Để giảm tác hại của rượu bia với sức khỏe con người, các chuyên gia khuyến nghị cần thiết ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia. Dự luật này, nếu được thông qua, sẽ quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác (trong luật này gọi chung là rượu, bia), bao gồm: kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống. |
30 loại bệnh liên quan trực tiếp rượu bia
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, tác hại của rượu bia đã được giới khoa học chứng minh trên toàn thế giới.
Thứ nhất là đối với bệnh tật, có 30 loại bệnh liên quan trực tiếp rượu bia, trong đó có nhiều loại ung thư như ung thư đường tiêu hóa, ung thư đại tràng, ung thư gan…
Các bệnh lý khác liên quan rượu bia như bệnh lý về não, bệnh lý đái tháo đường…
“Một tác hại nữa của rượu bia mà tôi nghĩ nhiều người trong xã hội thấu hiểu. Đó là phần lớn tai nạn giao thông cũng liên quan rượu bia. Rượu bia không chỉ là nguyên nhân của bạo lực, bạo hành trong gia đình, mà còn là vấn đề liên quan cộng đồng xã hội, cho nên vấn đề phòng chống tác hại rượu bia trong cộng đồng là rất cần thiết”, Thứ trưởng Sơn nói.
Do đó, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia lần này có đề cập các nội dung: Giảm tiếp cận rượu bia cho tất cả đối tượng, hạn chế về thời điểm bán, không gian bán và có điểm cấm bán rượu bia trong cơ quan nhà nước.
Bộ Y tế không hoàn toàn cấm quảng cáo bán rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng nhưng nên hạn chế tiếp cận với nhóm đối tượng dưới 18 tuổi.
Bên cạnh đó, dự luật cũng khuyến nghị chính sách của Chính phủ đối với việc tăng thuế rượu bia để tránh khả năng tiếp cận, đặc biệt với trẻ em và phụ nữ có thai.
Thứ trưởng Sơn cho rằng chúng ta xây dựng những cơ chế chính sách góp phần giảm bớt tác hại của rượu bia trên người sử dụng; đồng thời như vậy thì chương trình sức khỏe toàn dân sẽ được tăng cường, người dân có sức khỏe, có chất lượng sống cao hơn.
“WHO đã tính toán, chi một đô la cho kiểm soát rượu bia đem lại cho quốc gia 9,3 đô la. Do đó, tôi cho rằng chúng ta nên suy nghĩ và có sự đồng thuận để xây dựng Bộ Luật Phòng chống tác hại rượu bia thiết thực, hiệu quả, đủ mạnh để hạn chế tác hại của rượu bia”, Thứ trưởng Sơn cho hay.
Tài xế uống rượu bia phản ứng chậm, tầm nhìn bị ảnh hưởng dễ gây tai nạn
Ngoài gây hàng loạt bệnh tật ở người, việc sử dụng rượu bia còn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông cho người lái xe, do cơ thể phản ứng chậm, sự phối hợp các hoạt động bị hạn chế, tầm nhìn ảnh hưởng. Việc sử dụng rượu bia gây nhiều hệ lụy hung hăng, bạo lực.
Vụ TNGT thảm khốc ở Hầm Kim Liên, Hà Nội tối 30/4 do tài xế uống rượu bia gây ra khiến 2 phụ nữ tử vong. Trước đó, một vụ TNGT khác cũng do tài xế uống 5-7 cốc bia gây ra khiến nữ lao công tử vong thương tâm. |
Các chuyên gia cho hay hiện nay, vẫn còn có sự nhầm lẫn khi cho rằng người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu nhẹ và rượu mạnh. Trong khi đó, các tác hại của rượu bia không phụ thuộc loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống.
Theo đó, 330 ml bia hơi với độ cồn 4%, nghĩa là có 10 gram cồn. Số lượng cồn này cũng tương tự uống 1 ly rượu vang 13,5 độ, tương tự khi ta uống 1 chén rượu mạnh (30 ml). Như vậy, không có ngoại lệ nào quy định về tiếp thụ rượu bia trên các loại hình đồ uống.
Bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nhấn mạnh dù là rượu hay bia, khi quy ra nồng độ cồn nguyên chất, đều có cơ chế tác động đến sức khỏe như nhau nên cần có biện pháp kiểm soát đối với sản phẩm để giảm bớt tác hại.
Theo hướng dẫn của WHO, khi quy ra nồng độ cồn nguyên chất, lượng rượu bia tiêu thụ vào cơ thể gây tác hại giống nhau.
Ví dụ: Lái xe uống một lon bia, một ly rượu vang 30 ml hay một chén rượu mạnh 15 ml thì quy ra nồng độ cồn nguyên chất là như nhau, đều bị phạt và có nguy cơ gây hại với người tham gia giao thông. Do đó, không thể nói bia không gây hại như rượu được, nên cần cơ chế kiểm soát.
Theo chuyên gia Vụ Pháp chế, kinh nghiệm tại Thái Lan, sau khi có các luật kiểm soát rượu, bia đã góp phần giảm 50% số vụ tai nạn giao thông (75.000 ca), tiết kiệm được hơn 6 tỷ đô la chi phí khắc phục hậu quả.
Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm.
Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến 79.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia.