Theo TS Khanh, có ngày Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai tiếp nhận tới 4-5 ca sảng rượu. Điều đáng nói, người sảng rượu ngày càng trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi 30-40 tuổi. Triệu chứng này hay gặp ở những người nghiện rượu nặng.
BS Khoa tiêu hóa đang thăm khám bệnh nhân sảng rượu. |
Cũng theo TS Khanh, một trong những triệu chứng rất nguy hiểm do rượu mang lại sảng rượu. Những người sảng rượu vẫn uống khi sức khỏe yếu, thậm chí không ăn được cơm nhưng bữa nào cũng phải uống 1/2 chén rượu. Khi họ bị sốt, biến chứng xơ gan, xuất huyết tiêu hóa, phải vào Khoa Tiêu hóa chữa xơ gan, lúc đó họ buộc phải dừng rượu thì sẽ gây ra hội chứng cai, dẫn tới bị sảng rượu, la hét, hoảng loạn, vật vã.
TS Khanh cho biết, triệu chứng sảng rượu thường xuất hiện vào ngày thứ 3-4 sau khi bệnh nhân dừng bia, rượu. Diễn biến nặng của bệnh sẽ khó cho các bác sĩ phân biệt sảng rượu và tiền hôn mê gan. Những người có suy gan nặng, lại có hội chứng cai thì khi có triệu chứng, bệnh nhân nằm im, hôn mê hoặc vĩnh viễn không tỉnh lại, khó khăn trong điều trị...
Theo TS Khanh, những ngày sau Tết, khá nhiều bệnh nhân phải nhập viện với bệnh lý tổn thương gan mãn tính, xơ gan, ung thư gan và viêm tụy, đặc biệt là viêm tụy cấp vì rượu. Hầu như ngày nào Khoa cũng tiếp nhận 4-10 ca viêm tụy, có nhiều trường hợp viêm tụy cấp nặng.
“Viêm tụy cấp có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên chính là do rượu. Nếu tổn thương lần đầu mà bệnh nhân bỏ được bia, rượu thì tụy sẽ hồi phục. Nhưng tụy bị tổn thương nhiều lần sẽ xơ hóa tụy, gây tổn thương mãn tính, dẫn đến bị tiểu đường do tổn thương tụy; suy tụy ngoại tiết; giảm hấp thu và biến chứng viêm tụy mãn như sỏi tụy, giãn ống tụy làm bệnh nhân đau đớn, gần như sống bám lấy bệnh viện, chất lượng cuộc sống giảm sút. Khi đó, sẽ có một tỷ lệ phải nằm viện rất dài, ung thư hoặc thậm chí tử vong” - TS Khanh nhấn mạnh.
Những người viêm tụy mà mắc bệnh tiểu đường sẽ có triệu chứng giảm hấp thu, ốm yếu, sống lay lắt, chất lượng cuộc sống kém, bản thân người bệnh cũng chán. Sử dụng rượu, bia trên 10 năm sẽ gây tổn thương gan mãn, xơ gan, ung thư gan.
TS Khanh cho biết, gan là tạng khử độc quan trọng trong cơ thể và có sức bù trừ tốt. Khi chức năng gan dưới 25% (biểu hiện rõ trên lâm sàng như chán ăn, mệt mỏi, phù...), không còn khả năng bù trừ, bệnh sẽ nặng.
Do đó, người bệnh đừng nên chờ biểu hiện lâm sàng của bệnh mới đi khám. Nếu đang uống bia, rượu thấy gan nhiễm mỡ, nếu quyết tâm dừng bia, rượu, người bệnh sẽ hồi phục, hoặc sẽ chậm quá trình tiến triển xơ gan. Nhưng nếu tiếp tục sử dụng bia, rượu, sẽ thoái hóa mỡ ở gan, lúc đó sẽ tiến triển thành xơ gan và gây ung thư gan.
Trong chuyên ngành tiêu hóa, TS Khanh còn cảnh báo rượu cũng sẽ gây ra ung thư thực quản. Phần lớn người nghiện rượu, hút thuốc lá có ung thư thực quản. Và thường với bệnh lý này, người bệnh thường đến viện rất muộn, khi có triệu chứng nuốt khó, không nuốt được nữa mới đến. Những người này thường tránh đến bệnh viện, gần như không bao giờ kiểm tra định kỳ nên khi phát hiện thường ở giai đoạn muộn.
Có người cho rằng dùng bia đỡ hơn, nhẹ hơn, nhưng chuyên gia khuyến cáo, bia tuy độ cồn nhẹ hơn nhưng bia lại dùng cốc lớn thì khi uống nhiều cốc, lượng cồn cũng không kém rượu. Ngay cả rượu vang (độ cồn nhẹ nhất là khoảng 12 độ), nếu uống nhiều thì xơ gan, ung thư gan chỉ là vấn đề thời gian.
Về rượu thuốc, TS Khanh cho rằng, nếu sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc thì nguy cơ ngộ độc viêm gan đã nhiều. Nên khi ngâm rượu thuốc để uống, người bệnh không chỉ ngộ độc do thuốc mà còn tổn thương gan mãn tính do rượu.
TS Vũ Trường Khanh khẳng định, trong thực tiễn lâm sàng, việc cai rượu rất khó, kể cả dùng thuốc cai rượu hỗ trợ. Chỉ khi người bệnh ý thức được tác hại của rượu, bia, tự chủ động cai thì mới có tác dụng.
Do đó, ông khuyến cáo, những người đang sử dụng bia, rượu không nên sử dụng quá lượng cồn cho phép. Nếu sử dụng bia, rượu thường xuyên, người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ xem chức năng gan có tốt hay không, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, sẽ có điều kiện cho bệnh nhân có khả năng điều trị khỏi bệnh tật.