Yuanyuan Zhu, một phụ nữ gốc Hoa, 26 tuổi, kể rằng cô đang phải trải qua một thời kỳ khó khăn từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Zhu đã định cư ở Mỹ được 5 năm.
Hôm 9/3, cô bị một người đàn ông lạ mặt người Mỹ chửi bới, lăng mạ khi họ vô tình chạm mặt nhau trên đường đến phòng gym ở San Francisco. Cô gái trẻ đã rất sốc và ngay khi tới phòng gym, cô đã lặng lẽ khóc một mình.
Từ khi đại dịch Covid-19 tràn qua nước Mỹ, người Mỹ gốc Hoa phải đối mặt với một mối đe dọa kép.
Yuanyuan Zhu, một người Mỹ gốc Hoa, đang phải trải sự kỳ thị nặng nề từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: TNYT. |
Họ không chỉ vật lộn với cuộc sống bị đe dọa bởi virus mà còn phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc ngày càng gia tăng dưới hình thức tấn công bằng lời nói và cả những tấn công về mặt thể xác.
Những người Mỹ gốc Á khác, chẳng hạn như các gia đình từ Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Myanmar, cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa tương tự.
Trong các cuộc phỏng vấn trong tuần qua, gần hai chục người Mỹ gốc Á trên khắp nước Mỹ cho biết họ sợ đi mua sắm, sợ phải đi một mình trên tàu điện ngầm, trên xe buýt hoặc để cho con cái họ ra ngoài.
Nỗi ám ảnh vì bị kỳ thị
Tình hình trở nên tệ hơn khi Tổng thống Donald Trump được cho là có hành vi kích động các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc.
Cộng đồng người Mỹ gốc Á nói rằng ông Trump và các đồng minh Cộng hòa thậm chí còn gọi virus corona là “virus Trung Quốc”. Trong khi trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định không sử dụng vị trí địa lý khi đặt tên bệnh để tránh các ảnh hưởng tiêu cực, chẳng hạn như nạn phân biệt chủng tộc.
Ông Trump bác bỏ hoàn toàn những quan điểm cho rằng phát ngôn của ông sẽ làm tình hình phân biệt chủng tộc với người Mỹ gốc Á trở nên tồi tệ hơn.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng tôi luôn luôn bảo vệ cộng đồng người Mỹ gốc Á”, ông Trump tuyên bố trên Twitter hôm 16/3.
Tony lo ngại rằng con trai mình, Larry, sẽ bị bắt nạt ở trường bởi bạn bè gốc Mỹ. Ảnh: TNYT. |
“Nếu họ tiếp tục sử dụng những thuật ngữ này, bọn trẻ sẽ bắt chước”, Tony Du - một nhà dịch tễ học ở Howard County – chia sẻ. Anh lo ngại rằng con trai mình, Larry, sẽ bị bắt nạt và chế nhạo bởi bạn bè gốc Mỹ.
Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác nào, các nhóm vận động và các nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Á vẫn bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình trạng gia tăng các cuộc tấn công bằng lời nói và hành động với cộng đồng của họ trên báo chí.
Đại học bang San Francisco đã khảo sát và chỉ ra số lượng các bài báo liên quan đến virus corona cùng với nạn phân biệt đối xử với châu Á đã tăng 50% từ ngày 9/2 đến ngày 7/3.
Ông Russell Jeung - một giáo sư người Mỹ gốc Á, chủ biên của nghiên cứu trên - cho biết các số liệu được nêu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Giáo sư Jeung đã thiết lập một trang web gồm 6 ngôn ngữ châu Á để thu thập các báo cáo về tình trạng này. Kết quả, ông thu được 150 báo cáo trong vòng 5 ngày.
Benny Luo, một người Mỹ gốc Á, đã sáng lập và điều hành NextShark - trang web tập trung thu thập tin tức của người Mỹ gốc Á.
Anh cho biết trang web này thường nhận được một vài mẩu tin tức về hành vi phân biệt chủng tộc mỗi ngày. Nhưng gần đây, họ nhận được hàng tá câu chuyện cùng chủ đề.
Khi sự kỳ thị trở thành bạo hành
Tại Thung lũng San Fernando ở California, một cậu bé người Mỹ gốc Á 16 tuổi đã bị đánh đập tới mức phải đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Những kẻ chuyên bắt nạt khẳng định cậu bé đã nhiễm Covid-19 chỉ vì cậu có nguồn gốc châu Á.
Ở New York, một người phụ nữ gốc Á đã bị tấn công vì đeo khẩu trang ở ga tàu điện ngầm Manhattan. Một người đàn ông ở Queens bị bám đuôi đến trạm xe buýt, sau đó bị mắng chửi và đánh vào đầu ngay trước mặt đứa con trai 10 tuổi của mình.
Cộng đồng người Mỹ gốc Á đã bắt đầu có những hành động tự vệ.
Một nhóm Facebook gồm những người châu Á ở New York vừa được thành lập. Các chủ cửa hàng súng ở khu vực Washington D.C. cho biết lần đầu tiên trong lịch sử, họ chứng kiến sự gia tăng khách hàng người Mỹ gốc Hoa.
Ông Du, 48 tuổi, dự định mua một khẩu súng trường kiểu AR-15 để tự vệ. Ảnh: TNYT. |
Ông Du, 48 tuổi, cho biết ông thậm chí còn dự định mua một khẩu súng trường kiểu AR-15.
“Thảm họa Katrina không còn xa nữa đâu” ông nói, ám chỉ tình trạng bất ổn ở New Orleans sau cơn bão Katrina năm 2005.
“Khi tình trạng tồi tệ ấy xảy ra, tôi thuộc thiểu số. Mọi người có thể dễ dàng nhận biết khuôn mặt Trung Quốc của gia đình chúng tôi. Con trai tôi cũng sẽ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khi đi ra ngoài”, ông Du chia sẻ.
“Đó là cái nhìn của sự khinh bỉ, kiểu như là: ‘Sao mày dám tồn tại trong thế giới của tao? Mày gợi bọn tao nhớ đến nguồn gốc của căn bệnh này và tụi mày không thuộc về nơi đây”, Chil Kong – một người Mỹ gốc Hàn – nói về cảm nhận của anh khi bị kỳ thị.
Kong bổ sung: “Thực sự khó khăn khi bạn lớn lên ở Mỹ và hy vọng rằng tất cả đều được đối xử công bằng. Điều đó không tồn tại”.
Một cuộc tranh luận giữa những người Mỹ gốc Á đã được đưa ra về việc có nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng hay không.
Nhiều thành viên đồng ý rằng đeo khẩu trang khiến họ dễ bị chú ý và trở thành nạn nhân phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, không đeo khẩu trang mang lại mối hiểm họa khác, chính là nguy cơ lây nhiễm virus trong cộng đồng.