhanh thời gian gần đây, nhiều người mua về dự trữ. Người dân đổ xô đi mua làm giá thuốc bị đẩy lên cao. Tamiflu cũng có nhiều loại hàng nhái, nếu mua ở nơi không tin cậy, dễ gặp hàng giả.
Khảo sát tại 5 cửa hàng thuốc ở Thanh Xuân, Hà Nội, phóng viên ghi nhận chỉ có một nơi còn Tamiflu, bán giá 180 nghìn đồng/viên. Tuy nhiên, số lượng còn lại chỉ là 20 viên.
Tại một cửa hàng khác, dù hết hàng, chủ cửa hàng cho biết có thể lấy hộ cho khách, giá gần 200 nghìn đồng/viên.
Chị Dung - đang làm việc tại công ty phân phối thuốc - cho biết: “Hiện, khách muốn mua nhiều cũng không có bán, vì hàng đang khó nhập về”.
Theo chị Dung, nếu bình thường giá thuốc Tamiflu 75 mg từ 45-50 nghìn đồng/viên, nay giá đã lên đến 180.000 đồng/viên.
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho hay so với cùng kỳ 11 tháng năm 2018, năm nay, cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong, giảm 10,4% số mắc và hai trường hợp tử vong.
Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới, cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A (H1N1) và B.