Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối liên quan giữa vấn đề tai mũi họng và chứng tự kỷ ở trẻ

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã cố gắng xác định lý do khiến một số người mắc chứng tự kỷ hoặc có các đặc điểm của chứng tự kỷ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các vấn đề tai, mũi, họng ở trẻ có thể là một phần nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ. Ảnh: Medical News Today.

Theo US News, nghiên cứu mới từ Vương quốc Anh phát hiện trẻ nhỏ có vấn đề về tai mũi họng thường được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ sau này. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí BMJ Open.

Điều này không có nghĩa là tất cả trẻ nhỏ bị nhiễm trùng tai cuối cùng sẽ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Nó cũng không có nghĩa tất cả người mắc chứng tự kỷ đều bị nhiễm trùng đường hô hấp trên khi còn nhỏ.

Nhưng theo các nhà điều tra tại Đại học Bristol và Đại học Aston ở Anh, đây có thể là một phần của một danh sách dài các lý do tiềm ẩn, kết hợp với nhau theo nhiều cách khác nhau.

Xem xét mối liên quan

Alycia Halladay, Giám đốc khoa học của Tổ chức Khoa học Tự kỷ ở Scarsdale, New York, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Rõ ràng, bản thân nhiễm trùng tai hoặc các vấn đề về tai mạn tính không gây ra bệnh tự kỷ. Nhưng nó có thể là sự kết hợp của nhiều thứ. Vì thế, chúng ta cần bắt đầu xem sự kết hợp đó gồm những yếu tố nào”.

Theo chia sẻ từ các bà mẹ, ngáy - một trong trong các triệu chứng được xem xét - xuất hiện ở khoảng 1.700 trẻ khi chúng 2,5 tuổi. Nhưng hầu hết trong số đó (khoảng 1.660 trẻ) không nhận chẩn đoán mắc chứng tự kỷ sau đó.

Tiến sĩ Amanda Hall, tác giả nghiên cứu, nhà nghiên cứu cấp cao danh dự tại trường Y Bristol, giảng viên cấp cao về thính học tại Đại học Aston ở Birmingham, cho biết: “Hầu hết trẻ em có dấu hiệu nhiễm trùng tai không mắc chứng tự kỷ nên việc sàng lọc những trẻ bị bệnh này không có tác dụng gì. Tuy nhiên, nghiên cứu có thể hữu ích theo hướng nó khuyến khích gia đình cho trẻ tự kỷ kiểm tra các vấn đề tai, mũi, họng thông thường”.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét các mối liên hệ này bằng cách sử dụng dữ liệu từ hơn 10.000 trẻ em trong nghiên cứu Trẻ em thập niên 90 ở Vương quốc Anh. Nghiên cứu theo dõi những đứa trẻ sinh vào đầu những năm 1990 tại khu vực Bristol.

Các tác giả hiện tại đã xác định 177 trẻ nhỏ trong bộ dữ liệu có khả năng được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ.

Mẹ của những trẻ này đã trả lời bảng câu hỏi về tần suất của 9 dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến tai, các vấn đề về thính giác, hệ hô hấp trên của con họ khi các em khoảng 1,5-3,5 tuổi.

Các triệu chứng bao gồm ngáy, thở bằng miệng, kéo hoặc ngoáy tai, tai đỏ và đau, thính giác kém hơn khi bị cảm lạnh, chảy mủ tai và hiếm khi nghe thấy người khác nói gì.

Kết quả cho thấy trẻ xuất hiện triệu chứng này càng nhiều lần, đánh giá nguy cơ mắc tự kỷ càng cao với các đặc điểm như giao tiếp xã hội kém, lời nói không mạch lạc, hành vi lặp đi lặp lại và chẩn đoán lâm sàng về bệnh tự kỷ. Liên kết này đặc biệt rõ ràng khi trẻ 30 tháng tuổi.

tu ky o tre anh 1

Các nhà nghiên cứu phỏng đoán vị trí, cấu trúc tai khác biệt có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Ảnh: Freepik.

Một số triệu chứng thường liên quan đến chứng tự kỷ

Theo nghiên cứu, những đứa trẻ có mủ hoặc chất nhầy dính chảy ra từ tai có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ cao gấp 3 lần trẻ bình thường. Con số này ở trẻ suy giảm thính lực khi bị cảm lạnh là 2 lần.

Mặc dù nghiên cứu không khám phá chính xác lý do trẻ em mắc các vấn đề về nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể dễ mắc chứng tự kỷ hơn, tiến sĩ Hall cho biết một lời giải thích có thể là sự khác biệt về cấu trúc và vị trí của tai.

Bà cho hay ở cấp độ nhóm trẻ tự kỷ có cấu trúc, vị trí tai khác, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tai, mũi, họng. Tuy nhiên, nghi vấn vẫn tồn tại quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Hall cho biết: “Nghiên cứu này không cho phép chúng tôi phân biệt liệu các vấn đề về tai, mũi, họng có liên quan đến sự phát triển sau này của bệnh tự kỷ hay liệu chúng có phải là tình trạng đồng thời xảy ra ở người tự kỷ hay không”.

Tại Mỹ, khoảng 1/36 trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, tỷ lệ bé trai nhiều hơn bé gái.

Tiến sĩ Halladay cho biết 2 trong số các gợi ý về nguyên nhân có thể góp phần gây ra chứng tự kỷ là di truyền và vấn đề ở hệ miễn dịch của người mẹ trong thời kỳ mang thai. Nghiên cứu mới này bổ sung thêm nguyên nhân có thể gây tự kỷ.

Bà Halladay nói thêm dù có lo lắng về chứng tự kỷ hay không, phụ huynh nên đưa con đến bác sĩ nhi khoa khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng tai. Ngoài ra, việc theo dõi cẩn thận tình trạng của trẻ bị nhiễm trùng tai cũng không có hại gì.

Halladay nói: "Chúng ta đều biết nhiễm trùng tai mạn tính có thể cản trở thính giác trong quá trình trẻ phát triển. Điều đó có thể ảnh hưởng đến lời nói, ngôn ngữ".

Bà giải thích thêm việc chú ý đến cách phát triển các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ cũng không có hại gì.

Trong khi đó, Hall cho biết điều quan trọng là phải biết rằng các dấu hiệu, triệu chứng về tai, mũi, họng phổ biến hơn ở trẻ tự kỷ và để đảm bảo chúng được xác định, điều trị kịp thời.

Bà nói thêm các nghiên cứu để tìm ra cách tốt nhất nhằm xác định, xử lý các vấn đề tai, mũi, họng ở trẻ tự kỷ và liệu có cần can thiệp sớm không cũng cần được tiến hành.

Chữa lành bằng sách

Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:

Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.

Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.

Chẩn đoán chứng tự kỷ ở bé gái khó hơn bé trai

Tỷ lệ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ tăng nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Số bé gái bị tự kỷ cũng tăng nhưng việc chẩn đoán ở đối tượng này vẫn khó hơn bé trai.

Nguyên Lê

Bạn có thể quan tâm